SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 03/05/2024
  • Click để copy

Vì sao giá xăng tăng phi mã mà chỉ giảm nhỏ giọt?

09:20, 26/03/2022
Việc giảm giá xăng dầu từ 630 – 650 đồng mỗi lít của Liên bộ Công Thương – Tài chính được nhiều người cho là… nhỏ giọt khi giá xăng dầu thế giới giảm sâu. Thực tế, giá xăng dầu trong nước tăng hay giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, giá xăng dầu được điều hành theo cơ chế thị trường có sự kiểm soát, điều tiết của nhà nước để bảo đảm ổn định vĩ mô. Hai “van” để điều tiết giá bán lẻ xăng dầu trong nước là thuế, phí và quỹ bình ổn giá.

Trong bối cảnh việc giảm thuế môi trường chưa được áp dụng, việc trích lập quỹ bình ổn với xăng E5RON92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 50 đồng/lít, dầu diesel ở mức 400 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít sẽ khiến giá xăng dầu trong nước không giảm tương xứng với giá xăng dầu thế giới.

xang-10270717

Giá xăng giảm nhỏ giọt sau loạt phiên tăng liên tiếp. 

Vẫn theo ông Long, xăng dầu hiện nay đang chịu cùng lúc nhiều sắc thuế. Trong đó, nhiều ý kiến băn khoăn việc áp dụng cả thuế môi trường (3.800 đồng đối với RON 92, 4.000 đồng đối với RON 95) và thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với xăng dầu.

TS Vũ Đình Ánh thì cho rằng để tránh dư luận "xăng tăng phi mã, giảm nhỏ giọt" mỗi kỳ điều chỉnh giá xăng, các cơ quan điều hành giá nên làm rõ và minh bạch cách tính giá xăng dầu. Bất kỳ người dân, lãnh đạo doanh nghiệp nào còn thắc mắc về điều chỉnh giá xăng dầu có thể tra cứu và nắm được.

“Xăng dầu đang là gánh nặng của người dân và doanh nghiệp. Việc điều hành giá xăng dầu đã có quy định, nhưng tôi cho rằng nên công khai cụ thể cách tính để người dân nắm được vì sao có con số giảm 630 – 650 đồng cho mỗi lít xăng?”, ông Ánh nói.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trong kỳ điều hành lần này, cơ quan quản lý quyết định trích lập vào quỹ bình ổn (BOG) để tăng thêm nguồn quỹ trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lớn đang âm quỹ. Việc trích lập quỹ bình ổn đã khiến giá bán lẻ xăng dầu không giảm mạnh như kỳ vọng.

Trong các kỳ điều hành gần đây, Liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết đã thực hiện chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi từ 200-1.500 đồng/lít.

Ở kỳ điều hành ngày 21.3 vừa qua, giá bình quân các sản phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới giữa 2 kỳ điều hành giảm so với giá bình quân kỳ trước mặc dù lại đang có xu hướng tăng trở lại trong vài ngày gần đây, mức chi Quỹ BOG cho các mặt hàng đang được áp dụng ở mức tương đối cao (từ 300-1.500 đồng/lít) trong khi số dư Quỹ BOG đã gần hết, tại 13 doanh nghiệp Quỹ đã âm.

Trước tình hình trên, để có dư địa điều hành giá trong các kỳ tới khi thị trường còn diễn biến phức tạp, Liên Bộ Công Thương - Tài Chính đã quyết định giảm chi sử dụng Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng dầu, bắt đầu trích lập Quỹ BOG đối với một số mặt hàng để giá các mặt hàng xăng dầu trong nước biến động theo xu hướng của giá thế giới, giảm áp lực cho Quỹ BOG và có dư địa để điều hành giá cho các kỳ tiếp theo.

Về công tác điều hành giá xăng dầu, Liên Bộ cũng khẳng định đã liên tục chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nhằm hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.

Cụ thể, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 11.3 so với đầu năm 2022 biến động tăng từ 44,01% đến 60,02% nhưng giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành ngày 11.3 so với đầu năm 2022 chỉ tăng từ 24,91%-39,56%.

Trên thực tế, giá xăng dầu trong nước tăng hay giảm sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bên cạnh diễn biến giá thế giới, giá xăng dầu trong nước còn phụ thuộc vào việc trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG. Giới chuyên gia cho biết, giá xăng dầu trong nước tính theo giá thế giới cộng thêm cả thuế phí. Hiện nay, giá xăng dầu thế giới vẫn ở mức cao, trong khi công cụ hỗ trợ giảm giá cũng không còn thì giá xăng khó giảm sâu. Do đó, giá xăng trong nước trong kỳ điều hành ngày 21.3 vừa qua chỉ giảm hơn 600 đồng/lít.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Quỹ bình ổn đang âm. Vì vậy không thể trông chờ vào Quỹ này để kìm đà tăng giá xăng dầu. Thay vào đó cần phải tính tới các công cụ thuế linh hoạt hơn, như bài toán giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu và phải có chiến lược tiết kiệm. Thậm chí trong cơ cấu về xăng, có đề xuất giảm thuế nhập khẩu bã ngô, nhiên liệu Ethanol để phối trộn, qua đó khuyến khích sử dụng xăng sinh học.

Liên quan tới Quỹ bình ổn (BOG), đại diện Vụ thị trường trong nước cho rằng, để giữ giá xăng dầu (khi giá thế giới biến động từ 40-60%), thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Liên Bộ đã tính toán việc sử dụng quỹ linh hoạt nhằm giữ giá ở mức chịu đựng được của nền kinh tế, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nên giá xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 24-40%.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31.12. Theo đó mức giảm với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít… Với mức giảm này, người dân, doanh nghiệp hi vọng giá xăng có thể giảm sâu hơn.

Theo các chuyên gia, để giá xăng dầu giảm mạnh hơn, ngoài việc giảm thuế bảo vệ môi trường, cơ quan quản lý cần phải tính toán dài hơn, như khi giá xăng dầu biến động mạnh hơn, lên tới 140 - 150 USD/thùng thì có thể tiếp tục giảm các thuế đối với xăng dầu như: thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, cùng đó là đa dạng hóa nguồn cung...

Nguồn: Một Thế Giới

Tin khác

Kinh tế 13 giờ trước
(SHTT) - Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15 giờ chiều nay (2/5), giá xăng tăng nhẹ. Mỗi lít xăng RON95 tăng 40 đồng, giá bán lên mức gần 25.000 đồng/lít.
Kinh tế 14 giờ trước
Những chiếc mo cau xứ Tiên thuộc huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) qua bàn tay sáng tạo thành đôi dép, túi xách và nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác.
Kinh tế 14 giờ trước
(SHTT) - S&P Global công bố báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 4/2024. Báo cáo ghi nhận, ngành sản xuất của Việt Nam tăng trưởng trở lại trong tháng 4 khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh giúp sản lượng tăng trở lại.
Kinh tế 19 giờ trước
(SHTT) - Sau 6 ngày diễn ra (từ 26/4 đến 1/5), Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024 đã thu hút gần 56.000 lượt khách tham quan mua sắm, doanh thu đạt 17,9 tỷ đồng.
Kinh tế 4 ngày trước
(SHTT) - Theo báo cáo của Cục Thuế Thanh Hóa, thu nội địa trên địa bàn tỉnh tháng 4 ước đạt 2.100 tỷ đồng, bằng 76% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tổng thu nội địa của tỉnh này ước đạt 11.526 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ.