SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Nhiều siêu thị điện máy ngừng bán và thu đổi sản phẩm của Asanzo

12:42, 27/06/2019
(SHTT) - Sau những thông tin về việc thương hiệu Asanzo nhập hàng Trung Quốc nhưng dán nhãn Việt Nam, nhiều siêu thị điện máy ngừng kinh doanh các sản phẩm thương hiệu này, bên cạnh đó cũng áp dụng việc thu đổi sản phẩm.

Siêu thị điện máy ngừng bán và thu đổi sản phẩm của Asanzo

Cụ thể, Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim vừa thông báo về việc thu đổi sản phẩm tivi Asanzo trên toàn hệ thống cửa hàng của đơn vị bán lẻ này. 

Hệ thống điện máy này nêu rõ thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông đã đưa tin về nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm của Asanzo không rõ ràng, khiến cho khách hàng rất hoang mang, cũng như khiến các khách hàng đã mua sản phẩm Asanzo tại hệ thống Nguyễn Kim lo lắng. 

Do đó, Nguyễn Kim chính thức áp dụng chính sách thu đổi sản phẩm sản phẩm tivi Asanzo trên toàn hệ thống từ ngày 26/6 đến hết ngày 10/7. Đối tượng áp dụng là các khách hàng đã mua tivi Asanzo tại Nguyễn Kim. 

sieu thi ngung mua

Nhiều siêu thị điện máy ngừng bán và thu đổi sản phẩm của Asanzo. Ảnh minh họa: Báo Phụ Nữ 

Theo đó, khách hàng trực tiếp mang tivi Asanzo với điều kiện hoạt động bình thường, còn nguyên vẹn, còn remote, không bị nứt gãy vỡ kèm theo hóa đơn mua hàng đến bất cứ siêu thị Nguyễn Kim nào để được đổi sang tivi thương hiệu bất kỳ đang kinh doanh tại Nguyễn Kim. Giá trị thu hồi sản phẩm phải tương ứng với giá trị thể hiện trên hóa đơn đã mua của khách hàng và bù thêm chi phí chênh lệch (nếu có). 

Bên cạnh đó, Hệ thống Điện máy Xanh đều thông báo trên website và cửa hàng ngừng bản sản phẩm do công ty Asanzo sản xuất.  Đại diện siêu thị Điện máy xanh cho biết, hiện chưa có chính sách thu đổi sản phẩm thương hiệu Asanzo trên hệ thống của điện máy. Tuy nhiên, nếu khách hàng mua sản phẩm thương hiệu Asanzo chưa quá 12 tháng có nhu cầu trả, hệ thống sẽ hỗ trợ thu lại với mức hoàn 80% trong tháng đầu, mỗi tháng tiếp theo trừ thêm 5%.

Mới đây, báo chí trong nước cho công bố loạt bài Điều tra: Asanzo - hàng Trung Quốc 'đội lốt' hàng Việt. Loạt bài này gây chấn động trong dư luận vì theo quảng cáo của Asanzo thì công ty này sử dụng "đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" để sản xuất hàng điện tử gia dụng và sản phẩm của Asanzo được chứng nhận "Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn".

Theo phóng sự của báo Tuổi Trẻ thì vào cuối năm 2018, hải quan từng phát hiện một doanh nghiệp nhập lò nướng thủy tinh nhãn hiệu Asanzo từ Trung Quốc khai báo gian dối. Từ thông tin này, sự thật dần hé lộ, không chỉ nhập hàng nguyên chiếc khai báo linh kiện, nay Asanzo còn gỡ tem "made in China" rồi dán đè tem "xuất xứ Việt Nam" lên sản phẩm bán ra thị trường.

Khi sự việc được phanh phui dần, CEO Asanzo Phạm Văn Tam mới lên tiếng thừa nhận 70-80% phần cứng của sản phẩm tivi là nhập từ nước ngoài như: Đài Loan, Trung Quốc. Thậm chí ông Tam cũng thừa nhận sản phẩm Asanzo chỉ là hàng lắp ráp.

Shark Tam cho rằng, việc Asanzo nhập các linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp thành sản phẩm không có gì là mới. Tuy nhiên khi gắn nhãn, bao bì cũng như trong giấy bảo hành, Asanzo ý thức được việc đó nên chỉ ghi “Xuất xứ Việt Nam” thay vì “Made in Việt Nam” trên sản phẩm của mình.

Xoay quanh những lùm xùm trên, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cũng đã lên tiếng.

Theo thông tin được đăng tải trên báo Lao động, bà Hạnh cho biết: "Chúng tôi điều tra người tiêu dùng mỗi năm một lần, mỗi đợt từ 3 đến 4 tháng. Cách thức là phỏng vấn trực tiếp với tiêu chí giá cả, mẫu mã, thương hiệu, bảo hành, mạng lưới phân phối... Sau đó tiến hành chạy máy đếm dữ liệu, doanh nghiệp nào đạt được tỉ lệ bình chọn thì được đưa vào danh sách.

Trường hợp của Asanzo, sau khi báo chí phản ánh, chúng tôi đối chiếu lại hồ sơ họ nộp thì rõ ràng sai phạm, vì trong điều lệ của Hội, gia công ở nước ngoài là không được cấp HVNCLC. Xét thấy Asanzo vi phạm, chúng tôi đã tước quyền sử dụng nhãn hiệu".

"Họ đăng ký hồ sơ với Hội là sản xuất tại Việt Nam, nhưng khi thực hiện thì không đúng với những gì đã đăng ký, thực tế là sản xuất bên Trung Quốc. Hội thực hiện cấp giấy chứng nhận được hơn 20 năm, trung bình mỗi năm có khoảng 600 doanh nghiệp được bình chọn. Asanzo được cấp nhãn hàng HVNCLC trong 4 năm liên tiếp từ 2016 đến 2019", bà Hạnh cho biết thêm.

Khi được hỏi những nhãn hiệu được cấp giả và cả những nhãn hiệu được cấp thực nhưng hoạt động không đúng thì kiểm soát thế nào thì bà Hạnh cho hay: "Chúng tôi đề cao tính tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, chứ Hội không thể đi kiểm tra, xác minh cụ thể được. Hội sống bằng sự tin cậy của doanh nghiệp, thể hiện qua việc đóng hội phí đầy đủ nhất".

Như vậy có thể thấy chính Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng chưa kiểm soát được chất lượng, nhãn hiệu của Asanzo. Vụ việc vẫn đang được điều tra làm rõ.

Hoàng Oanh

Tin khác

Kinh tế 16 giờ trước
(SHTT) - Ford cho biết quý đầu năm 2024, họ bán được 10.000 xe điện, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Trong khuôn khổ diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024 (VOBF 2024) diễn ra tại Hà Nội sáng 25/4, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã công bố Báo cáo chỉ số thương mại điện tử (EBI) 2024, với nhiều thông tin và con số đáng chú ý.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Hôm nay (ngày 25/4), giá xăng trong nước đã được Bộ Công Thương - Bộ Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 320 đồng, làm giảm giá bán xuống dưới mức 25.000 đồng/lít.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Số liệu vừa được Metric - nền tảng số liệu về thương mại điện tử, công bố cho thấy, doanh số bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop đã cán mốc 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 78,69% so với quý 1/2023.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Thanh Hóa đã có 479 sản phẩm OCOP. Thành quả đó đã thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển.