SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Chợ đầu mối TPHCM: Gần 50% rau củ, hơn 40% hải sản chứa hóa chất, kim loại nặng

07:18, 21/07/2022
(SHTT) - 50% mẫu xét nghiệm thực phẩm, rau quả được lấy ở các chợ đầu mối (nông sản) ở TP.HCM có dư lượng hóa chất, 40% mẫu hải sản phát hiện kim loại nặng…

 Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết đã lấy mẫu các sản phẩm tham gia "Chuỗi thực phẩm an toàn" gửi kiểm tra và phát hiện có các mẫu sản phẩm tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài danh mục được phép sử dụng.

Cụ thể, phát hiện hoạt chất carbendazim (trị nấm) trên cải bó xôi, cà chua, cải ngọt, cải thìa, cải xanh...; phát hiện hoạt chất permethrine (thuốc trừ sâu) trên cải bó xôi, cải ngọt, cải thảo, cải thìa, rau muống; hoạt chất cypermethrine trên cải dún, cải ngọt, cải xanh, củ cải trắng...; hoạt chất imidacloprid trên cải ngọt, cà chua; hoạt chất chloramphenicol, ciprofloxacin và enrofloxacin trên sản phẩm thủy sản.

Tại ba chợ đầu mối lớn nhất TP.HCM (chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, chợ đầu mối Bình Điền), Ban An toàn đã phát hiện tỷ lệ sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất cao trong rau củ, trái cây. Đơn cử với nhóm mặt hàng rau củ, trái cây có là 271/570 mẫu nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất cao, chiếm tỷ lệ 47,54%.

cho dau moi

 

Với nhóm hải sản đánh bắt bị nhiễm kim loại nặng có 42/100 mẫu phát hiện nhiễm Cadmium vượt mức cho phép, chiếm tỷ lệ 42%. Được biết, Cadmium (Cd) khi nhiễm vào đất hay cơ thể người sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm tương đương với thủy ngân và chì.

Nhóm thủy sản nuôi, phát hiện tồn dư kháng sinh cấm sử dụng, gồm: Ciprofloxacin 37/100 mẫu, tỷ lệ 37%; Enrofloxacin 49/100 mẫu, cùng nhiều dư lượng hóa chất khác.

Thông tin trên gây "choáng váng" cho nhiều người tiêu dùng vì lâu nay vẫn nghĩ thực phẩm trên thị trường được quản lý chặt chẽ hơn trước. Tuy nhiên, thực tế thì ngược lại khi nhìn đâu, ăn thức ăn gì cũng có hóa chất độc hại.

Chia sẻ về vấn đề này với báo chí, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng những hoạt chất được phát hiện trong rau, củ quả như carbendazim (trị nấm), permethrine (thuốc trừ sâu), hay hoạt chất cypermethrine, imidacloprid đến các hoạt chất phát hiện ở thủy sản như chloramphenicol, ciprofloxacin và enrofloxacin đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng.

PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh lấy ví dụ như hoạt chất ciprofloxacin có thể gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau đầu, đau dạ dày, xét nghiệm chức năng gan bất thường, triệu chứng vàng da, vàng mắt. “Tuy nhiên, tình trạng nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật, cũng như mức độ độc hại còn tùy theo loại hóa chất và liều lượng dùng ít hay nhiều và thời gian cách ly dài hay ngắn", PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh lưu ý.

TS Phạm Thế Đồng, Phó chủ tịch Liên chi hội dinh dưỡng và thực phẩm TP.HCM cũng đồng tình và cho biết các hoạt chất trên đều nguy hiểm cho sức khỏe. Với một số hoạt chất như ciprofloxacin, enrofloxacin... các chất này chủ yếu giúp phòng trị bệnh vật nuôi, tăng năng suất. Từ lâu nhiều quốc gia đã cấm tuyệt đối trong chăn nuôi, vì ăn thực phẩm có kháng sinh khiến cơ thể lờn thuốc, phát sinh chủng vi khuẩn mới, gây bệnh mới.

Vị chuyên gia này cho biết, khi thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật bám dính lâu trên thân, lá sẽ rất khó bị rửa trôi. Nếu người dân sử dụng những loại thực phẩm tồn dư nhiều thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép có thể bị rối loạn chuyển hóa, tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.

Ngoài ra, việc tồn dư kim loại nặng trong hải sản thường như chì, thủy ngân, adimi…đây đều là những chất độc, nếu tích tụ lâu dài trong cơ thể gây rối loạn chuyển hóa, thay thế chất khoáng cơ thể cần, suy giảm chức năng gan, thận. Việc tồn dư kim loại nặng trong hải sản thường là do ảnh hưởng của môi trường nước, đất…

Trong khi đó, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP cho biết, vẫn còn nhiều tồn tại trong công tác quản lý an toàn thực phẩm. Tình hình sản xuất chế biến kinh doanh trái luật ngày càng tinh vi và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Sản xuất nông nghiệp tại thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cần thực phẩm người dân, phần còn lại chủ yếu từ các tỉnh hoặc nhập khẩu. Vì vậy, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn hạn chế, cần có sự phối hợp kiểm soát chất lượng thực phẩm từ tỉnh trước khi đưa về thành phố tiêu thụ…

Hà Anh

Tin khác

Tin tức 5 giờ trước
Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả là một trong những sản phẩm tạo ra siêu lợi nhuận. Do đó, tình trạng làm hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi hơn.
Tin tức 5 giờ trước
Ngày 26/4, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại khu vực phía Nam.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, TikTok đã thông báo sẽ đình chỉ tính năng kiếm tiền gây tranh cãi trên nền tảng tại các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu. Được biết, đây là những động thái được đưa ra sau những cảnh báo từ Ủy ban Châu Âu.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay (26/4), tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô diễn ra Lễ phát động Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2024.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Sáng 26/4, tại Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm 2024.
Liên kết hữu ích