Hà Nội chủ trì Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt - Trung lần thứ X năm 2023
Ngày 13/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế giữa 5 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ 10; quy tụ hơn 200 đại biểu thảo luận chuyên đề về Đầu tư, thương mại; Văn hóa, y tế, giáo dục, du lịch; Giao thông vận tải, logistic.
Đây được xem là sự kiện đối ngoại lớn của TP Hà Nội trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc đã và đang tích cực triển khai Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong năm 2023.
Tham dự hội nghị, về phía Trung ương có Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Văn phòng Chính phủ… Về phía Thành phố Hà Nội có: Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền; Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quý Tiên; Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung.
Đại diện các địa phương tham gia mô hình hợp tác bao gồm: Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Hoàng Minh Cường; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Ngô Hạnh Phúc.
Về phía Trung Quốc có Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền CHND Trung Hoa tại Việt Nam Hùng Ba và Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Vân Nam Lưu Hiểu Khải. Cùng dự hội nghị có các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp hai nước Việt Nam, Trung Quốc.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Chính quyền và Nhân dân Thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nhiệt liệt chào mừng các đại biểu, khách quý đã tham dự Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt - Trung lần thứ 10 do Thành phố Hà Nội đăng cai tổ chức.
Theo Chủ tịch UBND TP, Hội nghị là sự kiện đối ngoại chính trị và kinh tế thiết thực chào mừng kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển, cùng có lợi giữa các tỉnh, thành phố trong Hành lang kinh tế.
Với chủ đề của Hội nghị là “Mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố hàng lang kinh tế Việt - Trung nhằm phát triển kinh tế trong tình hình mới”; Hội nghị hướng tới mục tiêu tiếp tục phát huy hiệu quả và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các địa phương, đề ra các nội dung hợp tác thực chất, có tính khả thi cao, phù hợp với yêu cầu phát triển và tiềm năng, lợi thế của các bên.
Cho đến nay đã có hàng trăm lượt đại biểu đăng ký tham dự phiên Hội thảo chuyên đề với 3 cụm chủ đề trung tâm là Đầu tư, Thương mại; Văn hóa, Du lịch, Y tế, Giáo dục; Giao thông vận tải, Logistics.
Điều này cho thấy "các chủ đề của Hội nghị đã bám sát thực tiễn, đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa cốt lõi, trọng tâm trong chính sách phát triển của các địa phương Việt Nam và Trung Quốc", Chủ tịch UBND TP khẳng định.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội bày tỏ tin tưởng, Hội nghị sẽ đạt được những kết quả quan trọng, làm nền tảng thúc đẩy các hoạt động hợp tác chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, toàn diện hơn giữa các địa phương trong Hành lang kinh tế nói riêng và giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc nói chung.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã gợi mở 4 vấn đề để Hội nghị cùng trao đổi bao gồm: Các địa phương cần quyết tâm cao hơn nữa, chủ động và sáng tạo hơn nữa để góp phần thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung Cấp cao, nỗ lực không ngừng để củng cố, vun đắp cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc phát triển ngày càng bền vững.
Hai là, cần hết sức chú trọng nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có, đi đôi với việc cùng nghiên cứu, trao đổi để thiết lập các khuôn khổ, mô hình hợp tác mới phù hợp với tiềm năng, lợi thế, điều kiện và ưu tiên phát triển của các địa phương hai bên, nhằm tạo ra những bước đột phá trong hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư; đẩy nhanh kết nối hạ tầng giao thông, nhất là đường bộ và đường sắt khu vực biên giới; mở rộng hợp tác văn hóa - du lịch; đẩy mạnh giao lưu nhân dân giữa các địa phương, đặc biệt là cho thế hệ trẻ.
Ba là, tăng cường hợp tác để quản lý tốt và sử dụng an toàn, hiệu quả, bền vững nguồn nước; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực; bảo đảm sinh kế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân hai bên.
Bốn là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ để củng cố vững chắc đường biên giới hòa bình, hữu nghị; đẩy nhanh việc mở mới, nâng cấp một số cửa khẩu phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển cho từng thời kỳ; tạo thuận lợi hơn nữa cho Nhân dân khu vực biên giới an cư, lạc nghiệp và tăng cường giao thương.
Chia sẻ tại phiên khai mạc Hội nghị, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHND Trung Hoa tại Việt Nam Hùng Ba khẳng định, sự quy tụ của lãnh đạo T.Ư, Hà Nội và các tỉnh địa phương tại Hội nghị đã cho thấy sự coi trọng của lãnh đạo Việt Nam với quan hệ hợp tác hai bên. Ông cũng nhấn mạnh rằng sự hợp tác của tác địa phương mang tính nền móng cho quan hệ Trung Quốc – Việt Nam.
Trung Quốc và Việt Nam là đồng chí tốt, đối tác tốt, chia sẻ vận mệnh chung, có ý nghĩa chiến lược, đồng chí Hùng Ba nhấn mạnh.
Trong xu hướng phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, năm nay cũng đánh dấu kỷ niệm 15 năm thiết lập khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, là thời điểm "kế thừa quá khứ, mở ra tương lai", là cơ hội để nhìn nhận và tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển chung mà hai Đảng, hai Nhà nước đặt ra, Đại sứ cho biết.
Vị đại diện Trung Quốc cũng cho biết, tỉnh Vân Nam Trung Quốc đã cùng 4 tỉnh, thành phố khác của Việt Nam không ngừng nỗ lực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực: Đầu tư, thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, logistics… mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi bên. Hợp tác địa phương Vân Nam (Trung Quốc) và các địa phương của Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển, chính vì vậy các địa phương cần tận dụng tốt các lợi thế sẵn có.
Trong bối cảnh đó, Đại sứ Hùng Ba nhận định, Hội nghị ngày hôm nay sẽ là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hợp tác địa phương - vốn có vai trò nền móng cho quan hệ Trung - Việt. Tỉnh Vân Nam với lợi thế tự nhiên về địa lý, văn hóa, tình cảm gần gũi, dựa trên nền tảng hợp tác 5 tỉnh thời gian qua đã không ngừng đi sâu hợp tác với các địa phương Việt Nam trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, giao lưu, văn hóa, du lịch…
Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày (13-14/11) với phiên toàn thể và ba phiên thảo luận chuyên đề về Đầu tư, thương mại; Văn hóa, y tế, giáo dục, du lịch; Giao thông vận tải, logistic. Khoảng 200 - 250 đại biểu đại diện các ban, ngành, doanh nghiệp hai nước tham dự sự kiện.
Hội nghị là cơ hội để 5 tỉnh, thành phố Việt Nam và Trung Quốc tăng cường trao đổi, thông tin, thúc đẩy kết nối về giao thông, hợp tác về thương mại, đầu tư, giáo dục, du lịch, y tế, tiền tệ và nghiệp vụ bảo hiểm; cũng như thắt chặt tình hữu nghị và sự tin cậy lẫn nhau, qua đó tăng cường giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế thương mại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Thái An
TIN LIÊN QUAN
-
Ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực y, dược, công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước
-
Ra mắt liên minh giáo dục sáng tạo Việt Nam
-
Công nghệ Thực tế ảo hỗn hợp MR tại 'Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào năm 2023'
-
Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0