SO HUU TRI TUE
Thứ tư, 15/05/2024
  • Click để copy

Chuyện về người thầy thắp lửa 'Nghìn việc tốt'

14:23, 31/08/2023
(SHTT) - Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn tại vùng quê Đình Bảng (Bắc Ninh) bằng ý chí, nghị lực phi thường đã vượt qua 'án tử' năm 31 tuổi để tiếp tục làm thơ, viết sách và thắp lửa cho sứ mệnh phát triển phong trào “Nghìn việc tốt” ở tuổi ngoài 80.

Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn được người dân làng Đình Bảng (Từ Sơn - Bắc Ninh) gọi vui với tên “Người thầy giáo với nghị lực thép”. Bằng ý chí, nghị lực phi thường, thầy đã vượt qua căn bệnh phong quái ác ở tuổi 31 và tiếp tục sống tốt đời, đẹp đạo, điểm tô cho cuộc đời những năng lượng tích cực.

Đến nay, dù đã hơn 80 tuổi nhưng con người ấy vẫn ca hát, làm thơ, viết sách và tiếp tục sứ mệnh phát triển phong trào “Nghìn việc tốt”.

Son 1

Nhà giáo Nhân Dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn. Ảnh: Lương Hiền

Vượt qua 'án tử' với nghị lực thép

PV: Đã có một thời bệnh nhân phong thường bị đại đa số mọi người xa lánh và kỳ thị. Vậy thời điểm đó khi biết bản thân mình mắc bệnh, thầy cảm thấy như thế nào?

Nhà giáo Nhân Dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn: Tôi còn nhớ, thời điểm ấy tôi đang là giáo viên của trường Liên Sơn ( nay là THCS Tam Sơn) kiêm Phó bí thư chi bộ. Ngày ấy, trên thế giới nhiều nơi đã xóa đi thành kiến với bệnh phong, nhưng ở Việt Nam vẫn còn tồn tại định kiến với căn bệnh này.

Dấu hiệu dễ nhận biết nhất của bệnh phong đó là những nơi trên da có xuất hiện các vệt màu trắng hoặc màu nâu, tại những khu vực ấy người bệnh sẽ bị mất cảm giác. Vào một ngày nhận thấy trên cơ thể có những dấu hiệu của bệnh, tôi đã đi kiểm tra. Bác sĩ trực phòng khám nhận giấy giới thiệu của tôi đến khám, thông báo với tôi một tin “sét đánh” đó là tôi sẽ nhận “án tử”, nghe xong tôi đau đớn.

Khi bác sĩ thực hiện khám bệnh cho tôi thì bên dưới có rất nhiều sinh viên Đại học Y ngồi quan sát khiến tôi thấy ngượng. Lúc ấy, tôi còn đang giữ chức vụ là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đoàn tỉnh - một vị trí quan trọng đối với đất nước, nhưng tôi vẫn phải dẹp bỏ đi sự ngượng ngùng ấy đi mặc cho bác sĩ, giám đốc khám.

Khám xong, tôi còn tặng bác sĩ một bài thơ mà bản thân vừa mới ngẫu hứng sáng tác:

"Trong phòng khám B10

Tư lệnh là bác sĩ

Xa bàn là thân tôi

Sinh viên thực tập chữa bệnh,

 cứu con người".

Bác sĩ nghe xong và nói: “Anh mà vẫn xuất khẩu thành thơ được như vậy thì chắc chắn anh sẽ chiến thắng”.

Tôi cảm thấy vui lắm, và thế là tôi tới Bệnh viện Quỳnh Lập ( Nghệ An) để chữa bệnh.

PV: Động lực nào giúp thầy vượt qua những khó khăn trong quá trình điều trị bệnh?

Nhà giáo Nhân Dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn: Bệnh viện Quỳnh Lập tuy có không gian rộng rãi, thoáng mát, có núi, có biển nhưng thực chất là để cách ly những người bệnh với xã hội nên nơi đây cũng rất hiu quạnh. Chúng tôi tự thổi cơm, đi bắt từng con ngao rồi về nấu với lá sắn non ở bên rừng để ăn, để sống. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng vì tôi là nhà giáo, là Đảng viên nên vẫn phải giữ vững ý chí và sự lạc quan.

Tôi ở bệnh viện Quỳnh Lập 1.461 ngày, sau khi trở về tôi vẫn làm giáo viên, vẫn tiếp tục lên lớp và là anh hùng của Tổ quốc. Đến hôm nay, tôi - 83 tuổi vẫn là người hướng dẫn viên tại Đền Đô truyền cảm hứng về hào khí Thăng Long ở trên đất thiêng của quê hương Đình Bảng - một trong những cái nôi của cách mạng Việt Nam.

