SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Điểm lại những vụ thao túng thị trường chứng khoán bị xử lý hình sự

10:32, 30/03/2022
Trước chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, nhiều cá nhân bị xử phạt hành chính liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán, nhiều trường hợp bị xử phạt hình sự với tổng mức phạt lên đến 20 năm tù.

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã công bố rất nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán nhưng mức phạt chỉ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Mức phạt hành chính dường như vẫn chưa đủ sức răn đe bởi thực tế, so với lợi nhuận thu về từ bán “chui” cổ phiếu thì mức phạt vài chục, vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng cũng không thấm vào đâu.

Cuối tháng 1/2022, UBCKNN ra quyết định phạt ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỷ đồng và đình chỉ giao dịch 5 tháng vì giao dịch khi chưa công bố thông tin gần 75 triệu cổ phiếu FLC. Cuối năm 2017, ông Quyết bán 57 triệu cổ phiếu FLC nhưng “không báo trước”. Ước tính trong thương vụ này ông Quyết có thể đã thu về ít nhất 400 tỷ đồng theo giá thị trường, song số tiền bị phạt chỉ 65 triệu đồng. Cũng trong năm 2017, CTCP xây dựng FLC Faros (ROS) do ông Quyết làm Chủ tịch HĐQT cũng bị UBCKNN phạt vì bán hơn 13,69 triệu cổ phiếu AMD (CTCP đầu tư và khoáng sản AMD Group). Thời điểm đó nếu ROS mua lại cổ phiếu AMD thì có thể thu được hơn 136 tỉ đồng, song mức phạt chỉ là 130 triệu đồng.

quyet

Ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt tạm giam vì "Thao túng thị trường chứng khoán" ( ẢNH: FLC) 

Có vẻ như số tiền phạt quá nhỏ so với lợi nhuận bán cổ phiếu “chui” nên việc này vẫn tiếp tục tái diễn trong nhiều năm qua. Không chỉ ông Trịnh Văn Quyết mà rất nhiều “ông lớn” khác cũng từng thực hiện trót lọt những phi vụ này.

Một vi phạm khác cũng từng xảy ra vào ngày 10/1/2022, UBCKNN xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Thanh Hương với mức phạt tiền 80 triệu đồng về hành vi: Không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương là người có liên quan đến bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Thành viên Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử Viễn thông (Mã chứng khoán: ELC). Bà Thanh Hương mua 100.000 cổ phiếu ELC ngày 02/7/2021 và bán ra trong tháng 8/2021 nhưng không công bố thông tin dự kiến giao dịch.

Thực tế, một trong những mức phạt hành chính cao nhất thuộc về một người nhà của "sếp" ngân hàng VPBank, với số tiền gần 1 tỷ đồng. Cụ thể, ngày 23/7/2021, Thanh tra UBCKNN đã ban hành Quyết định số 480 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Trần Ngọc Bê với số tiền 940.350.000 đồng. Ông Trần Ngọc Bê là người có liên quan với một lãnh đạo Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (mã chứng khoán: VPB). Ông mua 1.481.200 cổ phiếu VPB, bán 59.000 cổ phiếu VPB trong tháng 1, mua 1.880.700 cổ phiếu VPB trong tháng 2, mua 59.000 cổ phiếu VPB vào tháng 3 nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch. Ngoài bị phạt tiền, ông Bê còn phạt chịu hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ giao dịch chứng khoán trong thời hạn 4 tháng.

Có lẽ vì lợi nhuận, vì sự đầu cơ làm giá, mà các “ông lớn” bất chấp những quy định, bất chấp đạo đức kinh doanh để thực hiện những hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán. Trên thực tế, vẫn còn ít trường hợp bị khởi tố hình sự về tội danh Thao túng chứng khoán. Tội danh này tuy không mới theo quy định của Bộ luật Hình sự nhưng lại mới trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử.

