SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 07/05/2024
  • Click để copy

Sau năm 2015 xuất khẩu tôm mới tăng trưởng trở lại

09:03, 25/08/2015
Trong năm 2015 xuất khẩu tôm đối mặt với nhiều khó khăn và chỉ có thể tăng trưởng mạnh kể từ năm 2016, khi các hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nước bắt đầu có hiệu lực.

Đây là nhận định mà Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra ngày 24-8 tại hội thảo "Triển vọng ngành tôm" diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ Quốc tế Thủy sản Việt Nam 2015 (VIETFISH 2015) tại TPHCM.

Theo VASEP, năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 96 thị trường, nhưng Mỹ, Nhật Bản, EU là ba thị trường quan trọng nhất. Việt Nam là nhà cung cấp tôm lớn thứ nhất cho Nhật Bản, thứ ba cho thị trường Mỹ và thứ tư cho thị trường EU.

Tuy nhiên, bước qua năm 2015, những diễn biến thị trường đã khiến kim ngạch xuất khẩu tôm giảm mạnh. Số liệu của VASEP cho thấy, trong 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm hơn 50%; sang Nhật Bản giảm gần 19% và thị trường EU là hơn 14%, Trung Quốc là 28%, Hàn Quốc là hơn 17%.

VASEP cho rằng nếu tình hình thị trường không có dấu hiệu cải thiện, kim ngạch xuất khẩu tôm cả năm chỉ khoảng 3,2 tỉ đô la Mỹ, giảm 17% so với năm 2014.

Theo VASEP, một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm của Việt Nam bị giảm trong năm nay là do một thời gian dài đồng tiền Việt Nam bị neo với đô la Mỹ, trong khi đó các đồng tiền khác đã giảm giá, khiến giá tôm Việt Nam không cạnh tranh được với các nước.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ tại nhiều thị trường lớn giảm trong khi nguồn cung tăng nên tôm Việt Nam phải cạnh tranh với các nước trong khu vực châu Á và Nam Mỹ.

Tuy nhiên, về lâu dài, trong báo cáo gởi các đại biểu tham dự hội thảo, phía VASEP cho rằng xuất khẩu tôm của Việt Nam chỉ gặp khó khăn trong ngắn hạn còn về dài hạn vẫn có những tín hiệu tích cực. Cụ thể, do hàng loạt các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia đàm phán và sẽ sớm có hiệu lực như giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Việt Nam và EU… sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam nói chung, con tôm nói riêng.

Ngoài ra, do các thị trường ngày càng đòi hỏi những sản phẩm chế biến gia tăng, trong khi năng lực chế biến của Việt Nam tốt hơn các nước trong khu vực nên đây là một lợi thế cho xuất khẩu tôm trong những năm tới.

Ngoài ra, Việt Nam là nước sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới và được biết đến là nguồn cung cấp tôm cỡ lớn ổn định và đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng. Vì thế, về lâu dài, xuất khẩu tôm của Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh hơn các nước sản xuất và xuất khẩu tôm ở khu vực châu Á và Nam Mỹ.

Tin khác

Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Tại buổi họp báo thông tin về hoạt động quý II/2024 của ngành công thương TP.HCM, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T: thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cho giá trái cây tươi trong nước bất ngờ tăng vọt.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Báo cáo tài chính quý I/2024 của các hãng hàng không nội địa ghi nhận mức doanh thu tăng trưởng ấn tượng so với con số thua lỗ của cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Triển lãm Quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa lần thứ 4 tại Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 30/5 đến 2/6 tại TPHCM, quy tụ gần 200 gian hàng là các thương hiệu, sản phẩm.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu “hạt tiêu” trong hơn 20 năm qua. Mặc dù giá tiêu liên tục tăng, tuy nhiên giá mặt hàng này của nước ta lại xếp chót bảng so với các nước xuất khẩu trên thế giới.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 4/2024 ước đạt 520 triệu USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 4 tháng qua, xuất khẩu ngành hàng này mang về 1,804 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ.