SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Giá đắt của hào quang

09:39, 06/08/2016
Olympic Rio 2016 khai mạc trong bối cảnh đất nước Brazil đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị xã hội tồi tệ nhất trong vài thập kỷ.

Năm 2009, khi Rio de Janeiro giành quyền đăng cai Olympic 2016, đất nước Brazil đang sống trong những ngày tháng phồn thịnh. Brazil vừa trải qua một thập kỷ kinh tế tăng trưởng ở mức 7-8% mỗi năm và được mô tả như một quyền lực mới đầy hấp dẫn và đang nổi lên mạnh mẽ.

Niềm lạc quan ngày đó giờ đã biến mất hoàn toàn. Olympic Rio de Janeiro 2016 khởi tranh giữa những ngổn ngang bộn bề của một đất nước đang chìm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị xã hội sâu sắc. Tăng trưởng kinh tế đã bốc hơi từ cách đây vài năm. Năm 2015, kinh tế Brazil tăng trưởng âm 3,8% (-3,8%), là mức tồi tệ nhất trong vòng 20 năm. Con số năm nay dự đoán ở mức -3,5%. Với Brazil, suy thoái không chỉ là câu chuyện theo tính chu kỳ mà sâu xa hơn là xuất phát từ sự đổ vỡ của mô hình nhà nước theo đuổi phúc lợi xã hội nhưng lại quá thiếu minh bạch trong quản trị.

Kinh tế tồi tệ làm vỡ tung những xung đột vốn âm ỉ trên chính trường. Ngày khai mạc Olympic trên sân vận động Maracana ở Rio, vị Tổng thống hợp hiến của Brazil, bà Dilma Rousseff, không có mặt vì bà đang trong thời gian bị tước quyền tổng thống do những cáo buộc gian dối số liệu về tình hình tài chính quốc gia. Bà cũng không muốn đến sân chỉ để nhận vai phụ.

Sự từ chối góp mặt của bà Rousseff không chỉ làm Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) khó xử mà còn biểu hiện rõ nét sự đổ vỡ không thể hàn gắn tại Brazil ở mọi cấp độ ngay trước khi Olympic diễn ra. Tác động của nó đến Olympic là rất rõ ràng: kinh tế suy thoái, chính trường chia rẽ khiến công tác chuẩn bị cho Olympic Rio 2016 được đánh giá là kém cỏi nhất trong lịch sử các kỳ Olympic. Làng vận động viên Olympic gồm 31 tòa nhà mới xây xong ở khu Barra di Tijuca bị báo chí và các đoàn vận động viên đặt chân đến đầu tiên mô tả như là “một khu ổ chuột Olympic”, với tường trát dang dở, sàn nhà hôi hám, nhà vệ sinh tắc nghẽn và nước rò khắp nơi.

Chưa hết, chất lượng nước ở vịnh Guanabara, nơi sẽ diễn ra nhiều môn thể thao dưới nước, bị phát hiện có một loại “siêu vi khuẩn” mà bất cứ vận động viên nào lỡ uống quá 3 thìa cà phê nước chắc chắn sẽ mang bệnh. Giải pháp được đưa ra: các chuyên gia khuyến cáo các vận động viên ngậm chặt miệng khi thi đấu tại đây.

Nhưng trên tất cả là mối lo an ninh. Một vài vận động viên đầu tiên đến Rio đã bị cướp, cảnh sát hộ tống đoàn thể thao từ sân bay về thành phố cũng bị tấn công. Ở một thành phố nổi tiếng với các “favela” (khu ổ chuột) đầy rẫy tội phạm như Rio, Olympic quả thực là thách thức khổng lồ về an ninh dù chính quyền Brazil đã huy động 21.000 lính quân đội hỗ trợ an ninh cho cảnh sát.