Đây cũng là bản lĩnh sống khiến tôi đặt cho bản thân bút danh là Nhiệt Cảm Sinh. Bản lĩnh ấy là thứ đã được bản thân người nhà giáo, người anh hùng dân tộc xây dựng lên từ sự hiểu biết khoa học và trách nhiệm với cuộc đời. Cũng nhờ bản lĩnh ấy mà tôi đã thành công thoát khỏi 'án tử' ở thời tuổi trẻ và tiếp tục làm đẹp cho đời khi ở tuổi bát thập hiện nay.

son 2

Một số tư liệu, hình ảnh về cuộc đời được thầy Thìn đưa vào cuốn tự truyện “Chuyện cuộc đời”. Ảnh: Lương Hiền

PV: Được biết trong quá trình thầy điều trị tại bệnh viện Quỳnh Lập thầy có thành lập một ngôi trường mang tên anh hùng Lê Văn Tám? Vậy điều gì đã thôi thúc thầy làm điều đó?

Nhà giáo Nhân Dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn: Khi ấy, ở bệnh viện có 152 em thiếu nhi không phải là bệnh nhân nhưng là con của những người bệnh, do ở nhà không có ai nương tựa được nên phải theo cha mẹ vào đây. Tôi đã đề xuất phải quan tâm đến việc dạy học cho các em, rất may mắn là bác sĩ cũng như các bệnh nhân cùng có chung lý tưởng với tôi.

Bằng tấm lòng yêu thương và khát vọng mong muốn các em tiến bộ hơn, một ngôi trường bên bờ biển lấy tên là Lê Văn Tám đã được thành lập. Sở dĩ trường được đặt tên này là do ngọn lửa Lê Văn Tám chính là ngọn lửa để giành độc lập, tự do và chúng tôi cũng mong muốn ngọn lửa ấy sẽ thắp sáng cho tương lai những học trò nhỏ nơi đây.

Những phòng bệnh trống được sắp xếp lại làm lớp học, thầy cô giáo là những trí thức đã vào đây được điều trị khỏi bệnh nhưng khi trở về làm việc bị xa lánh nên đã quyết định quay lại bệnh viện để cùng chung tay xây tương lai cho những em nhỏ của các bệnh nhân nơi đây.

Ngày khai trường, tôi viết bài thơ “ Khai trường Lê Văn Tám”, tất cả cùng đọc đồng thanh bên bờ biển để người đánh cá dù ở xa ngoài khơi kia vẫn có thể nghe thấy:

"Ngọn lửa tim người Quỳnh Lập bừng lên ngời sáng

Niềm tin yêu con người và cuộc sống.

Hôm nay ta khai trường học say bài vở

Đường trường tên Lê Văn Tám, có bao người yêu thương".

Nghìn việc tốt - Phong trào của ý chí và sức mạnh tuổi trẻ

PV: Ý tưởng nào khiến thầy bắt nguồn phong trào “Nghìn việc tốt” tại trường Liên Sơn ( nay là trường THCS Tam Sơn)?

Nhà giáo Nhân Dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn: Ngày ấy, trường Liên Sơn chỉ là một lớp học nhỏ dưới chân chùa Tam Sơn.

Mùa xuân năm 1963, sinh hoạt Đội có chủ đề “Tiến bước lên Đoàn”. Ngày chủ nhật 24/03/1963, tôi với các bạn đồng nghiệp và các em học sinh không nghỉ, buổi sáng cùng nhau đi trồng cây xuân, làm theo lời Bác Hồ dạy: “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Trong 1 giờ đồng hồ, chúng tôi trồng được rất nhiều hàng cây. Lúc tổng kết, chúng tôi hạnh phúc nói với nhau rằng hàng cây đẹp lắm, chỉ năm mười năm nữa thôi sẽ có bóng cây hai bên đường rợp bóng để người đi đường mùa hè được che mát, mùa đông được chắn gió lạnh.

Từ đó, cảm hứng đi trồng cây thời ấy với tinh thần thiếu niên tiền phong, tiến bước lên đoàn hứng khởi vô cùng. Người thì chuẩn bị cây giống, người thì quốc, người thì xẻng, chúng tôi vui lắm khi vừa đi vừa hát.

Ngày xưa, khẩu hiệu tiếng hát át tiếng bom rất đúng với tinh thần của tuổi trẻ là ca hát và chiến đấu. Tâm hồn thiếu niên Tiền Phong phơi phới như thế đó, tiến bước Liên đoàn với khát vọng lớn lao được trở thành đoàn viên, được mang trên mình huy hiệu đoàn có cánh tay thanh niên cầm lá cờ Tổ quốc tiến lên phía trước để cắm vào đài chiến thắng.

