Quy hoạch Quảng Bình đến năm 2030: Động lực phát triển kinh tế - xã hội
Cụ thể, Quy hoạch tỉnh Quảng Bình đến năm 2030 sẽ mở ra nhiều cơ hội, động lực mới để khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của tỉnh, của vùng nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn tỉnh.
Quy hoạch có 7 phần, gồm: Quá trình triển khai thực hiện lập quy hoạch tỉnh Quảng Bình; phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện đặc thù của tỉnh; thực trạng phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; danh mục dự án của tỉnh và thứ tự ưu tiên thực hiện; giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch; báo cáo đánh giá môi trường chiến lược.
Trong đó 4 ngành trụ cột chính được xác định là: Phát triển du lịch, công nghiệp, nông nghiệp và phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển; 3 đột phá chiến lược là đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tỉnh Quảng Bình xác định 2 trung tâm động lực tăng trưởng, 3 hành lang kinh tế và 3 trung tâm đô thị, liên vùng gồm: Trung tâm đô thị Đồng Hới và vùng phụ cận, trong đó Đồng Hới là hạt nhân và các đô thị vệ tinh là Quán Hàu, Hoàn Lão, Việt Trung, Dinh Mười.
Trong đó, Trung tâm đô thị phía Bắc với hạt nhân là thị xã Ba Đồn gắn với huyện lỵ mới Quảng Trạch, Khu kinh tế Hòn La, Tiến Hóa. Trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là thị trấn Kiến Giang và các đô thị vệ tinh gồm Lệ Ninh và Áng Sơn.
Về phương án tổ chức đô thị và nông thôn, đến năm 2030, Quảng Bình dự kiến có 14 đô thị, bao gồm 1 đô thị loại II (thành phố Đồng Hới), 1 đô thị loại III (thị xã Ba Đồn), 2 đô thị loại IV (thị xã Hoàn Lão, Kiến Giang), 10 đô thị loại V (thị trấn Đồng Lê, Quy Đạt, Quán Hàu, Phong Nha, Nông trường Việt Trung, Nông trường Lệ Ninh) và 4 đô thị xây dựng mới (đô thị Hòn La, Quảng Phương, Tiến Hóa, Dinh Mười).
Hình thành các khu dân cư tập trung quy mô vừa và lớn kết nối thuận tiện với hệ thống giao thông cấp tỉnh, huyện và liên huyện; kết nối giao thương với các tuyến liên xã, liên vùng. Tập trung cao cho phát triển các khu dân cư tại các địa phương gần khu công nghiệp.
Kết quả quy hoạch tỉnh Quảng Bình góp phần xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn để sắp xếp tổ chức không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, hệ thống đô thị, nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển các ngành trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, toàn tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực để nâng cao đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn. Điển hình là tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh Quảng Bình trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 5.055 tỷ đồng, bằng 101% dự toán Trung ương giao, tăng 35% so cùng kỳ năm ngoái, có 9/16 khoản thu đạt và vượt tiến độ dự toán cả năm. Phê duyệt chủ trương đầu tư 37 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỷ đồng.
Phan Hòa
TIN LIÊN QUAN
Tin khác
- Mẫu Dù che lệch tâm che nắng giá rẻ