Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm nếu thiếu vắc xin Covid-19
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến nay ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc, hơn 10,6 triệu người khỏi bệnh (92,2%) và hơn 43.000 ca tử vong (0,38%). Tháng 10, cả nước ghi nhận 24.283 ca mắc mới, giảm 64,8% so với tháng trước; 15 ca tử vong, giảm 16 ca. Đáng chú ý, trong nước cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, mới nhất là biến thể phụ BA.2.75.
Tính đến hết ngày 2/11, Việt Nam đã triển khai tiêm được hơn 262 triệu liều vắc xin. Trong tháng 10, cả nước tiêm được 1,9 triệu liều, trung bình mỗi ngày tiêm được 60.000 liều, giảm so với trung bình tháng 9/2022 (100.000 liều/ngày), tháng 8/2022 (350.000 liều/ngày) và tháng 7/2022 (430.000 liều/ngày).
Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cho rằng, đến nay công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện đúng hướng, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Nhờ đó, dịch bệnh được kiểm soát trên phạm vi cả nước; tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững; được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Bên cạnh đó, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng nêu một số khó khăn, hạn chế như: Một số nơi chưa quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch; công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch chưa đồng đều, chưa nhất quán; chưa có sự vào cuộc của các cấp, ngành cùng với ngành y tế, sự phối hợp giữa các lực lượng chưa nhịp nhàng, đồng bộ...
Đánh giá về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết dù dịch bệnh kiểm soát được nhưng tình hình vẫn còn những diễn biến phức tạp, trên thế giới xuất hiện nhiều biến chủng mới. Dẫn chứng là Ủy ban Khẩn cấp (EC) về quy định y tế quốc tế (IHR) liên quan đến COVID-19 đánh giá thế giới vẫn trong tình trạng đại dịch COVID-19.
Do đó, vẫn phải tiếp tục tăng cường hệ thống giám sát và mở rộng năng lực điều trị, tiêm vắc xin vẫn là giải pháp có tính chiến lược, đồng thời tiếp tục cập nhật kế hoạch chuẩn bị và ứng phó ở tầm quốc gia.
Mặt khác, đã xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, đồng thời một số dịch bệnh vẫn đang lưu hành, xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm mới, diễn biến phức tạp, nên Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; nâng cao tinh thần chủ động, đẩy nhanh tiêm vắc xin.
Theo đó, ông yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tiêm chủng vắc xin, đảm bảo phân bổ kịp thời cho địa phương gắn với đôn đốc, hỗ trợ để triển khai tiêm hiệu quả. Trong đó, cần lưu ý về việc mua vắc xin; không để thiếu vắc xin và nếu để thiếu vắc xin, Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, giải quyết vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục và quyết tâm làm bằng được, có phản ứng chính sách kịp thời.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu chủ động hơn nữa trong công tác truyền thông và các bộ, ngành, địa phương đều phải coi trọng công tác này. Các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan báo chí, truyền thông thông tin kịp thời, chính xác, khách quan tình hình dịch bệnh, kết quả phòng, chống dịch; tình hình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu; khuyến cáo, hướng dẫn người dân tin tưởng, ủng hộ, chủ động tham gia các biện pháp phòng chống dịch.
Trong đó, chú trọng tiếp tục thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch, đặc biệt tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tác dụng, hiệu quả của vaccine trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong.
Bên cạnh phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quan tâm công tác tiêm chủng vaccine mở rộng; tăng cường phòng chống các dịch bệnh lưu hành, bệnh mới nổi khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ...; thúc đẩy sản xuất vaccine, phát triển ngành công nghiệp dược trong nước; chú ý việc kết nối chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tiến độ nghiên cứu vắc xin trong nước
Đối với việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, Bộ Y tế cho hay ứng viên vắc xin Nanocovax đã tiến hành đánh giá 3 giai đoạn và đang hoàn thiện báo cáo kết quả giữa kỳ giai đoạn 3, tiếp tục triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 theo đề cương nghiên cứu đến tháng 2-2023.
Với ứng viên vắc xin COVIVAC, hiện đã tiến hành đánh giá qua 2 giai đoạn và đang tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia, đơn vị liên quan để triển khai các hoạt động nghiên cứu tiếp theo.
Với ứng viên vắc xin ARCT-154, đã tiến hành đánh giá qua 3 giai đoạn, và đang tiến hành xem xét, cấp phép lưu hành vắc xin theo quy định. Các tổ chức nhận thử, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục triển khai nghiên cứu tiếp theo đề cương được Bộ Y tế phê duyệt.
Hà Anh