SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 05/05/2024
  • Click để copy

Bệnh nặng do nhiễm khuẩn bệnh viện

08:40, 17/06/2014
Tình trạng quá tải bệnh nhân trong các bệnh viện đang khiến nhiễm khuẩn bệnh viện ngày càng cao. Không chỉ nhiễm trùng vết mổ, nhiễm khuẩn bệnh viện còn làm vi khuẩn thêm có sức đề kháng, phát sinh nhiều bệnh lý khác.

Dơ… như bệnh viện

Đã được mổ u tuyến tiền liệt hơn một tuần nay nhưng ông T.T.D. (71 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TPHCM) vẫn chưa thể xuất viện do vết mổ chưa lành miệng, có dấu hiệu lở loét, bưng mủ. Theo một điều dưỡng, mặc dù đã được chăm sóc hậu phẫu tích cực nhưng nhiều khả năng nhiễm trùng vết mổ do vi khuẩn. “Tình trạng này cũng thường xảy ra ở bệnh viện, đặc biệt trong các phòng phẫu thuật, hồi sức”, vị điều dưỡng nói.

Còn chị N.Q.A. (30 tuổi, ngụ Bình Dương) sinh mổ tại một bệnh viện sản khoa ở TPHCM cũng trong tình trạng tương tự khi đáng lẽ thông thường 5 ngày được xuất viện thì đã hơn một tuần vết mổ bắt con của chị A. vẫn chưa đâm da non, vết mổ cứ đau nhức. Ngoài nhiễm trùng vết mổ, theo các bác sĩ chuyên khoa, viêm phổi cũng được liệt vào danh sách các bệnh phổ biến phát sinh từ bệnh viện. Với viêm phổi, nhiễm trùng vết mổ không chỉ khiến bệnh tình của bệnh nhân trở nên nặng hơn và buộc phải kéo dài thời gian nằm viện.

Qua đánh giá của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nhiễm khuẩn bệnh viện làm kéo dài thời gian nằm viện trung bình từ 9,4 đến 24,3 ngày, tăng chi phí điều trị trung bình từ 2 - 32,3 triệu đồng/bệnh nhân. Thậm chí, nhiễm khuẩn bệnh viện còn gây hậu quả về mặt lâm sàng, làm xuất hiện những chủng vi khuẩn đa kháng thuốc. “Người bệnh có vấn đề về sức khỏe phải chữa trị với mong muốn mau chóng khỏi bệnh. Thế nhưng, nếu vết mổ nhiễm khuẩn bệnh viện khiến bản thân họ, gia đình và xã hội mang thêm gánh nặng”, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh nhấn mạnh.

Theo PGS Khuê, các loại nhiễm trùng thường gặp là nhiễm khuẩn đường hô hấp (42%), nhiễm khuẩn vết mổ (18%) và nhiễm khuẩn đường niệu (16%). Ở những bệnh nhân phải phẫu thuật, nguy cơ nhiễm khuẩn cao gấp 2,4 lần so với người được điều trị nội khoa…

Thực tế điều trị tại các bệnh viện cũng đã chứng minh tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện ngày càng trở nên nghiêm trọng. Điều tra của Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức BV Nhân dân Gia Định TPHCM, cho biết viêm phổi là một trong những bệnh thường gặp nhất do các ổ vi trùng, vi khuẩn có trong bệnh viện gây ra.

Một cuộc khảo sát mới đây tại Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức của BV Nhân dân Gia Định cho thấy, tỷ lệ viêm phổi do thở máy là gần 60%. Điều đáng nói, hơn 93% mẫu đàm của bệnh nhân nằm viện khi phân lập được đều có vi khuẩn đa kháng thuốc, kháng với kháng sinh điều trị.

Tại BV Chợ Rẫy TPHCM, ghi nhận của TS-BS Lê Thị Anh Thư và cộng sự về tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện cũng cho thấy bệnh nhân nằm viện bị viêm phổi thường gặp nhất (chiếm 45%), tiếp theo là nhiễm khuẩn vết mổ (21%), nhiễm trùng tiểu (13%), nhiễm trùng da (11%), nhiễm trùng huyết (10%).

Một báo cáo mới đây của Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM cũng cảnh báo trong 33 mẫu không khí thu được tại 13 bệnh viện ở TPHCM, có đến 26 mẫu cho lượng vi sinh cao hơn mức quy định khoảng 6 lần, hàm lượng vi sinh vật có trong không khí không đạt tiêu chuẩn là 78,8%...

