Cần có cơ chế riêng để tận dụng lực lượng cán bộ tri thức tại Thủ đô
Nhân dịp kỉ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5), Ngày 14/5, TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị gặp mặt chuyên gia, nhà khoa học. Tại buổi gặp mặt, các vị đại biểu đã bày tỏ nhiều tâm tư, nguyện vọng và đề xuất các giải pháp phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nói chung.
Trí thức, nhà khoa học góp phần lớn vào sự nghiệp phát triển Thủ đô
Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP. Hà Nội cho biết, trong những năm gần đây, đặc biệt từ 2021 đến nay, TP. Hà Nội đã quan tâm đến khối trí thức hoạt động trong mái nhà chung của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố, tạo điều kiện cho Liên hiệp Hội hoạt động có hiệu quả và thực chất hơn.
Chính sự gần gũi gắn bó (thông qua các buổi gặp và đối thoại trực tiếp) của lãnh đạo Thành phố với Liên hiệp hội mà nhiều vấn đề đã được tháo gỡ ngay, không phải mất nhiều thời gian thông qua văn bản.
Theo đó, các đề án lớn của Thủ đô, đặc biệt là các luật trong đó phải kể đến Luật Thủ đô, UBND đều lấy ý kiến của Liên hiệp Hội. Dư luận nói chung và ý kiến của khối trí thức khoa học của Liên Hiệp Hội đánh giá cao tờ trình về Luật Thủ đô sửa đổi lần này đã có những cơ chế vượt trội, đặc thù vừa thể hiện được những mục tiêu dài về sự phát triển của Thủ đô theo tinh thần của Nghị quyết 15 và 30 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thủ đô và Vùng, lại vừa sát với thực tiễn của Thủ đô có đặc thù riêng đặc thù, ít giống các Thủ đô của các nước khác (vừa thành thị vừa nông thôn) với mục tiêu năm 2030 Hà Nội phải trở thành Thủ đô: Văn hiến-Văn minh-Hiện đại.

PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP. Hà Nội chia sẻ bên lề Hội nghị - Ảnh: VGP/HG
"Để đạt được mục tiêu đó thì yếu tố chất lượng nguồn nhân lực là số một" bà An nhấn mạnh và đề nghị Thành phố nên quy định cụ thể hơn để có những cơ chế riêng phù hợp với việc tổ chức, khai thác, tận dụng lực lượng cán bộ khoa học, trí thức đang sinh sống và làm việc tại Thủ đô.
Theo đó, lãnh đạo TP có thể lựa chọn và trao trách nhiệm (theo cơ chế riêng) cho Liên hiệp Hội chủ trì một số dự án KHCN. Định kỳ tổ chức tôn vinh những đóng góp thực chất rất đa dạng của các trí thức, các nhà khoa học cho Thủ đô để khích lệ họ, đồng thời khích lệ các thế hệ trẻ tài năng luôn hướng về Thủ đô, đến với Thủ đô, ở lại làm việc lâu dài cho Thủ đô để xây dựng Thủ đô phát triển.
Hà Nội cũng cần tổng kết đánh giá những việc rất cụ thể, tuy nhỏ nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của mọi tầng lớp nhân dân như: Chỗ giải trí, vui chơi cho nhân dân, vấn đề vỉa hè, lòng đường, rác thải… Sau tổng kết đánh giá nên công bố công khai minh bạch, nơi nào làm tốt, nơi nào chưa làm tốt,thậm chí ai gây cản trở cần xử lý và có lộ trình khắc phục .
"Những việc này đã tồn đọng lâu, tuy rất khó nhưng nếu quyết tâm và áp dụng KHCN vào quản trị thì chắc chắn sẽ làm được và trong những nội dung trên. Nếu Thành phố thấy khâu nào có thể giao cho đội ngũ cán bộ khoa học thì chúng tôi xin sẵn sàng tham gia với tinh thần trách nhiệm của mình", bà An nhấn mạnh.
Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ là bàn đạp giúp trí thức và các nhà khoa học cống hiến hết mình cho sự nghiệp pháp triển của Hà Nội
Chia sẻ tại Hội nghị, TSKH.Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn phát triển. Hà Nội đã thay da đổi thịt hằng ngày.
Có được kết quả này một phần là nhờ vào sự đóng góp to lớn từ đội ngũ trí thức, các chuyên gia, nhà khoa học đang công tác trên địa bàn Thủ đô.
Với việc sự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới đây với phương châm phát triển Thủ đô phải dựa trên nền tảng KHCN, TSKH. Phan Xuân Dũng cho rằng TP. Hà Nội cần tiếp tục tin tưởng hơn nữa và trao cho cho đội ngũ trí thức các điều kiện, đặc biệt là về cơ chế chính sách để cống hiến được nhiều hơn, hiệu quả hơn. Từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh chống và bền vững của đất nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Cùng bàn về dự thảo Luật Thủ đô, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng đây là một đạo luật quan trọng và sẽ có nhiều nội dung đặc thù để hỗ trợ cho sự phát triển của Thủ đô, trong đó có KHCN.

Nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân nêu đề xuất tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HG
"Nếu như Luật Thủ đô lần này có một số điều khoản mang tính đặc thù về KHCN, bổ sung vào quy định tại Điều 18, Điều 25 của dự thảo Luật Thủ đô thì sẽ có tác dụng rất tốt cho quá trình xây dựng đội ngũ trí thức của Thủ đô cũng như phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô", ông Nguyễn Quân nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Quân cũng thông tin thêm rằng, hiện nay Bộ KHCN cũng đang xây dựng Luật KHCN sửa đổi để thay thế cho Luật KHCN năm 2013. Nếu Thủ đô đi tiên phong làm thí điểm cho một số cơ chế chính sách mới, mang tính đặc thù của KHCN thì chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà khoa học Hà Nội và cả nước, cũng là tiền đề thuận lợi cho Luật KHCN có thể đi vào cuộc sống.
Theo đó, Nguyên Bộ trưởng đề xuất, trong Điều 18 của Dự thảo Luật Thủ đô nên bổ sung nội dung lãnh đạo TP. Hà Nội sẽ "đặt hàng" các nhiệm vụ KHCN đối với các nhà khoa học, kể cả nhà khoa học của Hà Nội và các nhà khoa học của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội để thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm của Hà Nội.
Tuy nhiên, ông cũng đề nghị Thành phố không nên đề ra quá nhiều nhiệm vụ cùng lúc để các nhà khoa học có thể tập trung thực hiện hiệu quả nhất các nhiệm vụ trọng điểm.
Ông Nguyễn Quân cũng nhấn mạnh, hiện nay, khó khăn, vướng mắc nhất của KHCN đó là các nhà khoa học không phải là chủ sở hữu kết quả nghiên cứu của mình vì nhà nước đầu tư thì chủ sở hữu là nhà nước. Không được giao quyền sở hữu, nhà khoa học không thể chuyển nhượng, góp vốn kết quả nghiên cứu của mình vào doanh nghiệp, mà nếu thiếu doanh nghiệp thì các kết quả nghiên cứu sẽ bị "đút" vào ngăn kéo.
Do đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) khi đi vào thi hành hiệu lực có thể là sự thay đổi lớn cho diện mạo KHCN của Thành phố Hà Nội.
PV
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