Ngày 26/11/2010, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của ông Lê Văn Dũng - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần dược Viễn Đông về hành vi thao túng giá chứng khoán. Ông Dũng là người đầu tiên bị xử lý hình sự về hành vi thao túng giá chứng khoán kể từ khi tội danh mới này được bổ sung vào Bộ luật Hình sự, có hiệu lực từ 1/2010. Hôm sau, em trai ông Dũng là Lê Văn Mạnh cũng bị tạm giữ, điều tra về cùng tội danh.

Kết quả điều tra còn cho thấy, ông Dũng và một số người khác đã lập nhiều tài khoản, thông đồng thực hiện việc mua, bán cổ phiếu của Công ty CP Dược phẩm Hà Tây tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu này. Đồng thời, ông Dũng và nhiều người đã lập các công ty do họ hàng, bạn bè đứng tên để kinh doanh, tạo doanh thu ảo, cung cấp một số thông tin không đúng thực tế để chào bán cổ phiếu của Dược Viễn Đông ra công chúng. Ngày 30/12/2011, ông Lê Văn Dũng bị kết án 4 năm tù về tội thao túng giá chứng khoán.

Hay như vụ việc vào tháng 12/2017, bà Nguyễn Vân Giang (36 tuổi), nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Chứng khoán ngân hàng Đông Á – chi nhánh Hà Nội bị bắt về hành vi Thao túng giá chứng khoán. Theo cáo buộc, từ tháng 2/2015 đến tháng 12/2016, bà Giang đã sử dụng chứng minh nhân dân của nhiều khách hàng để thành lập một số công ty, dùng thông tin của nhiều người khác để mở tài khoản chứng khoán, hoặc mượn tài khoản chứng khoán tại nhiều công ty chứng khoán để giao dịch chéo cổ phiếu CDO. Cơ quan điều tra cho rằng việc làm của Giang nhằm đẩy giá cổ phiếu CDO lên cao, thu hút nhiều nhà đầu tư và bán ra với mục đích kiếm lời.

Tháng 8/2020, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt bị cáo Nguyễn Vân Giang 17 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 3 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.Tổng hình phạt đối với bị cáo Giang là 20 năm tù.

Hành động của những người này khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ, gây bất bình và đe dọa sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán.

Theo Bộ luật Hình sự 2015, tại Điều 211 quy định về tội thao túng thị trường chứng khoán như sau: Khoản 1 có mức hình phạt là phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Khung này được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản nêu ở mặt khách quan. Khoản 2 có mức phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Được áp dụng đối với một trong các trường hợp các phạm tội như có tổ chức; Thu lợi bất chính lớn; Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; Tái phạm nguy hiểm.  

Nguyễn Huệ

Tin khác

Pháp luật 7 giờ trước
(SHTT) - Cơ quan CSĐT Công an thành phố Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Nông Thị Hằng (SN 1987), trú ở xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì, Thành phố Hà Nội về hành vi sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe chống đột quỵ giả.
Pháp luật 2 ngày trước
(SHTT) - Cuộc chiến pháp lý giữa các công ty dược phẩm từ năm 2022 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi mới đây, Pfizer và BioNTech đã yêu cầu một tòa án ở London (Anh) thu hồi các bằng sáng chế của công ty đối thủ Moderna về công nghệ phát triển vắc xin COVID-19.
Pháp luật 3 ngày trước
(SHTT) - Theo thông tin từ Công an Thành phố Hà Nội, một nạn nhân đã trình báo về việc tham gia đầu tư tiền ảo và bị lừa đảo trực tuyến hơn 2 tỷ đồng. Đáng chú ý, các mánh khóe, chiêu lừa được các đối tượng sử dụng để moi tiền của nạn nhân đều không mới.
Pháp luật 4 ngày trước
(SHTT) - Trong buổi tọa đàm Luật sở hữu trí tuệ - Từ quá trình sửa đổi đến thực tiễn thi hành: Một năm nhìn lại, luật sư Vũ Thị Kim Dung (Rouse) đã có phần trình bày liên quan đến vấn đề pháp luật về xác lập quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, từ sửa đổi đến thực tiễn áp dụng.
Pháp luật 6 ngày trước
(SHTT) - Mới đây, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức Hội thảo khoa học tham vấn, trao đổi, thảo luận các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.