SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 18/03/2024
  • Click để copy

Xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc: Giải pháp đánh thức

14:41, 15/10/2019
(SHTT) - Nhiều năm nay, Trung Quốc luôn là thị trường đứng top đầu về nhập khẩu các sản phẩm nông thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, với những thay đổi về chính sách nhập khẩu (NK) của thị trường này, con số kim ngạch xuất khẩu (XK) ngành hàng nông thủy sản của Việt Nam đã sụt giảm đáng kể.

Nếu so sánh với cùng kỳ năm trước, thời điểm này kim ngạch XK riêng 6 nhóm hàng nông sản chủ lực xuất sang Trung Quốc đạt 3,233 tỷ USD. Như vậy trong vòng 1 năm, kim ngạch XK sang thị trường này bị sụt giảm hơn 380 triệu USD, tương đương giảm gần 12%.

Từ thị trường tiêu thụ lớn

Đối với nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch XK nông thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch XK hàng hóa các loại sang thị trường này.

Từ nhiều năm nay, Trung Quốc là một trong những thị trường NK nông sản lớn của Việt Nam, với nhiều mặt hàng nông sản chiếm từ 40 đến 70% tổng thị phần XK, với khoảng 70% tỷ trọng XK mặt hàng rau, quả; hơn 22% tổng lượng gạo XK của Việt Nam...

xuatkhau

Xe container chở thanh long từ miền Nam và Bình Thuận qua Trung Quốc xếp hàng chờ gần cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn 

Trong bức tranh chung về thương mại Việt Nam - Trung Quốc, không thể không kể tới hoạt động XNK biên mậu tại 7 tỉnh miền núi biên giới Bắc Việt Nam, 32 cặp cửa khẩu biên giới với Trung Quốc (7 CK quốc tế; 6 CK chính và 19 CK phụ), chưa kể các đường mòn, lối mở. Hoạt động XNK nông sản biên mậu được tiến hành chủ yếu theo các hình thức: chính ngạch, buôn bán qua biên giới, trao đổi hàng hóa giữa cư dân biên giới hai nước. Mặt hàng nông sản mua bán, trao đổi qua biên giới chủ yếu vẫn là nông, lâm, thủy sản như cao-su và các sản phẩm từ cao-su, sắn lát và tinh bột sắn, thóc, gạo, đường, gừng, chuối xanh, khoai lang, trái cây tươi các loại (thanh long, vải, dưa hấu), thủy sản, gỗ ván bóc… So với năm 2016, kim ngạch XK năm 2017 tăng 55,8%, trao đổi cư dân biên giới tăng mạnh, đạt 126,5%. Năm 2018, kim ngạch XK biên mậu đạt 8,82 tỷ, chiếm 21,4 % kim ngạch XK Việt Nam - Trung Quốc.

Hiện Trung Quốc còn là thị trường đứng thứ 1 về cao su, rau quả và sắn các loại; đứng thứ 3 về gỗ và các sản phẩm gỗ; đứng thứ 4 về chè; đứng thứ 5 về thủy sản; đứng thứ 9 về cà phê... Đồng thời, đây vẫn đang là thị trường tiềm năng đối với một số mặt hàng nông sản khác.

Năm 2017 và 2018, Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường NK gạo của Việt Nam với 38,9% và 22,4% thị phần. Trung Quốc cũng dẫn đầu về tiêu thụ cao-su, chiếm tới 65,9% tổng khối lượng cao-su XK của Việt Nam. Nhìn chung, kim ngạch XK rau quả tăng, song chủ yếu xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, giá trị thấp, chủ yếu là xuất thô. Năm 2018, kim ngạch XK rau quả Việt Nam đạt 3,81 tỷ USD, tăng 9,2% so với 2017, trong đó 81% là XK vào thị trường Trung Quốc.

Nhìn chung, trong 10 mặt hàng nông, lâm, thủy sản XK chủ lực của Việt Nam thì có ít nhất 6 mặt hàng đang phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc.

