SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 04/05/2024
  • Click để copy

6 Tác giả Lục Bát được cộng đồng tôn vinh

15:15, 22/08/2022
(SHTT) - Ngày 26/8 tới đây, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Viện Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hoá dân tộc và Câu lạc bộ “Trái tim Người lính” tổ chức Lễ công bố Kỷ lục Quốc gia và tôn vinh Tác giả Thơ Lục Bát.

 Lần đầu tiên tại Việt Nam, có 6 Tác giả Lục Bát được cộng đồng tôn vinh. Họ là những người tiêu biểu cho việc thầm lặng “giữ lửa” cho Thơ Lục Bát trong nhiều năm qua và là những cây bút sung sức trong việc sáng tác Lục Bát đương đại…

1- Nhà thơ Đặng Vương Hưng – Người sáng lập Cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam, đang sở hữu 4 Kỷ lục Quốc gia, trong đó có 2 Kỷ lục về Lục Bát:

Đã hàng chục năm qua, Nhà thơ Đặng Vương Hưng (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là tác giả của hơn 50 cuốn sách với nhiều thể loại, trong đó có 10 tập thơ) được bạn đọc xem là Người Sáng lập Cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam, với việc xây dựng website Lục Bát Việt Nam từ năm 2008 và Nhóm Lục Bát Việt Nam trên mạng xã hội facebook với hơn 35.000 thành viên, đã tổ chức Ngày hội Lục Bát hàng chục năm liên tục bằng kinh phí xã hội hoá hàng tỷ đồng. Nhờ vậy, năm 2019 Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục vinh danh: Nhà thơ Đặng Vương Hưng - Người tổ chức Ngày hội Lục Bát Việt Nam nhiều năm liên tục nhất. Trước đó, ông đã được Tổ chức Kỷ lục vinh danh: “Nhà văn Việt Nam đầu tiên tổ chức sưu tầm, biên soạn và xuất bản bộ sách “Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam” và xác lập kỷ lục: “Nhà văn Chủ biên bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” có số trang nhiều nhất”.

2- Nhà thơ, Kỷ lục gia Trương Nam Chi – Người sáng lập Câu lạc bộ Lục Bát Sài Gòn và “giữ lửa” cho Website Lục Bát Việt Nam:

Là con gái của cố soạn giả Trương Phú Xuân (1930 - 2009), nhà thơ Trương Nam Chi quê gốc Quảng Nam, sinh tại Thanh Hoá, lớn lên ở Hà Nội và hiện là Hội viên Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Chỉ trong khoảng 10 năm qua, chị đã cho xuất bản hơn chục tập sách, hầu hết là Thơ Lục Bát. Đặc biệt, gần 100 bài thơ của Trương Nam Chi được các nhạc sĩ chuyên nghiệp phổ nhạc, phối khí và ca sĩ thể hiện. Đó là chưa kể hàng chục bài ca vọng cổ, tân cổ của chị đã được các ca sĩ và tài tử biểu diễn

Nhà thơ Trương Nam chi cũng là người sáng lập và Thường trực duy trì hoạt động của Câu lạc bộ Lục Bát Sài Gòn. Đặc biệt, đã 14 năm liên tục, chị âm thầm lặng lẽ đảm nhiệm trọng trách Trưởng Ban biên tập (thực chất công việc như Tổng biên tập) của website Lục Bát Việt Nam, qua tên miền www.lucbat.com. Với sự góp mặt, cộng tác của hàng ngàn tác giả, cả trong và ngoài nước. Đó thực sự như là một Thư viện Lục Bát trên không gian mạng, lưu giữ hàng vạn bài thơ và nhiều bài viết nghiên cứu chuyên sâu về Lục Bát của các tác giả gần xa.

3- Nhà thơ Đặng Cương Lăng – Người có duyên với giải thưởng nhiều cuộc thi sáng tác Lục Bát:

Sinh năm 1956, quê Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Từng làm việc tại Vụ Kế hoạch - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhà thơ Đặng Cương Lăng là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Ông đã xuất bản 16 tập sách, hầu hết là Thơ Lục Bát.

