SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 02/05/2024
  • Click để copy

Nóng lòng chờ quy chế tuyển sinh

09:09, 06/10/2014
Quyết định tổ chức một kỳ thi chung quốc gia được Bộ GD-ĐT công bố từ ngày 9-9-2014, nhưng hiện giờ các trường vẫn chờ thông tin hướng dẫn chính thức từ bộ này để đưa ra phương án tuyển sinh cho năm 2015.

Vã mồ hôi chạy theo

Đầu năm 2014, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường xây dựng đề án tuyển sinh riêng để áp dụng vào năm 2017. Hàng loạt trường chạy đôn chạy đáo để xây dựng phương án tuyển sinh riêng theo khuyến cáo của Bộ GD-ĐT. Sau đó, Bộ GD-ĐT ra văn bản yêu cầu các trường phải hoàn thành và công bố đề án tuyển sinh riêng trong tháng 9-2014. Nhiều trường cũng cho rằng, lộ trình bỏ “3 chung” và thay bằng việc tuyển sinh riêng của các trường là phù hợp vì không gây quá nhiều xáo trộn cho học sinh phổ thông. 

Đến ngày 9-9-2014, khi Bộ GD-ĐT chính thức công bố năm 2015 tổ chức một kỳ thi chung quốc gia thì các trường vẫn chạy nước rút để công bố đề án tuyển sinh riêng. Có trường tổ chức họp liên tục để hoàn thiện đề án. Có trường tổ chức hội nghị cán bộ giảng viên để góp ý cho đề án. Trong quyết định này của Bộ GD-ĐT có ghi: “Trước ngày 1-1 hàng năm, các học viện, trường đại học, cao đẳng công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh”. Với nội dung này, các trường vẫn ung dung hạ quyết tâm thực hiện đề án tuyển sinh riêng và trong đó nhiều trường không còn sử dụng tuyển sinh theo các khối thi cũ như trước đây.

Tuy nhiên, đến ngày 19-9, Bộ GD-ĐT lại ra công văn hướng dẫn khác gửi các cơ sở giáo dục ĐH và quy định: “Trên cơ sở các môn thi đã được xác định để tuyển sinh vào từng ngành đào tạo, các trường gửi báo cáo (theo mẫu kèm theo) về Bộ GD-ĐT trước ngày 15-10-2014”. Ngoài ra, nội dung công văn cũng yêu cầu các trường xác định tổ hợp kết quả các môn thi tương ứng với khối thi đã thực hiện như những năm qua để xét tuyển. 

Như vậy, giữa hai công văn ngày 9-9 và công văn ngày 19-9 của Bộ GD-ĐT không chỉ lệch nhau về khung thời gian mà còn “đá” nhau về nội dung sử dụng kết quả kỳ thi chung quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ. Sự tréo ngoe này đã khiến đề án tuyển sinh riêng mà các trường đã xây dựng và công bố trên website để thí sinh tìm hiểu ngay lập tức phải hủy bỏ để điều chỉnh lại theo “hướng dẫn” của Bộ GD-ĐT.

Hồi hộp chờ…

Những tưởng sau hội nghị lấy ý kiến các cơ sở giáo dục ĐH và các sở GD-ĐT tại Hà Nội, Huế và TPHCM, các trường ĐH, CĐ sẽ có đủ “tự tin” để sớm đưa ra phương án tuyển sinh cho năm 2015. Thế nhưng đến nay (5-10), các trường vẫn chưa dám công bố vì “sợ” bị hố vì không biết Bộ GD-ĐT có tiếp tục thay đổi nữa hay không. Hơn nữa, điều quan trọng nhất đó là cơ sở pháp lý (quy chế tuyển sinh năm 2015) mà các trường chờ đợi vẫn chưa có. 
 

