SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Bộ trưởng Khoa học muốn thay đổi cơ chế tài chính

09:37, 25/09/2012
Việc lập chứng từ để quyết toán kinh phí vào mỗi cuối năm lấy đi nhiều thời gian của các cán bộ khoa học, khiến họ không tập trung hoàn toàn được cho hoạt động nghiên cứu, Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân nói.

Sáng 22/9, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã giải trình trước Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của quốc hội về cơ chế tài chính và huy động nguồn lực đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động khoa học, công nghệ.

Bộ trưởng cho biết, theo quy định hiện nay, ngày 31/7 hàng năm là hạn chót mà Bộ Khoa học và Công nghệ phải tập hợp các đề tài, nhiệm vụ khoa học để gửi Bộ Tài chính dự trù ngân sách. Mỗi năm Bộ Tài chính chỉ phê duyệt một lần. Như vậy, những đề xuất được tập hơn sau ngày 31/7 phải chờ thêm một năm nữa.

"Cơ chế chi của chúng ta không giống bất kỳ nước nào. Nhiều nước áp dụng cơ chế quỹ khoa học công nghệ, theo đó những đề xuất hợp lý là được cấp tiền ngay, còn tiền tiêu chưa hết sẽ được tự động chuyển sang ngân sách năm sau, chứ không phải theo năm tài chính", ông Nguyễn Quân nói.

Do cơ chế chi cho nghiên cứu hiện nay là theo dự toán, các nhà khoa học muốn rút tiền phải nộp đầy đủ chứng từ. Ông Quân cho rằng điều này gây khó khăn cho ngành.

"Nghiên cứu đề tài là một quá trình, không phải sau mỗi công đoạn nào đấy là nhà khoa học có đủ ngay chứng từ”, ông Quân nói.

Bà Bùi Thị An, đại biểu quốc hội ở Hà Nội, nhận xét rằng kinh phí dành cho đề tài nghiên cứu thường tới "quá chậm". Chẳng hạn, kinh phí dành cho đề tài của năm 2012 tới tay các nhà khoa học vào tháng 5,6,7. Thậm chí ở nhiều nơi tới tháng 8 họ vẫn chưa nhận được tiền. Song tới tháng 12 các cán bộ khoa học đã phải lập hóa đơn, chứng từ để quyết toán với Bộ Tài chính.

“Các cán bộ khoa học nói rằng họ thất thểu xin đề tài và kinh phí, cặm cụi nghiên cứu và xử lý kết quả, rồi cuối cùng chụm đầu lại với nhau để hợp lý hóa các chứng từ. Như thế các nhà khoa học còn rất ít thời gian để nghiên cứu và cũng không thể tập trung làm việc”, bà An, đồng thời là Chủ tịch hội Hóa học Hà Nội và Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng, bình luận. 

Ông Quân cho rằng hàng loạt thực trạng đối với cơ chế tài chính dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học hiện nay phát sinh từ cách tư duy quản lý.

"Chúng ta đã sống trong thời buổi kinh tế thị trường nhưng tư duy của các nhà quản lý vẫn giống như thời bao cấp. Các nhà quản lý vẫn lập kế hoạch nghiên cứu khoa học như lập kế hoạch xây dựng cơ bản, nghĩa là yêu cầu các cán bộ khoa học đưa ra con số cụ thể trong từng khâu. Chúng ta không thể đòi hỏi cán bộ nghiên cứu vật liệu mới tính chính xác số giờ làm việc trong phòng thí nghiệm để tạo ra được vật liệu mới đó", Bộ trưởng Quân nêu một ví dụ.

Ông Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay điểm vướng lớn nhất của khoa học công nghệ là cơ chế tài chính, thanh quyết toán, thu chi. Đây là rào cản lớn mà các nhà khoa học than phiền nhiều nhưng chưa được tháo gỡ. Các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này đã có nhiều và khá đủ, nhưng chưa được thực hiện hoặc thực hiện nửa vời.

Mặc dù hiện nay kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ không thiếu, thậm chí có những chương trình tiền còn dư, một số tỉnh không dùng hết kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ do quá trình giải ngân phức tạp. Giới Khoa học từng có đề nghị cải cách cơ chế tài chính cho nghiên cứu, chẳng hạn như khoán gọn, hoặc bóc tách những phần khoán được và không khoán được để tăng tính tự chủ tài chính của ngành.

Về phía Bộ Tài chính, thứ trưởng Nguyễn Thị Minh khẳng định rằng hàng năm Bộ luôn dành đủ 2% tổng chi ngân sách cho nghiên cứu khoa học và "tiền luôn nằm ở kho bạc chờ các nhà khoa học". Nếu các nhà nghiên cứu có đề tài, có nhiệm vụ khoa học-công nghệ đã được phê duyệt thì họ có thể ra kho bạc để lấy tiền.

Nhưng trở ngại lại nằm ở khâu tiêu tiền.

“Bộ Tài chính không thể cấp tiền cho ý tưởng mà chỉ cấp kinh phí cho những đề án có nội dung, nhiệm vụ rõ ràng. Như vậy các đề tài, nhiệm vụ khoa học cần được phê duyệt sớm".

Bà Minh cho rằng nếu nói thời gian chờ kinh phí dài đến hai năm, thì có thể là do quá trình tuyển chọn, thẩm định, phê duyệt đề tài. "Nếu các nhà khoa học muốn nhận tiền sớm thì họ phải chuẩn bị kỹ lưỡng mọi khâu – từ ý tưởng nghiên cứu tới nội dung và nhiệm vụ. 400 tỷ đồng vẫn đang chờ các đề tài, nhiệm vụ khoa học trong năm 2102”, bà Minh nói.

Tại phiên thảo luận, các quan chức và đại biểu quốc hội còn đề cập các khía cạnh khác nhằm thuận lợi hóa về đầu tư và tài chính cho khoa học, như thu hút đầu tư tư nhân cho khoa học, cơ chế dành lợi nhuận trước thuế cho đầu tư nghiên cứu khoa học kỹ thuật. 

Tin khác

Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã công bố thủ tục Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó có các hướng dẫn chi tiết về trình tự và các thức thực hiện cho học sinh.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch bảo đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè năm 2024 với yêu cầu không được xảy ra mất nước kéo dài.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - UNESCO hiểu rõ tầm quan trọng của Hoàng Thành Thăng Long đối với Hà Nội, cam kết ủng hộ công trình này tại các diễn đàn do UNESCO tổ chức.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Để bảo đảm ANTT cho mùa du lịch biển Sầm Sơn 2024 nói chung, khai mạc Lễ hội du lịch và khánh thành Quảng trường biển - trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn nói riêng, từ đầu tháng 4/2024 Công an tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai đồng bộ các phương án, kế hoạch bảo đảm ANTT.
Tin tức 21 giờ trước
(SHTT) - Chiều 25/4, tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)".
Liên kết hữu ích