SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 10/05/2024
  • Click để copy

Cô Tô - Quảng Ninh: Xây dựng huyện đảo giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh

14:31, 16/10/2023
Với vị trí đặc biệt quan trọng, việc xây dựng huyện đảo trở thành khu vực phòng thủ vững chắc, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Cô Tô quán triệt, triển khai có hiệu quả, góp phần bảo vệ vững chắc biển, đảo quê hương trong sự phát triển bền vững của đất nước.

 “Vành đai đảo”

Cô Tô là huyện biên giới, biển, đảo nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh; có diện tích phần đất nổi trên 53,68km2, gồm 71 đảo lớn nhỏ; có đường biên giới biển gần 100km, từ TP Móng Cái đến tiếp giáp với huyện đảo Bạch Long Vĩ của Hải Phòng; vùng biển và ngư trường rộng khoảng 300km2.

1

 Cô Tô có vị trí chiến lược trong vùng biển phía Đông Bắc của Tổ quốc.

Cô Tô có vị thế chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh; trong một số tài liệu “Cô Tô” được định nghĩa là “Vành đai đảo”; cùng với các đảo Vĩnh Thực (TP Móng Cái), Cái Chiên (huyện Hải Hà), Minh Châu, Thắng Lợi, Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn) tạo thành vành đai bảo vệ các cửa biển, các đảo gần bờ và tuyến đất liền.

Chính vì vậy, Cô Tô được xác định là địa bàn chiến lược quan trọng trong thế trận phòng thủ của Quân khu 3; là lá chắn thép, nhiều tầng, nhiều lớp về quốc phòng, an ninh. Kết quả Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ cho thấy, khu vực đảo Trần và quần đảo Cô Tô đã góp phần xác định (từ vị trí số 1 đến số 9) đường biên giới quốc gia trên biển và xác định vùng chồng lấn giữa Việt Nam và Trung Quốc; sự hiện diện của các đảo thuộc quần đảo Cô Tô cùng Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ đã góp phần khẳng định chủ quyền, bảo vệ lợi ích quốc gia.

Ngày 9/5/1961 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra thăm đảo Cô Tô. Sự kiện Bác Hồ ra thăm đảo và tượng đài của Người hiện diện trên vùng đảo Cô Tô thể hiện tầm nhìn xa rộng, tư duy chiến lược của Đảng và Nhà nước Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, vị thế của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tượng đài của Người là hồn thiêng sông núi, dấu mốc lịch sử, khẳng định chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Việt Nam trên Biển Đông.

Sau 29 năm (3/1994-3/2023) xây dựng và trưởng thành, các thế hệ lãnh đạo huyện Cô Tô đã phát huy truyền thống năng động sáng tạo; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng huyện đảo phát triển bền vững về kinh tế, đảm bảo vững chắc an ninh quốc phòng, chủ quyền biên giới biển đảo được giữ vững.

2

Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội luôn được cấp ủy, chính quyền, nhân dân huyện Cô Tô gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, biên giới biển đảo. 

Xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh

Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (với 3 nội hàm chính là: Đầu tư xây dựng tiềm lực chính trị, tiềm lực kinh tế, tiềm lực quân sự quốc phòng); Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết các Đại hội XIII, XIV, XV của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh; với sự quan tâm đặc biệt của trung ương và tỉnh, sự nỗ lực cố gắng vào cuộc các sở, ngành cùng tinh thần đoàn kết, năng động, vượt khó khăn, 10 năm qua cấp ủy, chính quyền, nhân dân và LLVT huyện Cô Tô đã nghiêm túc quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện, vận dụng linh hoạt, có hiệu quả các đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội.

Cán bộ, đảng viên, LLVT và nhân dân nắm vững đường lối chính trị, quân sự của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của LLVT về chủ quyền biên giới, biển đảo. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được chăm lo xây dựng, củng cố, phát huy được sức mạnh tổng hợp trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh.

Trước khi có Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI), Cô Tô là huyện không có điện, nước ngọt sinh hoạt, giao thông đi lại khó khăn, số hộ nghèo và cận nghèo chiếm 9%. Sau khi thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, kinh tế - xã hội của huyện phát triển nhanh chóng; 3 khó khăn lớn nhất của huyện đảo là điện, giao thông đi lại, nước ngọt sinh hoạt đã được giải quyết. Nhiều dự án, công trình phát triển kinh tế, quốc phòng đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư, đặc biệt là dự án “Đưa điện lưới ra đảo Cô Tô” (hoàn thành ngày 16/10/2013), đảo Trần (hoàn thành ngày 1/9/2020); xây dựng các hồ chứa nước ngọt trên các đảo.