Phòng ngừa từ thói quen… rửa tay

Từ năm 1997, Bộ Y tế chính thức đưa quy chế chống nhiễm khuẩn vào bệnh viện và xây dựng khoa chống nhiễm khuẩn trong hệ thống tổ chức của bệnh viện. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng ghi nhận Việt Nam đã tham gia chương trình toàn cầu “Bảo vệ sự sống: hãy rửa tay” do WHO phát động. Chương trình này có mục đích thúc đẩy và cải thiện thực hành về vệ sinh bàn tay của cán bộ y tế trong toàn hệ thống khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ bác sĩ “quên” rửa tay khi hành nghề tại Việt Nam còn rất lớn. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng công tác chống nhiễm khuẩn cần đặc biệt quan tâm việc thực hành rửa tay của nhân viên y tế khi chăm sóc bệnh nhân. “Đơn giản nhất là việc thường xuyên rửa tay, đeo khẩu trang, mặc trang phục chống nhiễm khuẩn theo đúng quy định”, PGS Lương Ngọc Khuê khuyến cáo.

Điều đáng nói, theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, càng lên tuyến trên thì mức độ nhiễm khuẩn càng cao. Khảo sát hơn 500 bệnh viện ở các tuyến của Cục Quản lý khám chữa bệnh cho thấy, 40% bệnh viện chưa có mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn. Đội ngũ nhân lực cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn vẫn trong tình trạng thiếu, yếu. Số nhân lực trung bình cho một khoa kiểm soát nhiễm khuẩn trong một bệnh viện là 5,36 người/100 giường nhưng bệnh viện tuyến thành phố chỉ đáp ứng 3,9 người. Trong khi, vẫn còn 15,7% bệnh viện tuyến quận huyện chưa có khoa kiểm soát hay tổ kiểm soát nhiễm khuẩn.

Theo TS-BS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM, hiện có khoảng 50 loại nhiễm khuẩn bệnh viện thường xuyên gây ra bệnh nguy hiểm. Nhưng thực tế hiện nhiều cơ sở y tế vẫn chưa trang bị đầy đủ tủ đựng dụng cụ tiệt khuẩn, để chất thải y tế lẫn lộn chất thải sinh hoạt, vệ sinh bệnh viện chưa được thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng phương pháp vệ sinh thô sơ, không sử dụng đúng hóa chất tiệt trùng cần thiết khiến phát tán vi khuẩn, nhiễm khuẩn chéo.

Còn BS Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM, cho rằng nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những gánh nặng thách thức hàng đầu tại Việt Nam vì gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tăng tỷ lệ tử vong, biến chứng, tăng chi phí điều trị… Thế nhưng, công tác chống nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế chưa được chú trọng đúng mức. Tình trạng quá tải bệnh viện, bệnh nhân nằm chen chúc nhau trên một giường, thực hiện 2 - 3 ca mổ cùng lúc… khiến người bệnh lãnh hậu quả là bị nhiễm trùng sau mổ.

Để giảm bớt nhiễm trùng bệnh viện, năm 2009, Bộ Y tế đã có Thông tư 18/2009 về công tác phòng ngừa nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế, yêu cầu các bệnh viện tập trung phòng ngừa. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có sự giám sát tích cực khiến tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện vẫn tràn lan, khiến ước tính hàng năm vẫn còn gần 1 triệu bệnh nhân nhiễm trùng vết mổ.

Theo WHO, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện tại các nước trung bình từ 5% - 10%. Trong đó, tại Việt Nam, tỷ lệ này khoảng 6%, làm tăng gấp đôi chi phí và thời gian điều trị.

Tin khác

Tin tức 7 giờ trước
Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội công bố Nghị quyết của Ban Giám hiệu nhà trường bổ nhiệm lại Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đối với PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu.
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, UBND Thành phố Hà Nội đã có Công văn số 1302/UBND-KTTH chỉ đạo một số Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường giải pháp quản lý tem điện tử thuốc lá, rượu sản xuất trong nước.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Đó là yêu cầu được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đưa ra tại phiên họp lần thứ 4 của Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ diễn ra vào sáng nay, ngày 3/5.
Tin tức 1 ngày trước
Từ ngày 8 - 11/5/2024, Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP.HCM.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Bộ Y tế đã có công văn yêu cầu khẩn trương điều trị cho bệnh nhân, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ việc khiến nhiều người ngộ độc tại Đồng Nai.