Nông sản XK chủ yếu vẫn là xuất thô, thiếu những mặt hàng chế biến sâu. Với việc thực thi các tiêu chuẩn (Viet GAP, Global GAP, HACCP…), cùng với những áp lực của thị trường NK, chất lượng các mặt hàng nông thủy sản XK sang Trung Quốc trong những năm gần đây đã dần có những bước chuyển đáng kể. Tuy nhiên, cơ cấu hàng hóa nông sản XK vẫn phản ánh rõ thực trạng của một nền nông nghiệp chưa bứt phá khỏi tình trạng sản xuất nhỏ, chi phí cao, chủ yếu vẫn phát triển theo bề rộng, trên cơ sở khai thác lợi thế sẵn có. Sự yếu kém của công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch…, cũng như việc xây dựng, duy trì và bảo vệ thương hiệu cho các mặt hàng vẫn sẽ là những thách thức rất lớn đối với hàng nông sản XK của Việt Nam trong những năm tới.

Cùng với dân số hơn 1,4 tỷ dân, với nhu cầu phong phú về hàng hóa nông thủy sản Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng, dư địa tăng trưởng XK sang Trung Quốc, khi đáp ứng tốt các yêu cầu chất lượng của sản phẩm.

Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc cũng đang đặt ra cho Việt Nam những khó khăn, thách thức lớn, trong đó, thách thức lớn nhất cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam là việc Trung Quốc chuyển chính sách NK nông sản theo nhiều hình thức, sang chỉ NK chính ngạch, theo đúng quy tắc của quốc tế, làm cho nhiều DN Việt bị động khi đưa hàng hóa tới biên giới nhưng không XK được.

Khó khăn tại thị trường Trung Quốc

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, 7 tháng năm 2019, xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc đạt hơn 3,8 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ. Trong số nhiều mặt hàng chủ lực đều giảm sâu như: Gạo giảm 67,5%, rau quả giảm hơn 8%, sắn giảm gần 10%...

xuatkhau2

 

Như vậy, trong cơ cấu thị trường XK của nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất, đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong thời gian qua. Nguyên nhân được chỉ ra, là do từ khoảng giữa năm 2018 đến nay, các cơ quan quản lý phía Trung Quốc đã tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, giám sát kiểm dịch động thực vật và chất lượng hàng hóa nông thủy sản nhập khẩu. Điều này đã phần nào tác động đến tiến độ xuất khẩu nông thủy sản của ta sang thị trường Trung Quốc. Chưa kể, tập quán làm ăn manh mún cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động XK nông thủy sản sang Trung Quốc.

Thực tế, từkhoảng giữa năm 2018 đến nay, các cơ quan quản lý phía Trung Quốc đã tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, giám sát kiểm dịch động thực vật và chất lượng hàng hóa nông thủy sản nhập khẩu. Chẳng hạn, Trung Quốc đưa ra yêu cầu quả chuối xuất sang nước này phải có hộp đóng gói đầy đủ, in nhãn bằng tiếng Trung; dưa hấu phải dán mã truy xuất nguồn gốc; hay áp hạn ngạch thuế quan và chỉ định cửa khẩu nhập với một số hàng nông sản, chủ yếu là trái cây.

Điều này đã phần nào tác động đến tiến độxuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang thịtrường Trung Quốc, bên cạnh yếu tốvềcung cầu thịtrường như đối với một sốmặt hàng cụthểnhư gạo, sắn…

Nguyên nhân khác khiến hàng nông sản Việt sang Trung Quốc sụt giảm từ đầu năm 2019 đến nay là do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Việc Trung Quốc tăng cường quản lý nông thủy sản nhập khẩu, thắt chặt tiêu chuẩn ATTP là xu thế tất yếu, phù hợp với thông lệ quốc tế. Thực tế, những quy định này đã được phía Trung Quốc thông báo từ giữa năm 2018 nhưng không nhiều DN nắm bắt. Điều đáng lo ngại là một số địa phương và DN chưa nhận thức được, vẫn giữ phương thức kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến tình trạng nông sản ùn ứ, ảnh hưởng đến chất lượng và bị ép giá.

Điều đáng lưu ý là Trung Quốc đã thay đổi trở thành thị trường khó tính. Nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao cấp, trong đó có hàng nông thủy sản đòi hỏi chất lượng cao, an toàn, mẫu mã đẹp. Tuy nhiên, các DN XK Việt Nam vẫn coi Trung Quốc như chợ biên giới, dẫn đến việc hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này vẫn đi bằng con đường tiểu ngạch và tùy tiện trong đóng gói bao bì, đệm lót, nhãn mác.

Các DN Việt đang mắc rất nhiều sai lầm khi XK hàng hóa sang Trung Quốc. Tầng lớp trung lưu của Trung Quốc đang ngày càng tăng và yêu cầu về chất lượng hàng nông, thủy sản cũng tăng lên rất nhiều. Việc nhận thức của rất nhiều lãnh đạo địa phương, các tổ chức, DN chưa đúng về thị trường Trung Quốc rằng, đây là thị trường dễ tính, không quan tâm nhiều đến chất lượng và sản xuất số lượng lớn là bán được…là sai lầm chính.

Cứ nuôi, trồng hàng hóa mà không có sự chuẩn bị kỹ về thị trường, đầu mối tiêu thụ và cứ đến mùa thu hoạch là ồ ạt mang hàng lên biên giới bán là sai lầm nhiều năm qua, các DN vẫn mắc phải. Đến khi hàng không bán được, tồn, ùn ứ ở biên giới thì nhiều địa phương lại kêu gọi giải cứu như trường hợp giải cứu dưa hấu mới đây nhất ở Lạng Sơn. Cùng đó, các DN, hợp tác xã không quan tâm đến việc vườn trồng đã nằm trong vùng được phê duyệt của Trung Quốc hay chưa cũng là một nhận thức sai lầm.

xuatkhau3

 Nguồn: Niên giám thống kê Hải quan về hàng hóaxuất, nhập khẩu giai đoạn 2014 - 2018 và tính toán của tác giả (tỷ trọng được tính bằng tỷ lệ giữa kim ngạchmặt hàng xuất sang Trung Quốc so với kim ngạch xuấtkhẩu mặt hàng tương ứng của cả nước).

Từ 1/10/2019, thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc phải có Chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp cho các lô hàng. Quy định này là thách thức không nhỏ đối với các mặt hàng nông lâm, thủy sản của Việt Nam đối với thị trường này.

Việc Trung Quốc đưa ra những yêu cầu cao về chất lượng sẽ giúp DN Việt Nam khắc phục được tình trạng XK tiểu ngạch như hiện nay; chủ động hơn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt, qua đó chúng ta hạn chế được rủi ro, giảm sự lệ thuộc trong khâu tiêu thụ tại thị trường này và giảm thiểu tình trạng bị ép giá hoặc “được mùa - mất giá” ...

Các DN Việt Nam còn thiếu thông tin, nghiên cứu, tìm hiểu về thị hiếu, nhu cầu của thị trường, giữ tập quán kinh doanh chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, không ổn định về thị trường, dẫn đến tình trạng tồn đọng, ùn ứ trong nước và ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả XK...

Cùng với đó, Trung Quốc đang tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung cho đầu tư phát triển nền nông nghiệp để giảm NK.

Giải pháp mở cửa thị trường

Những khó khăn về XK sang Trung Quốc đã tồn tại nhiều năm và các bộ ngành, DN cũng đã có nhiều nỗ lực để giải quyết. Tuy nhiên, thời điểm này, không thể chậm trễ được nữa, vì Trung Quốc sẽ ngày càng đặt ra các hàng rào, yêu cầu cao, chặt chẽ liên quan chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu.

Trung Quốc hiện là đối tác lớn cả về kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động XK nông thủy sản của nước ta sang Trung Quốc vấn tồn tại nhiều vấn đề. Đó là vẫn chủ yếu dựa vào thương mại qua biên giới (tiểu ngạch), dựa vào các điểm cửa khẩu thông quan chứ chưa đưa hàng hóa vào sâu nội địa. Do đó, nông thủy sản chưa đáp ứng được hàng rào kỹ thuật, chưa tạo thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ bền vững…

Việc Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất nhiều mặt hàng nông sản tại chỗ không có nghĩa là sẽ ảnh hưởng tới mức khiến Việt Nam không thể sản xuất và XK được sản phẩm sang thị trường này nữa. DN cần phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ để tổ chức sản xuất, không xảy ra tình trạng dư thừa sản phẩm.

Đến nay chỉ có 8 loại hoa quả tươi của Việt Nam được XK chính ngạch vào thị trường này, gồm thanh long, chuối, chôm chôm, nhãn, vải, xoài, dưa hấu và mít. Mới đây nhất vào tháng 4-2019 vừa qua, Nghị định thư về xuất khẩu măng cụt đã được ký kết giữa cơ quan chức năng có thẩm quyền của hai nước, măng cụt sẽ là loại quả tiếp theo được xuất khấu chính ngạch sang Trung Quốc trong thời gian tới. Ngoài ra, hai bên đã thống nhất thứ tự ưu tiên mở cửa các loại rau quả gồm: sầu riêng, bưởi, chanh leo, na, roi, bơ và dừa.

xuatkhaudua

 

Việc xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc bị giảm mới chỉ là một mặt của vấn đề. Đáng lưu ý, trong khi Trung Quốc siết nhập hàng Việt Nam thì hàng Trung Quốc vẫn tràn ngập thị trường Việt Nam, thậm chí tỷ lệ NK còn tăng hơn so với trước.

Nông sản Trung Quốc vẫn vào Việt Nam theo con đường tiểu ngạch rất nhiều, len lỏi khắp các chợ Việt, đến các vùng nông thôn với giá rất rẻ. Không chỉ vậy, hàng Trung Quốc còn gắn mác hàng Việt, hàng Mỹ, Úc, Nhật... để tiêu thụ trên thị trường Việt Nam. Điều này biểu hiện không chỉ ở hàng nông sản, mà ở nhiều mặt hàng khác như hàng công nghiệp. Xảy ra tình trạng này, có sự tiếp tay của thương nhân Việt Nam, nhưng quan trọng nhất vẫn là do chính thương nhân Trung Quốc làm được.

Hiện tượng này đã diễn ra vài chục năm nay nhưng cán bộ quản lý của Việt Nam còn yếu kém, nhiều tiêu cực, thiếu chính sách rõ ràng, quản lý minh bạch, dân chủ để phát hiện, ngăn chặn từ đầu. Hệ quả của tình trạng trên, rất nặng nề: nó gây hại cho sản xuất trong nước, còn hoạt động kinh tế của Việt Nam thực chất là làm giàu cho người khác, thị trường Việt Nam trở thành một thị trường tiêu thụ. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 7 tháng Việt Nam chi 270 triệu USD để nhập rau củ quả Trung Quốc, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giải pháp nào đẩy mạnh XK nông lâm thủy sản bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, các DN cần thay đổi tư duy XK nông thủy sản theo hướng giảm dần, tiến tới xóa bỏ xuất khẩu tiểu ngạch; tập trung xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro pháp lý cũng như từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, độ an toàn, mẫu mã sản phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc… để không chỉ XK bền vững sang thị trường Trung Quốc mà còn cả các thị trường khác trên thế giới.

Song song với đó, việc cần làm hiện nay là chủ động đàm phán mở cửa thị trường. Bởi XK theo hình thức biên mậu vào Trung Quốc đã bị hạn chế dần, trong khi quốc gia này đang ngày càng nâng cao hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch thực vật.

Phối hợp với các địa phương, các hiệp hội ngành hàng tuyên truyền, phổ biến đến cộng đồng doanh nghiệp tăng cường tận dụng C/O mẫu E để tận dụng tốt ưu đãi từ Hiệp định ASEAN - Trung Quốc, tăng tỷ lệ XK chính ngạch cũng là công việc cần tiến hành để gỡ khó khăn cho nông sản XK.

Trong thời gian tới các cơ quan cùng phối hợp tiếp tục phổ biến về các cơ chế, chính sách của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan đến XK nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc.

Tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh và đặc biệt là đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của thị trường.

Tập trung cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Phối hợp các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam... là những giải pháp chung.

Kịp thời có hướng dẫn, giải đáp về các quy định, tiêu chuẩn của Trung Quốc để các địa phương nuôi trồng, xuất khẩu trọng điểm, các hiệp hội ngành hàng, các DN XK có kế hoạch XK phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường, qua đó nâng cao hiệu quả XK.

Cùng với đó là các nhóm giải pháp mang tính cụ thể như trong sản xuất, phải bố trí thời vụ để lệch vụ so với sản phẩm cùng loại tại Trung Quốc. Đẩy mạnh vào khâu công nghệ bảo quản, đặc biệt là khâu chế biến sâu nhằm kéo dài thời vụ thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục tìm kiếm, mở rộng, đa dạng hóa các thị trường XK

Căn cơ của vấn đề vẫn nằm ở bài toán chất lượng nông sản. Không riêng thị trường Trung Quốc mà với bất cứ thị trường nào trong bối cảnh hội nhập, yêu cầu cao về chất lượng vẫn là đáp án của thành công. Các doanh nghiệp XK cần tích cực, chủ động tìm kiếm đối tác, quảng bá sản phẩm thông qua việc tham gia các cuộc hội chợ, triển lãm (Hội chợ Thương mại ASEAN - Nam Ninh - Quảng Tây; Hội chợ Nhập khẩu quốc tế Trung Quốc - CIIE 2018; Hội chợ Xuất, nhập khẩu Côn Minh tại thành phố Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam…) và hội thảo chuyên đề được tổ chức tại Việt Nam hoặc Trung Quốc.

Theo đó, người nông dân cũng cần phải liên kết chặt chẽ với DN hình thành ra các vùng sản xuất tập trung theo quy chuẩn ở tất cả các khâu từ chuỗi, đầu vào, đầu ra, tổ chức tuân thủ hợp đồng, cùng làm ăn với DN.

DN cần hoàn thiện các yêu cầu xuất khẩu hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phải coi đó vừa là thách thức và vừa là cơ hội tốt để từng bước thâm nhập, chinh phục thị trường Trung Quốc và các quốc gia có yêu cầu khắt khe với chất lượng nông sản. Đây cũng chính là điều kiện để nông dân và DN Việt Nam cải tiến phương thức theo hướng đồng bộ, bài bản trong chuỗi giá trị của mình.

Nhằm giúp DN khai thác hiệu quả thị trường tiềm năng này, các bộ, ngành cùng các hiệp hội, DN và người sản xuất đang tích cực đàm phán với các cơ quan chức năng Trung Quốc và bổ sung loại hình nông sản xuất khẩu theo chính ngạch.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương mở nhiều lớp tập huấn và tạo kênh thông tin kịp thời về thị trường, về các quy định mới nhất của nước bạn; đặc biệt là vào thời điểm vụ thu hoạch từng loại nông sản. Qua đó, người sản xuất và DN XK có giải pháp phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu từ thị trường NK lớn như Trung Quốc…

Thực tế cho thấy, trong những năm tới, nếu không nâng cao khả năng cạnh tranh, thì hàng hóa nông sản Việt Nam rất khó thâm nhập thị trường các khu vực phát triển của Trung Quốc do tính chất tương đồng và sức cạnh tranh. XNK nếu không được kiểm soát, quản lý tốt, chạy theo lợi ích trước mắt thì sẽ có nguy cơ làm suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, di nhập vào nước ta các sản phẩm, hàng hóa không thân thiện với môi trường và sức khoẻ con người.

Nếu sự phối hợp giữa Nhà nước, DN và nông dân trách nhiệm và quyết tâm nâng cao chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh, thì bức tranh thương mại nông sản Việt Nam - Trung Quốc sẽ có sự đột phá và khởi sắc.

TS. Nguyễn Văn Khanh

Tin khác

Kinh tế 5 giờ trước
(SHTT) - Nền tảng thương mại điện tử Tik Tok Shop, tích hợp trên ứng dụng TikTok, đang phát triển với tốc độ thần tốc; trở thành một trong những nền tảng được sử dụng và được yêu thích nhiều bởi các bạn trẻ thuộc thế hệ gen Z, cụ thể hơn là sinh viên.
Kinh tế 11 giờ trước
Với Trung Quốc và Ấn Độ, doanh nghiệp Việt có thể tận dụng lợi thế có sẵn để chinh phục những thị trường tỉ dân này.
Tin tức 22 giờ trước
Nhiều nhá máy ô tô sử dụng động cơ đốt trong tại Trung Quốc đang đối mặt với 'ranh giới sống còn' khi xe điện lên ngôi.
Tin tức 1 ngày trước
Theo giới chuyên gia, việc hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trong mua bán vàng nhằm phòng chống tình trạng rửa tiền.
Kinh tế 3 ngày trước
Sầu riêng được ví như là "ngôi sao đang lên" khi chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần cải tiến chất lượng sầu riêng để phát triển bền vững.