  

Thí sinh chỉnh sửa giấy báo thi tại Hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm TPHCM kỳ thi tuyển sinh CĐ - ĐH 2014. Ảnh: MAI HẢI

ĐH Quốc gia TPHCM đã dày công đầu tư cả về tài chính lẫn nhân lực đề xây dựng đề án theo lộ trình của Bộ GD-ĐT. Ngay từ năm 2012, ĐH Quốc gia TPHCM đã công bố bản dự thảo đề án cải tiến công tác tuyển sinh ĐH theo hướng đánh giá năng lực dựa vào các môn thi tích hợp như: toán, tiếng Việt, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, Anh văn và năng khiếu. Khi đề án đã hoàn thiện thì mới đây bất ngờ lãnh đạo ĐH Quốc gia TPHCM cho biết: “ĐH Quốc gia sẽ không tổ chức thi tuyển sinh riêng như đề án đã trình Bộ GD-ĐT mà sử dụng kết quả kỳ thi chung quốc gia để xét tuyển”.

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban ĐH và sau ĐH (ĐH Quốc gia TPHCM): ĐH Quốc gia TPHCM làm như vậy là nhằm hạn chế sự xáo trộn và ảnh hưởng đến thí sinh. Hiện nay các trường ĐH thành viên đã hoàn tất các phương án xét tuyển. Dự kiến trong tháng 10, ĐH Quốc gia TPHCM sẽ công bố rộng rãi thông tin tuyển sinh để thí sinh nắm rõ. 

Cùng với ĐH Quốc gia TPHCM, nhiều trường ĐH khác như Trường ĐH Tài chính Marketing, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM… cũng phải chỉnh sửa lại đề án tuyển sinh cho “hợp lòng bộ”. Tuy nhiên, đại diện các trường cũng băn khoăn với tình thế hiện nay không ngoại trừ khả năng Bộ GD-ĐT lại tiếp tục có thay đổi nữa. Trường ĐH Cần Thơ cũng đã họp hội đồng tuyển sinh và chốt lại phương án tuyển sinh cho năm 2015 trên tinh thần sử dụng kết quả kỳ thi chung quốc gia để xét tuyển (theo khối thi như trước đây). Ngoài ra, trường này cũng bỏ việc nhân hệ số các môn thi chính như năm 2014 vì có quá nhiều rắc rối.

Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng việc Bộ GD-ĐT xây dựng phần mềm xét tuyển tự xác định thí sinh trúng tuyển để các trường thực hiện theo là không thể. Việc các trường xét tuyển như thế nào hãy để các trường tự làm, tự chịu trách nhiệm miễn sao theo đúng quy chế. Do đó, Bộ GD-ĐT phải gấp rút hoàn thiện quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015 để các trường chốt phương án xét tuyển, công bố phương án xét tuyển để thí sinh nắm rõ.

Tin khác

Tin tức 6 giờ trước
AI Day 2024 sẽ diễn ra tại The Adora Center (TP.HCM) với chủ đề “Ứng dụng AI - Chìa khóa kinh doanh bứt phá”. Đây là sự kiện giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận kiến thức, công cụ và ứng dụng AI để tối ưu chi phí vận hành, nâng cao hiệu suất và tạo lợi thế cạnh tranh.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024 được tổ chức tại Quảng Ninh, dự kiến từ ngày 4 đến 9/11/2024.
Tin tức 7 giờ trước
(SHTT) - Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong quý I/2024, lĩnh vực quản lý nhà nước và báo chí truyền thông đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, được dư luận xã hội quan tâm, ghi nhận.
Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Thời gian tới, Hải quan Quảng Ninh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Tin tức 13 giờ trước
(SHTT) - Năm 2024, nhiều trường đại học tiếp tục cho phép thí sinh thực hiện quy đổi điểm IELTS trong tuyển sinh đầu vào. Tuy nhiên, mỗi trường đều có những quy định riêng, thí sinh cần lưu ý để đảm bảo quyền lợi khi thực hiện xét tuyển.