Cuối cùng, giống như World Cup 2014, Olympic 2016 lại khiến người Brazil đặt câu hỏi: có đáng hay không? Hơn 60% người dân Brazil và trên 70% người dân Rio de Janeiro, bang mắc nợ công cao nhất Brazil, cho rằng Olympic là một sự lãng phí trong thời điểm Brazil còn quá nhiều vấn đề phải lo về y tế, giáo dục và môi trường. Lo ngại này hợp lý: chi phí tổ chức Olympic Rio 2016 đã đội lên 40% so với dự toán ban đầu và Brazil sẽ phải chi ra 11 tỉ đô la Mỹ cho sự kiện thể thao này.

Những gì thu lại không tương xứng. Hãng kiểm toán Ernst&Young, nhà tài trợ cho Olympic, đưa ra một nghiên cứu cho thấy Olympic 2016 có thể tạo ra khoảng 1,79 triệu việc làm tạm thời ở Rio và các vùng lân cận.

Nhưng con số này, kể cả có đạt được, thì vẫn không đủ giảm bớt gánh nặng của 11 triệu người thất nghiệp hiện nay ở Brazil (tương đương 11,2% dân số lao động), nhất là khi 60% số việc làm này sẽ biến mất ngay lập tức khi Olympic kết thúc. Như đánh giá của Robeco, một trong những quỹ đầu tư hàng đầu Brazil, thì Olympic không thể nào cứu vãn nổi tình hình kinh tế-xã hội quá nghiêm trọng hiện nay ở Brazil. Trên thực tế, Brazil đã có bài học từ chính họ cách đây rất gần: World Cup 2014. Giải bóng đá lớn nhất thế giới tổ chức hai năm trước ở Brazil cũng diễn ra trong bối cảnh y như Olympic Rio hiện nay: căng thẳng xã hội, khủng hoảng kinh tế... và 13 tỉ đô la Mỹ đã được chi ra để đổi lại là những công trình hoang phí: sân vận động được chi tới hơn 300 triệu đô la để xây (sân Manaus) chỉ để đá 4 trận rồi bỏ hoang cho tới tận bây giờ. Du lịch, đầu tư... đều không như kỳ vọng và những gì để lại cho Brazil là một hóa đơn đắt giá.

Olympic Rio 2016 cũng đang đi theo con đường đó. 

Tin khác

Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, TikTok đã thông báo sẽ đình chỉ tính năng kiếm tiền gây tranh cãi trên nền tảng tại các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu. Được biết, đây là những động thái được đưa ra sau những cảnh báo từ Ủy ban Châu Âu.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc công ty mẹ của TikTok, ByteDance phải bán nền tảng truyền thông xã hội này hoặc đối mặt với nguy cơ bị cấm. Tổng thống Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ ký vào dự luật này.
Tin tức 2 ngày trước
(SHTT) - Hàng trăm y tá từ khắp California đã mặc áo sơ mi đỏ và cầm biển hiệu ghi “Hãy tin tưởng y tá, không phải AI” biểu tình bên ngoài Trung tâm Y tế San Francisco của Kaiser Permanente để phản đối việc hệ thống bệnh viện lớn sử dụng trí tuệ nhân tạo để chăm sóc cho các bệnh nhân.
Tin tức 2 ngày trước
(SHTT) - Viện Phát triển và Quản lý quốc tế (IMD) phối hợp Tổ chức Thành phố Thông minh bền vững thế giới (WeGO) tháng 4/2024 đã công bố bảng xếp hạng các thành phố thông minh hàng đầu thế giới năm 2024. Trong đó, Hà Nội đứng ở vị trí thứ 97.
Tin tức 2 ngày trước
(SHTT) - Hồng Kông (Trung Quốc) sẽ cắt giảm thuế lợi nhuận từ sở hữu trí tuệ xuống chỉ còn 5%, đồng thời điều chỉnh Luật Bản quyền để phản ánh sự tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI). Cơ chế mới cũng nhằm thúc đẩy thành phố trở thành trung tâm giao dịch bản quyền.