Là một trong những thành viên tham gia website lucbat.com sớm nhất, Đặng Cương Lăng không chỉ là người đam mê thể thơ truyền thống của dân tộc, mà còn tìm mọi cách để quảng bá Lục Bát qua việc tự đầu tư kinh phí, tổ chức các sự kiện giới thiệu sách mới, tác phẩm mới. Ông nhiệt tình mời nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, các bạn thơ đến chia vui, mời phóng viên báo chí tham dự đưa tin, quay phim, ghi âm, chụp ảnh…

Đặc biệt, nhà thơ Đặng Cương Lăng đã tham dự nhiều cuộc thi sáng tác. Hình như trong hễ nghe bất cứ cuộc thi sáng tác thơ, dù là của ngành nghề nào, ông cũng nhiệt tình gửi bài tham gia. Có lẽ chính vì thế mà Đặng Cương Lăng đã dành được tới 14 giải thưởng, trong đó có 10 giải cao nhất của cuộc thi.

4- Tác giả Nguyễn Quỳnh – Người “giữ lửa” cho Nhóm Lục Bát Việt Nam trên mạng xã hội facebook:

Là một tác giả trẻ, sinh trưởng tại miền quê Quan họ, Nguyễn Quỳnh là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh. Chị đã xuất bản 2 tập thơ: “Khúc vọng hồn quê” (NXB Hội Nhà văn, 2019) và “Về với ruộng đồng (NXB Văn học, 2022, nhà phê bình Hồng Diệu viết Lời giới thiệu). Nguyễn Quỳnh là một cây bút viết khoẻ, thường xuyên và liên tục cho đăng tải những sáng tác mới, được các bạn viết, bạn đọc đón nhận và bình luận rất sôi nổi. Hàng chục bài thơ của chị cũng đã được các nhạc sĩ phổ nhạc thành ca khúc.

Đặc biệt, đã hơn 4 năm nay, Nguyễn Quỳnh là Quản trị viên Thường trực điều hành của Nhóm Biên tập Lục Bát Việt Nam trên mạng xã hội facebook phát triển nhanh chóng với hơn 35.000 thành viên. Họ là những tác giả và người yêu thơ Lục Bát ở khắp mọi miền đất nước và cả người Việt ở nước ngoài. Tận dụng lợi thế phổ cập và tương tác nhanh nhạy của mạng xã hội, nhóm đã góp phần kết nối hàng vạn người cùng sở thích yêu thơ Lục Bát gần xa. Ngoài ra, thông qua hoạt động của “Ngày hội Lục Bát Việt Nam” dịp 6/8 âm lịch hằng năm, Nguyễn Quỳnh và nhóm “Lục Bát Việt Nam” thường chủ trì việc sắp đặt “Lục Bát quán” góp phần tích cực vào việc quảng bá, bảo tồn và phát triển thể thơ truyền thống của dân tộc.

5- Đại tá, cựu chiến binh Trần Trọng Giá: “Lục Bát như hơi thở, mang đến giá trị nhân văn và ý nghĩa cho cuộc đời tôi”:

Sinh năm 1950 tại Nho Quan tỉnh Ninh Bình, Đại tá, cựu chiến binh Trần Trọng Giá, nguyên Trưởng phòng của Quân khu Thủ đô, là một “fan cứng” của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm từ khi còn là sinh viên và đặc biệt say mê sáng tác Lục Bát. Từ ngày về nghỉ hưu, ông coi sáng tác Thơ Lục Bát là niềm vui, là ý nghĩa cuộc sống của chính mình. Trần Trọng Giá đã liên tục cho xuất bản 2 tập thơ: “Lặng thầm” (NXB Hội Nhà văn, 2020) và mới đây là “Gửi lại dòng sông” (NXB Văn học, 2022) với 168 bài Lục Bát.

