SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 03/05/2024
  • Click để copy

EU - Cuba tiến gần đến bước ngoặt quan hệ ngoại giao

10:05, 22/01/2014
Theo AFP, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định thực hiện tiến trình nhằm bình thường hóa quan hệ với Cuba. Các chuyên gia đang soạn thảo những văn kiện cần thiết để bắt đầu đàm phán chính thức về một thỏa thuận đối thoại chính trị và hợp tác với Cuba. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ thì đến năm 2015, EU và Cuba sẽ ký kết những văn bản hợp tác mang tính cột mốc.

Đôi bên cùng có lợi

Tại thời điểm này, trước tình hình thế giới liên tục chứng kiến những bước ngoặt trong quan hệ ngoại giao thì EU cũng không ngoại lệ, nhất là hiện nay Cuba ngày càng chứng tỏ có những thành công nhất định trong quá trình cải cách kinh tế-xã hội. 

Theo Le Monde, hồi đầu tháng, Ngoại trưởng Hà Lan Frans Timmermans đến thăm thủ đô Havana của Cuba đã kêu gọi EU cải thiện quan hệ với Cuba. Đây là vị Ngoại trưởng Hà Lan đầu tiên tới thăm Cuba kể từ cuộc Cách mạng năm 1959. Ông Frans Timmermans nhấn mạnh rằng Cuba giữ vai trò rất quan trọng trong việc kết nối EU và Mỹ Latinh.

Theo Global Insider, nhiều nhà ngoại giao châu Âu khi được phỏng vấn đã thừa nhận, châu Âu là đối tác thương mại lớn thứ hai ở Cuba (sau Venezuela), hàng hóa xuất khẩu của châu Âu vào thị trường Cuba đã lên đến 2 tỷ EUR. Trong tình hình khủng hoảng nợ công, tình trạng thất nghiệp lan rộng ở EU thì tìm được thị trường là cơ hội mà EU khó để vuột mất.

Nhận định về mối quan hệ EU-Cuba, giáo sư Joaquin Roy, Giám đốc Trung tâm EU Miami cho rằng, dù tồn tại quy tắc “Lập trường chung” từ năm 1996 nhưng thực tế, nhiều nước thành viên EU vẫn duy trì chính sách hợp tác thực dụng. Nghĩa là, vẫn có những sự hợp tác về thương mại, đầu tư, hỗ trợ phát triển với Cuba. Theo ông Joaquin Roy, EU tin rằng cấm vận của Mỹ đối với Cuba có thể tạo ra trở ngại trong việc thương lượng của khối này với Cuba. 

Năm 1996, EU đã quyết định thiết lập hàng loạt quy tắc giới hạn mối quan hệ với Cuba mang tên “Lập trường chung”. Chính sách này được Chính phủ của cựu Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Maria Aznar thúc đẩy và trình lên Hội đồng châu Âu nhằm gây áp lực và được xem là đã can thiệp quá sâu vào nội bộ đất nước Cuba.

Cuba không ngừng cải cách

Không phải đến bây giờ EU mới tìm lại Cuba mà từ tháng 11-2012, EU đã nhất trí khởi động tiến trình thương lượng một thỏa thuận song phương với Cuba. Tây Ban Nha lúc ấy cho rằng đã có những tiến bộ tích cực từ phía Cuba và điều này cho phép EU cân nhắc một cách nghiêm túc việc thúc đẩy mối quan hệ song phương lên một giai đoạn mới. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, bà Catherine Ashton nhận định hiện đã đến thời điểm EU và Cuba cần thương lượng một cách nghiêm túc để hướng tới một mối quan hệ có lợi cho cả hai phía. EU cũng nhìn nhận những cải cách của Cuba trong thời gian qua là rất khả quan.

Theo Financial Times, tháng 3 tới, Quốc hội Cuba sẽ tiến hành kỳ họp đặc biệt để thảo luận về đạo luật đầu tư nước ngoài mới. Chủ tịch Cuba Raul Castro đã khẳng định tầm quan trọng của các khoản đầu tư nước ngoài trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại đảo quốc này. Từ khi lên cầm quyền năm 2008, Chủ tịch Raul Castro đã thúc đẩy hơn 300 cải cách kinh tế với phương châm “không vội vàng, nhưng sẽ không chậm trễ”. Cũng từ năm 2008, khoảng 15 nước châu Âu đã ký các thỏa thuận song phương với Cuba. Đến nay, Cuba đã thực hiện cam kết trả tự do cho 41 tù nhân chính trị - điều mà các nước châu Âu yêu cầu từ nhiều năm nay. Cuba cũng đã tiến hành những bước cải cách lớn trong lĩnh vực kinh tế. Chính phủ Cuba đang tiếp tục triển khai thành công việc mở cửa cho kinh tế tư nhân, từng bước khẳng định lộ trình cải cách của mình là đúng đắn.

Tin khác

Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Gần đây, một giáo viên trung học ở Mỹ đã bị bắt vì sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giả mạo giọng nói của hiệu trưởng, tạo ra nội dung phát ngôn xúc phạm học sinh và đồng nghiệp. Những phát ngôn này sau đó được lan truyền rộng rãi và gây ra phản ứng tiêu cực trong cộng đồng.
Tin tức 1 tuần trước
(SHTT) - Mới đây, TikTok đã thông báo sẽ đình chỉ tính năng kiếm tiền gây tranh cãi trên nền tảng tại các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu. Được biết, đây là những động thái được đưa ra sau những cảnh báo từ Ủy ban Châu Âu.
Tin tức 1 tuần trước
(SHTT) - Mới đây, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc công ty mẹ của TikTok, ByteDance phải bán nền tảng truyền thông xã hội này hoặc đối mặt với nguy cơ bị cấm. Tổng thống Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ ký vào dự luật này.
Tin tức 1 tuần trước
(SHTT) - Hàng trăm y tá từ khắp California đã mặc áo sơ mi đỏ và cầm biển hiệu ghi “Hãy tin tưởng y tá, không phải AI” biểu tình bên ngoài Trung tâm Y tế San Francisco của Kaiser Permanente để phản đối việc hệ thống bệnh viện lớn sử dụng trí tuệ nhân tạo để chăm sóc cho các bệnh nhân.
Tin tức 1 tuần trước
(SHTT) - Viện Phát triển và Quản lý quốc tế (IMD) phối hợp Tổ chức Thành phố Thông minh bền vững thế giới (WeGO) tháng 4/2024 đã công bố bảng xếp hạng các thành phố thông minh hàng đầu thế giới năm 2024. Trong đó, Hà Nội đứng ở vị trí thứ 97.