Tình cảm ấy nồng cháy như thể một thời tuổi trẻ sống trong sáng với tâm hồn và khát vọng sống đẹp. Do đó từ sự kiện việc tốt trồng cây ấy, chúng tôi nghĩ rằng cần phải nhân rộng lên để nhiều người cùng biết tới. Vậy nên, tôi đã lấy tên gọi hoàn chỉnh của phong trào đó là: Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện năm điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ.

son 3

Thầy Thìn đã có nhiều tác phẩm sách và tuyển tập thơ viết về chuyện đời và nhận được sự quan tâm lớn của độc giả cả nước. Đặc biệt, tác phẩm "Chuyện cuộc đời" dày hơn 400 trang của ông đã được nhà xuất bản Thanh niên tái bản 9 lần, và được nhiều độc giả quan tâm. Ảnh: Lương Hiền

PV: Thầy có lời khuyên gì cho thế hệ trẻ ngày nay để thực hiện tốt phong trào học tập và rèn luyện theo gương "Thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, giành danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ"?

Nhà giáo Nhân Dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn: Tôi chỉ muốn nói rằng các em hãy sống bằng một tâm hồn trong sáng và khát vọng đẹp, để từ đó rèn bản lĩnh tự học, tự rèn sẽ chiến thắng hoàn cảnh.

Con người phải mạnh hơn cái chết, con người là một thực thể, chúng ta phải làm sao để phần người phải lớn hơn phần con. Vì có lý trí thì chúng ta có thể sáng tạo hơn nữa.

Bây giờ là thời kỳ khoa học diệu kỳ, hãy tin ở khoa học và tận dụng sự phát triển của khoa học này để sáng tạo, để thành công hơn. Một ngày bằng mấy trăm năm, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi tuổi trẻ phải học tập thật tốt để có trí tuệ và sáng tạo và thành công. Vậy nên, dừng bao giờ run sợ trước khó khăn, thử thách.

PV: Hiện tại, điều gì giúp thầy vẫn tiếp tục gắn bó với công việc hướng dẫn viên tại Đền Đô ở tuổi đáng lẽ ra đã nghỉ hưu?

son 4

Thầy giáo Nguyễn Đức Thìn giới thiệu về công việc hướng dẫn du khách tham quan, tìm hiểu lịch sử Đền Đô và Vương triều nhà Lý. Ảnh: Lương Hiền 

Nhà giáo Nhân Dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn: Tôi luôn nói tôi không chỉ làm hướng dẫn viên, viết sách mà tôi còn làm rất nhiều việc khác. Phương châm của tôi là còn sống, còn phải làm việc, đấy là hạnh phúc. Nếu không làm việc chúng ta sẽ bỏ lỡ hạnh phúc khi được sống và làm người.

Hoàn cảnh sống không phải là yếu tố quyết định, chúng ta phải biết biến rủi thành may dù cho hoàn cảnh sống là chiến tranh, đói nghèo, oan trái, đố kị, bệnh tật... Phải chiến thắng tất cả những nghịch cảnh đó để làm một người sống hạnh phúc, sống bình dị, phù hợp với hoàn cảnh của mình.

PV: Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện ngày hôm nay!

Lương Hiền - Thu Mai - Viết Sơn

Tin khác

Tin tức 1 giờ trước
Kỳ thủ Trần Lê Vy (SN 2012) tham dự ‘Giải cờ vua vận động viên chuyên nghiệp TP Đà Nẵng mở rộng lần IV năm 2024 tranh cúp Sở hữu trí tuệ’. Lê Vy sẽ là đối thủ ‘nặng ký’ khi từng vô địch Giải cờ vua trẻ quốc gia, các Giải cờ vua trẻ Đông Nam Á, châu Á năm 2022 – 2023.
Tin tức 1 giờ trước
Trường Cao đẳng Huế vừa tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp - Open Day lần thứ I, năm 2024 thu hút gần 1.000 học sinh, sinh viên tham gia. Các em được tư vấn, trải nghiệm thực tế gian hàng các Khoa Sư phạm, Công nghệ Thông tin – kinh tế số, truyền thông,… và trình diễn kỹ năng nghề.
Tin tức 1 giờ trước
Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng vừa kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và sản xuất Catium (Khuê Trung, Cẩm Lệ) và phát hiện doanh nghiệp này đang sử dụng website bán hàng nhưng không thông báo đến cơ quan quản lý Nhà nước.
Tin tức 1 giờ trước
Trong 2 ngày 13 và 14/5, Công an cửa khẩu Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đã phối hợp Công an tỉnh Sóc Trăng tổ chức các hoạt động tình nguyện, xã hội tình nghĩa tại xã Tân Long (thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng).
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT)- Chương trình do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hướng tới kỷ niệm Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5 và 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ . Với chủ đề "Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Nâng tầm vị thế quốc gia".