 Những năm gần đây, Trần Trọng Giá đã thực hiện “ăn ngủ với Lục Bát”, tự nguyện nhận trách nhiệm là Kiểm duyệt viên của Nhóm Lục Bát Việt Nam trên mạng xã hội facebook. Ông không chỉ đọc, sàng lọc, phê duyệt hiển thị cho những bài đạt chất lượng cả nội dung và mỹ thuật ảnh minh hoạ, mà còn là một cây bút viết rất nhanh và khoẻ.

Đại tá, cựu chiến binh Trần Trọng Giá cũng là người có tâm với công việc thiện nguyện; đã ủng hộ hàng tỷ đồng cho các hoạt động cộng đồng làng xã, đặc biệt là việc tu bổ các công trình văn hoá lịch sử truyền thống của quê hương ông.

6- Đại tá cựu chiến binh Lương Văn Khánh và Câu lạc bộ Thơ ca Di sản Đoàn Thị Điểm Hưng Yên đã 2 lần đăng cai “Ngày hội Lục Bát Việt Nam”:

Sinh 1952 tại Hưng Yên, nguyên Trưởng phòng Xử lý tín hiệu Radar của Viện Khoa học Công nghệ Quân sự Bộ Quốc phòng; Đại tá Lương Văn Khánh từng là lính bộ binh trực tiếp tham gia chiến dịch Đường 9 – Nam Lào, là người đam mê thơ ca và hoạt động phong trào câu lạc bộ. Hiện ông là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ ca di sản Đoàn Thị Điểm Hưng Yên – Đơn vị đăng cai tổ chức Ngày hội Lục Bát Việt Nam năm Nhâm Dần – 2022.

Phong Le ton vinh

 

Một nét mới trong Ngày hội Lục Bát Nhâm dần – 2022 là Ban Tổ chức chủ trương đưa một số bìa sách Thơ Lục Bát của các CLB (nhiều Tác giả) và của một số ẩn phẩm cá nhân tiêu biểu, lên phông sân khấu và pano tại hành lang trong Ngày hội để mọi người check-in quảng bá. Dự kiến, từ nay mỗi năm Ban tổ chức sẽ tôn vinh 6 Tác giả và lựa chọn đưa 8 Tác phẩm đưa bìa sách lên phông sân khấu Ngày hội. Hy vọng đây sẽ là một tiền lệ tốt đẹp, để những năm sau có thêm nhiều Tác giả và Tác phẩm Lục Bát được tôn vinh; đồng thời, tạo thêm nguồn kinh phí xã hội hoá cho Ngày hội Lục Bát hằng năm.

Lục Bát không chỉ là tên một thể thơ truyền thống của Việt Nam, mà còn là Hồn quê, là Văn hóa cội nguồn và Tâm linh của người Việt. Đó vừa là di sản vô giá, vừa là tài sản độc đáo, từ bao đời cha ông truyền lại cho con cháu hôm nay và mai sau. Lục Bát là một thể loại ca từ “xương sống”, có mặt trong tất cả các làn điệu dân ca, ca dao Bắc – Trung – Nam.

Và dù sinh sống ở đâu trên thế giới, thì từ sâu thẳm tâm hồn mỗi người Việt Nam đều có những lời ru của mẹ từ thuở ấu thơ, đều có những câu ca dao đằm thắm bay lên từ nắng gió đồng quê; đó là hành trang theo ta đi suốt cuộc đời, vừa gần gũi, vừa thiêng liêng như gia đình và nguồn cội.

Thanh Mai

Tin khác

Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, UBND Thành phố Hà Nội đã có Công văn số 1302/UBND-KTTH chỉ đạo một số Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường giải pháp quản lý tem điện tử thuốc lá, rượu sản xuất trong nước.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Ngày 3/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký ban hành Công điện số 44/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Quyết không để cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm trong khu dân cư, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định di dời 700 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong đô thị và khu dân cư, gây ra ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực.
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, Bộ Y tế cho biết đã đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác.
Tin tức 8 giờ trước
(SHTT) - Ngày 3/5, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2024.