SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử tại Việt Nam

07:17, 09/11/2022
(SHTT) - Do ảnh hưởng của đại dịch, các nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi thất thường, tuy nhiên, thương mại điện tử xuyên biên giới, trong đó có Việt Nam, vẫn tăng trưởng đột phá.

 Để thúc đẩy thương mại điện tử (TMĐT) phát triển, thời gian qua, Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa chủ trương này. Mới nhất là Quyết định số 645/2020/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Mục tiêu của Kế hoạch là đến năm 2025 đưa TMĐT trở thành một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của Cuộc CMCN 4.0 được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

thuong mai dien tu

 

Kế hoạch cũng đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm; doanh số TMĐT B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước; thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 50%; 80% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động; 1.000.000 lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng ứng dụng TMĐT…

Về tình hình chung, thương mại điện tử toàn cầu ước tính sẽ tăng trưởng 28,4% mỗi năm từ năm 2020 đến năm 2027. Trong khi đó, doanh thu từ thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng trên 20% mỗi năm. Ông Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam (iDEA), Bộ Công Thương, cho biết trong 10 năm qua, thương mại điện tử trong nước liên tục tăng trưởng 25-30% với quy mô đã đạt 13,7 tỷ USD vào năm 2021. Lĩnh vực này hiện chiếm hơn 7% tổng luồng hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng và trở thành một kênh phân phối quan trọng, bên cạnh các kênh truyền thống của Việt Nam.

Bất chấp những tác động của đại dịch năm 2020 và 2021, thương mại điện tử vẫn phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Theo ông Anh, dự báo thị trường e-commerce Việt Nam sẽ tăng trưởng 2 con số trong năm nay để đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trên thực tế, đại dịch đã thúc đẩy gia tăng đáng kể thương mại điện tử, ghi nhận mức tăng trưởng 16% vào năm ngoái. Năm 2021, doanh thu bán lẻ của thương mại điện tử Việt Nam đạt 13,7 tỷ USD và được dự báo sẽ tăng 20% trong năm nay lên 16,4 tỷ USD, so với 5 tỷ USD năm 2015.

Tuy vậy, thị trường TMĐT Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều trở ngại lớn như: Chênh lệch khoảng cách tiếp cận TMĐT giữa các địa phương và môi trường chính sách và pháp luật. Cùng với đó, bên cạnh thói quen dùng tiền mặt thì lòng tin của khách hàng vào các sản phẩm bán online vẫn còn là một vấn đề.

Ông Nguyễn Thanh Hưng - Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, cạnh tranh trong lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam rất khốc liệt. Các sàn TMĐT thuần Việt phải cạnh tranh với Facebook, Viber, Zalo, Tiktok… từ nước ngoài với tiềm lực to lớn. Nhiều tên tuổi TMĐT lớn của Việt Nam đã “chết yểu” trong vòng 10 năm sau khi ra đời. Chẳng hạn, giai đoạn 2001 - 2010, những tên tuổi lớn xuất hiện rồi biến mất gồm: VDC Siêu thị, Chợ điện tử, GoPhatdat, VnEmart…; giai đoạn 2011 - 2020: 123Mua, Muachung, Nhommua, Vatgia, Deca, FoodPanda, Zaloza, Adayroi… ra đời rồi cũng mất tích. Trong giai đoạn 2021 - 2025, dự báo còn có 2 sàn TMĐT nữa của Việt Nam sẽ biến mất.

Bà Nguyễn Thị Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) cũng cho rằng, trở ngại lớn nhất đối với TMĐT tại Việt Nam vẫn là môi trường chính sách pháp luật. “Đây là một thực tế không chỉ đối với lĩnh vực TMĐT mà còn là trở ngại đối với nhiều lĩnh vực khác. Bởi kể cả có chính sách hỗ trợ đi chăng nữa thì vấn đề thực thi cũng không hề đơn giản” - bà Nguyễn Thị Minh Thảo nói.

Vân Trà

Tin khác

Kinh tế 1 giờ trước
(SHTT) - Lãi suất ưu đãi chỉ từ 0,5%/tháng, không phải đến ngân hàng làm thủ tục, phê duyệt online giải ngân nhanh trong ngày là những ưu điểm nổi bật của sản phẩm vay mua ô tô được VPBank triển khai qua ứng dụng Race App của ngân hàng.
Kinh tế 7 giờ trước
(SHTT) - Ford cho biết quý đầu năm 2024, họ bán được 10.000 xe điện, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - UBND TP Hà Nội đã lên kế hoạch tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Trong khuôn khổ diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024 (VOBF 2024) diễn ra tại Hà Nội sáng 25/4, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã công bố Báo cáo chỉ số thương mại điện tử (EBI) 2024, với nhiều thông tin và con số đáng chú ý.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Hôm nay (ngày 25/4), giá xăng trong nước đã được Bộ Công Thương - Bộ Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 320 đồng, làm giảm giá bán xuống dưới mức 25.000 đồng/lít.