Các phương tiện hiện đại được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Vân Đồn ra Cô Tô còn 1,5 giờ thay vì 4 giờ như trước; diện mạo của huyện thay đổi nhanh chóng, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Năm 2015, Cô Tô là huyện đảo đầu tiên trong nước được công nhận hoàn thành xây dựng NTM và cơ bản đạt các chỉ tiêu, tiêu chí về huyện đảo NTM nâng cao theo bộ tiêu chí năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2022 đạt trên 5.000 USD (115 triệu đồng), toàn đảo không còn hộ nghèo; quốc phòng - an ninh luôn được đảm bảo, chủ quyền biên giới biển đảo được giữ vững.

Các kết quả nêu trên của Cô Tô góp phần vào những thành tựu chung của tỉnh Quảng Ninh trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh 30/10 (1963-2023) và 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

3

 Sau 30 năm thành lập, diện mạo của Cô Tô đã có sự thay đổi nhanh chóng.

Những giải pháp hữu hiệu

Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội luôn được cấp ủy, chính quyền, nhân dân huyện gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, biên giới biển đảo, an ninh đất nước. Đặc biệt trong bối cảnh dự báo những năm tới tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; sự tác động của an ninh phi truyền thống (biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sự suy giảm đa dạng hệ sinh thái biển); việc già hóa, giảm quy mô dân số ở một số đảo; thiếu lao động đi biển do chuyển dịch lao động vào đất liền để tìm kiếm các cơ hội việc làm có thu nhập cao hơn... sẽ tác động lớn đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 cùng chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, huyện thực hiện một số nội dung, giải pháp cụ thể: Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác quân sự, quốc phòng; trọng tâm là Nghị quyết số 25-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) và các chỉ thị, nghị quyết của trung ương, tỉnh về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, pháp luật, quốc phòng an ninh nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, LLVT và nhân dân về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thường xuyên quan tâm đến công tác chính trị, tư tưởng; tuyên truyền về truyền thống lịch sử đấu tranh bảo vệ đất nước, về chủ quyền biên giới, biển đảo; thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng; công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác rà soát, sàng lọc đảng viên; chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề phức tạp, không để bị động bất ngờ.

4

 Đảo Trần - Tổ quốc nơi đầu sóng. 

Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh theo phương châm phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên. Trong đó trọng tâm là thực hiện Chương trình hành động số 27-CTr/TU ngày 27/3/2019, Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 23/4/2019 của Tỉnh ủy về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển và phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh; đảm bảo hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, chú trọng phát triển kinh tế - xã hội gắn với quy hoạch thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ huyện. Các hạng mục công trình quân sự phải phù hợp với sự phát triển của huyện, đảm bảo sử dụng đất đai, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trọng tâm là du lịch, dịch vụ; tích cực đầu tư các dự án kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh trên biển, đảo; chú trọng xây dựng các công trình lưỡng dụng vừa phục vụ phát triển KT-XH vừa sẵn sàng bảo đảm quốc phòng - an ninh khi có tình huống; phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý đất quốc phòng, rừng và xây dựng các công trình quốc phòng.

Huyện tập trung xây dựng LLVT vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao khả năng chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Trong suốt hành trình gần 30 năm, Cô Tô thật sự trở thành phên giậu của vùng biển đảo Đông Bắc Tổ quốc nhờ sự kiên cường bám trụ của mỗi công dân trên vùng biển đảo, mỗi người dân là một chiến sĩ và mỗi chiến sĩ là một lá chắn thép giữa nơi sóng gió trùng khơi.

Nguyễn Việt Dũng (Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô)

Tin khác

Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - Nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan thủ tục đối với đất rừng để thực hiện dự án đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống; ngày 7/5/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1821/QĐ-UBND về việc phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với tổng diện tích chuyển đổi là 0,5445 ha.
Tin tức 12 giờ trước
Với kỳ vọng sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ cho các doanh nghiệp bức phá, Hội chợ Hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu 2024 quy tụ 450 gian hàng của khoảng 400 doanh nghiệp Việt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua hàng đa dạng của các nhà mua hàng quốc tế.
Tin tức 12 giờ trước
Hội nghị Toàn thể lần thứ 10 của Uỷ ban Chương trình ký ức Thế giới Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO tổ chức tại Mông Cổ vừa xem xét vinh danh "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế" (còn gọi là Cửu đỉnh – Hoàng Cung Huế) của Việt Nam.
Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - Thanh tra ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) đã triển khai thanh tra, kiểm tra đối với 8.066 cơ sở và xử phạt vi phạm hành chính đối với 359 cơ sở với tổng số tiền xử phạt là 8,08 tỉ đồng.
Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - Triển lãm Quốc tế Chuyên ngành Y Dược Việt Nam (VIETNAM MEDI-PHARM) được tổ chức thường niên vào tháng 5 tại Hà Nội từ năm 1994. Triển lãm do Công ty CP Xuất Nhập khẩu Y tế Việt Nam (VIMEDIMEX VN), Công ty CP Hội chợ Triển lãm và Quảng cáo Việt Nam (VIETFAIR) phối hợp tổ chức từ ngày 09 – 12/5/2024.