SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 06/05/2024
  • Click để copy

Thái Lan: Phe đối lập “đóng cửa” Bangkok sớm

10:13, 13/01/2014
Theo Bangkok Post, phe biểu tình Thái Lan thực hiện kế hoạch “đóng cửa” Bangkok sớm hơn dự kiến 12 giờ. Bắt đầu từ 20 giờ tối 12-1, nhóm biểu tình phong tỏa quận Pathumwan, Lat Phrao, đường Chaeng Wattana, Đài tưởng niệm chiến thắng tại thủ đô bằng cách dựng nhiều bao cát và rào chắn.

Không hoãn bầu cử

Ngay từ chiều 12-1, tại khu vực tụ tập chính ở thủ đô Bangkok, người biểu tình bắt đầu đóng đồ và các vật dụng để đưa đến 7 địa điểm khác nhau. Cơ quan cảnh sát Thái Lan kịp thời điều động cảnh sát túc trực sẵn tại các tuyến đường bị phong tỏa để hướng dẫn người dân chuyển lộ trình sang tuyến khác. Dự kiến, sáng nay 13-1, phe biểu tình sẽ phong tỏa toàn bộ 16 tuyến đường chính, 8 tuyến đường nhỏ. 

Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban cho biết có thể xem xét chấm dứt các hành động chống đối chính phủ nếu có nguy cơ bùng phát thành nội chiến. Tuy nhiên, ông bác bỏ mọi thỏa hiệp với chính phủ.

Trong một diễn biến khác, đảng cầm quyền Pheu Thai cáo buộc Ủy ban Bầu cử (EC) đã không làm tròn công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp tới và một số thành viên của ủy ban có “động cơ riêng” khi cố tình đề xuất hoãn bầu cử đến ngày 4-5. Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao chính phủ Thái Lan, ông Surapong Tovichakchaikul, chính phủ sẽ không hoãn cuộc bầu cử này vì đây là hành động vi hiến.

Theo tờ Nation, Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck được cho là đang gấp rút thực hiện việc ban hành sắc lệnh thành lập Ủy ban cải cách như đề xuất của 25 tổ chức tư nhân nhằm giải quyết khủng hoảng chính trị diễn ra tại đất nước, trong bối cảnh lãnh đạo phe biểu tình Suthep Thaugsuban đe dọa “đóng cửa” Bangkok trong ngày 13-1.

Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan triển khai gần 14.000 cảnh sát và binh sĩ ở thủ đô để đối phó với phe biểu tình. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Thái Lan cũng trấn an những lo ngại của các cơ quan ngoại giao nước ngoài có trụ sở đặt tại địa điểm có khả năng tụ tập lớn, đồng thời khẳng định, chính phủ sẽ có những biện pháp an toàn và đảm bảo giải quyết các vấn một cách hòa bình và phù hợp với những nguyên tắc dân chủ. Các binh sĩ Thái Lan cũng đã được triển khai đến 20 điểm trọng yếu ở thủ đô trong thời gian “đóng cửa” Bangkok. Các địa điểm này bao gồm phủ thủ tướng, sân bay quốc tế Suvarnabhumi, trụ sở các kênh truyền hình 3, 5, 7, 9, NBT, Thai PBS, Sở Cấp thoát nước, Sở Điện lực. Giới chức an ninh Thái Lan tái khẳng định không sử dụng vũ khí để tấn công người biểu tình.

Không có đảo chính?

Theo Bangkok Post, diễn biến chính trị căng thẳng tại Thái Lan đã làm đa số người dân lo ngại về tương lai đất nước. Cuộc thăm dò dư luận do Dusit Poll tiến hành trên 1.344 người tại Bangkok và các tỉnh lân cận từ ngày 9-1 đã phản ánh điều này khi có gần 35% người dân cho rằng vụ đóng cửa Bangkok vào ngày 13-1 sẽ dẫn đến thay đổi lớn về chính trị. 25% người cho rằng nó ảnh hưởng đến kinh tế đất nước.

Trong khi đó, Tổng tư lệnh lục quân Thái Lan Prayuth Chan Ocha tuyên bố báo giới không nên hỏi bất cứ câu nào về khả năng đảo chính nữa bởi sẽ không có ai làm điều đó. Ông kêu gọi báo giới đăng tải tin tức góp phần làm giảm thiểu bạo lực. Khả năng mà ông lo ngại là bạo lực và kêu gọi các bên bình tĩnh. Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon cũng kêu gọi các bên kiềm chế và lên tiếng quan ngại căng thẳng sẽ leo thang trong những ngày tới. Ông Ban Ki-moon nói đã thảo luận với bà Yingluck và lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập Abhisit Vejjajiva trong một nỗ lực hàn gắn khác biệt giữa họ.

Liên quan đến kế hoạch làm tê liệt Bangkok của phe biểu tình, ông Timothy Huxley, Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) từ Singapore nhận định đây là mục tiêu xa rời thực tế. Ông Huxley lý giải, cá nhân ông Suthep và lực lượng Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) không đủ sức khiến một thành phố với hơn 10 triệu dân đóng cửa hoàn toàn như ý muốn nếu không thực hiện một hoạt động quân sự là cắt nguồn cung điện và nước cho Bangkok. Ông Suthep chỉ có thể gây tắc nghẽn giao thông cục bộ vì tuyên bố không phong tỏa sân bay, các hệ thống giao thông công cộng như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao tại Bangkok. Vì vậy, ý định phong tỏa cả thủ đô trong suốt 20 ngày như ý định của lực lượng biểu tình để bà Yingluck ra đi là không tưởng.

Tin khác

Tin tức 3 ngày trước
(SHTT) - Gần đây, một giáo viên trung học ở Mỹ đã bị bắt vì sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giả mạo giọng nói của hiệu trưởng, tạo ra nội dung phát ngôn xúc phạm học sinh và đồng nghiệp. Những phát ngôn này sau đó được lan truyền rộng rãi và gây ra phản ứng tiêu cực trong cộng đồng.
Tin tức 1 tuần trước
(SHTT) - Mới đây, TikTok đã thông báo sẽ đình chỉ tính năng kiếm tiền gây tranh cãi trên nền tảng tại các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu. Được biết, đây là những động thái được đưa ra sau những cảnh báo từ Ủy ban Châu Âu.
Tin tức 1 tuần trước
(SHTT) - Mới đây, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc công ty mẹ của TikTok, ByteDance phải bán nền tảng truyền thông xã hội này hoặc đối mặt với nguy cơ bị cấm. Tổng thống Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ ký vào dự luật này.
Tin tức 1 tuần trước
(SHTT) - Hàng trăm y tá từ khắp California đã mặc áo sơ mi đỏ và cầm biển hiệu ghi “Hãy tin tưởng y tá, không phải AI” biểu tình bên ngoài Trung tâm Y tế San Francisco của Kaiser Permanente để phản đối việc hệ thống bệnh viện lớn sử dụng trí tuệ nhân tạo để chăm sóc cho các bệnh nhân.
Tin tức 1 tuần trước
(SHTT) - Viện Phát triển và Quản lý quốc tế (IMD) phối hợp Tổ chức Thành phố Thông minh bền vững thế giới (WeGO) tháng 4/2024 đã công bố bảng xếp hạng các thành phố thông minh hàng đầu thế giới năm 2024. Trong đó, Hà Nội đứng ở vị trí thứ 97.
Liên kết hữu ích