SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 06/05/2024
  • Click để copy

Cảnh báo: Cẩn trọng với các cuộc gọi đề nghị kích hoạt hộ định danh điện tử mức 2

07:19, 15/09/2023
(SHTT) - Cơ quan chức năng TP.HCM mới đây đã phát đi thông tin cảnh báo về việc xuất hiện các đối tượng tự xưng là công an mời người dân làm định danh điện tử mức 2 thông qua ứng dụng giả mạo VNeID.

Thời gian gần đây,  công an xã, phường, thị trấn ở TP.HCM và nhiều tỉnh, thành đang tiến hành vận động người dân làm định danh điện tử mức 2 trên phạm vi toàn quốc. Lợi dụng yếu tố này, một số đối tượng xấu đã mạo danh lực lượng chức năng để gọi cho người dân nhằm thực hiện hành vi lừa đảo.

Cụ thể, theo thông tin từ Công an TP.HCM, ngày 13/9 vừa qua, Công an các quận huyện và TP. Thủ Đức đã gửi thông báo cảnh báo về việc người “lạ” gọi điện thoại tự xưng là công an yêu cầu công dân tải, cài đặt ứng dụng khác với ứng dụng VneID hay cung cấp thông tin cá nhân như căn cước công dân, giấy tờ khác,... để kích hoạt giúp.

ung-dung-vneid

Ứng dụng VNeID của Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư 

Khi gọi điện cho người dân, những đối tượng này tự xưng là công an mời người dân làm định danh. Tuy nhiên, trong quá trình này, các đối tượng lại hướng dẫn người dân cài đặt các “app lạ”, ứng dụng giả mạo trên điện thoại.

Theo lực lượng chức năng, việc sử dụng các ứng dụng giả mạo có thể gây ảnh hưởng đến bảo mật thông tin, rò rỉ thông tin của công dân, dẫn đến bị lừa đảo.

Nhằm ngăn chặn hậu quả xấu xảy ra, Công an chỉ vận động công dân đến trụ sở Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc nơi gần nhất để làm định danh điện tử mức 2; chỉ có 1 app duy nhất là ứng dụng VneID để kích hoạt định danh điện tử mức 2; việc định danh điện tử mức 2 phải do công dân trực tiếp đi làm do phải chụp ảnh, quét vân tay nên không thể làm thay.

Ngoài nội dung trên, nếu có người gọi điện thoại tự xưng là công an yêu cầu công dân tải, cài đặt ứng dụng khác với ứng dụng VneID, hay cung cấp thông tin cá nhân như căn cước công dân, giấy tờ khác,... để kích hoạt dùm, không cần đến công an, đó là đối tượng có ý đồ xấu. Người dân cần cảnh giác không cung cấp thông tin cho các đối tượng này.

Thực tế, thời gian qua, đã xuất hiện những kiểu lừa đảo công nghệ cao với chiêu bài kiểm chứng thông tin. Kẻ xấu mạo danh là công an, đọc chính xác tên, số định danh, ngày tháng năm sinh (dữ liệu này của nạn nhân đã bị lộ, lọt trên mạng do nhiều nguyên nhân, khi các nạn nhân giao dịch trong công việc thường ngày) để yêu cầu nạn nhân đăng nhập vào webstie giả mạo giao diện cơ quan nhà nước. Từ đó, yêu cầu công dân điền thông tin cá nhân, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP gửi về số điện thoại...

Sau đó, kẻ xấu dùng những thông tin trên đăng nhập các ứng dụng ngân hàng online, MoMo, ZaloPay... của nạn nhân rồi chiếm đoạt tài sản.

Công an đề nghị người dân ai chưa làm định danh mức 2 hãy đến trực tiếp Công an xã, phường, thị trấn nơi gần nhất để thực hiện. Cơ quan công an cũng cảnh báo người dân tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu từ các cuộc gọi "lạ" tự xưng cơ quan nhà nước, lực lượng công an; Không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản số, mã OTP... cho người lạ, tránh sập bẫy lừa đảo của tội phạm.

VNeID là ứng dụng được cài đặt trên thiết bị di động do Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc Bộ Công An Việt Nam phát triển dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử.

Ứng dụng được xây dựng với mục đích thay thế cho các giấy tờ định danh công dân truyền thống bằng định danh điện tử trên ứng dụng.

Ngày 18/7/2022, Bộ Công an đã chính thức công bố và đưa vào sử dụng ứng dụng định danh điện tử (VNeID) trên thiết bị điện thoại thông minh và trên các nền tảng kỹ thuật số được áp dụng cho cả người dân đang sinh sống và người nước ngoài đang du lịch tại Việt Nam với độ bảo mật cao.

Ứng dụng cung cấp các tiện ích phát triển công dân số, chính phủ số, xã hội số và hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm.

VNeID là ứng dụng hữu ích và tiện lợi cho người dân Việt Nam trong thời đại số hóa. Mỗi người dân đều có thể dễ dàng đăng ký tài khoản định danh điện tử cá nhân để sử dụng VNeID trên điện thoại di động của mình.

Với việc sử dụng ứng dụng VNeID, công dân sẽ nhận được vô số những tiện ích phục vụ cho cuộc sống hằng ngày như:

- Thay thế được các loại giấy tờ cá nhân bằng định danh điện tử trên ứng dụng như thẻ Căn cước công dân, Giấy phép lái xe, Thẻ bảo hiểm y tế và cả hộ chiếu khi đi máy bay...

- Thực hiện các giao dịch trực tuyến: Truy cập dịch vụ công trực tuyến một cách thuận tiện và nhanh chóng, không cần khai báo, điền thông tin nhiều lần;

- Cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân với bên thứ ba thông qua quét mã QR hoặc giải pháp kỹ thuật khác;

- Khai báo y tế toàn dân, khai báo di chuyển trong nước và di biến động dân cư;

- Xem lại được lịch sử mã QR ở những chốt kiểm dịch, Hiển thị thông tin tiêm chủng vắc xin COVID-19,

- Thực hiện các dịch vụ công trực tuyến: Thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng;

- Tố giác tội phạm, phản ánh về tình hình an ninh trật tự;

- Bảo mật thông tin người dùng.

Quỳnh Trang

Tin khác

Tin tức 14 giờ trước
(SHTT) - Bộ LĐ,TB&XH vừa qua đã đưa ra phương án đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội thực hiện từ ngày 1/7/2024 cùng với chính sách tiền lương mới. Ba nhóm đối tượng nào được điều chỉnh tăng lương hưu khi cải cách tiền lương?
Tin tức 14 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hoá đã bắt giữ 2 đối tượng Hoàng Trung Hiếu (tức “Hiếu Bao”), sinh năm 1986 ở thị trấn Thống Nhất và Nguyễn Công Hùng, sinh năm 1991 ở thị trấn Yên Lâm, huyện Yên Định về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Sáng ngày 4/5/2024, 24 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm thực hiện nhiệm vụ mới.
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có những phản hồi tới báo chí về thông tin hãng AstraZeneca thừa nhận vaccine Covid-19 có thể gây cục máu đông kèm giảm tiểu cầu (TTS).
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Trong khuôn khổ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024 diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới. Trong đó yêu cầu, mỗi bộ, ngành, địa phương phải có 1 đề án chuyển đổi số.