SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 20/04/2024
  • Click để copy

Từ vụ Asanzo bị "tố" nhập hàng Trung Quốc ‘đội lốt’ hàng Việt: Thiếu quy định gắn mác xuất xứ sản phẩm?

07:00, 27/06/2019
(SHTT) - Việc Asanzo bị tố là hàng Trung Quốc 'đội lốt' hàng Việt đang khiến dư luận quan tâm trong thời gian gần đây, nhiều câu hỏi được đặt ra là việc ghi nhãn hàng hóa, ghi xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu, tiêu thụ tại thị trường nội địa, xuất khẩu như thế nào?

Mới đây, báo chí trong nước cho công bố loạt bài Điều tra: Asanzo - hàng Trung Quốc 'đội lốt' hàng Việt. Loạt bài này gây chấn động trong dư luận vì theo quảng cáo của Asanzo thì công ty này sử dụng "đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" để sản xuất hàng điện tử gia dụng và sản phẩm của Asanzo được chứng nhận "Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn".

Theo phóng sự của báo Tuổi Trẻ thì vào cuối năm 2018, hải quan từng phát hiện một doanh nghiệp nhập lò nướng thủy tinh nhãn hiệu Asanzo từ Trung Quốc khai báo gian dối. Từ thông tin này, sự thật dần hé lộ, không chỉ nhập hàng nguyên chiếc khai báo linh kiện, nay Asanzo còn gỡ tem "made in China" rồi dán đè tem "xuất xứ Việt Nam" lên sản phẩm bán ra thị trường.

asanzo

Khách chọn mua các mặt hàng điện tử, điện máy tại một siêu thị trên địa bàn TPHCM. Ảnh: SGGP

Khi sự việc được phanh phui dần, CEO Asanzo Phạm Văn Tam mới lên tiếng thừa nhận 70-80% phần cứng của sản phẩm tivi là nhập từ nước ngoài như: Đài Loan, Trung Quốc. Thậm chí ông Tam cũng thừa nhận sản phẩm Asanzo chỉ là hàng lắp ráp.

Shark Tam cho rằng, việc Asanzo nhập các linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp thành sản phẩm không có gì là mới. Tuy nhiên khi gắn nhãn, bao bì cũng như trong giấy bảo hành, Asanzo ý thức được việc đó nên chỉ ghi “Xuất xứ Việt Nam” thay vì “Made in Việt Nam” trên sản phẩm của mình.

Xoay quanh những lùm xùm trên, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cũng đã lên tiếng.

Theo thông tin được đăng tải trên báo Lao động, bà Hạnh cho biết: "Chúng tôi điều tra người tiêu dùng mỗi năm một lần, mỗi đợt từ 3 đến 4 tháng. Cách thức là phỏng vấn trực tiếp với tiêu chí giá cả, mẫu mã, thương hiệu, bảo hành, mạng lưới phân phối... Sau đó tiến hành chạy máy đếm dữ liệu, doanh nghiệp nào đạt được tỉ lệ bình chọn thì được đưa vào danh sách.

Trường hợp của Asanzo, sau khi báo chí phản ánh, chúng tôi đối chiếu lại hồ sơ họ nộp thì rõ ràng sai phạm, vì trong điều lệ của Hội, gia công ở nước ngoài là không được cấp HVNCLC. Xét thấy Asanzo vi phạm, chúng tôi đã tước quyền sử dụng nhãn hiệu".

"Họ đăng ký hồ sơ với Hội là sản xuất tại Việt Nam, nhưng khi thực hiện thì không đúng với những gì đã đăng ký, thực tế là sản xuất bên Trung Quốc. Hội thực hiện cấp giấy chứng nhận được hơn 20 năm, trung bình mỗi năm có khoảng 600 doanh nghiệp được bình chọn. Asanzo được cấp nhãn hàng HVNCLC trong 4 năm liên tiếp từ 2016 đến 2019", bà Hạnh cho biết thêm.

Khi được hỏi những nhãn hiệu được cấp giả và cả những nhãn hiệu được cấp thực nhưng hoạt động không đúng thì kiểm soát thế nào thì bà Hạnh cho hay: "Chúng tôi đề cao tính tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, chứ Hội không thể đi kiểm tra, xác minh cụ thể được. Hội sống bằng sự tin cậy của doanh nghiệp, thể hiện qua việc đóng hội phí đầy đủ nhất".

Như vậy có thể thấy chính Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng chưa kiểm soát được chất lượng, nhãn hiệu của Asanzo. Vụ việc vẫn đang được điều tra làm rõ.

Thiếu quy định gắn mác xuất xứ sản phẩm

made-in-vietnam (1)

 

Thông tin trên tờ SSGP, điều khiến dư luận hiện nay băn khoăn là quy định việc ghi nhãn hàng hóa, ghi xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu, tiêu thụ tại thị trường nội địa, xuất khẩu như thế nào? Liệu hàng nhập khẩu từ nước khác có được ghi nhãn “Made in Vietnam” hay không?

Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết”. Cũng theo nghị định này, cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định là ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó.

Tuy nhiên, theo Cục Xuất nhập khẩu, đối với hàng hóa nhập khẩu và lưu thông trên thị trường Việt Nam, Nghị định 43 vẫn chưa quy định tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Trong khi đó, thời gian vừa qua, Cục Xuất nhập khẩu đã cảnh báo, hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Hàng hóa được sản xuất, nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng khi nhập về lại gắn mác “Made in Vietnam” để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng. Đồng thời hưởng lợi “miễn phí”, bất hợp pháp từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia hoặc sử dụng xuất xứ hàng hóa làm phương tiện lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết, ở một số nước, tiêu chí và điều kiện ghi nhãn xuất xứ có thể được quy định chung như “made in…, produced in…” hoặc được quy định chi tiết đến từng công đoạn sản xuất, gia công hoặc chứa giá trị gia tăng cụ thể. Một số nước có chế tài xử phạt rất nặng đối với cá nhân, tổ chức cố tình ghi sai nhãn xuất xứ hàng hóa.

Theo Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải, để doanh nghiệp có thể làm đúng, cần phải có hướng dẫn rõ hơn Nghị định 43 để quy định tiêu chí như thế nào thì được coi là sản phẩm hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, gắn được nhãn “Made in Vietnam”, còn trường hợp nào thì không được phép. Về việc doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện về lắp ráp thay vì nhập nguyên chiếc để giảm thuế, theo ông Trần Thanh Hải, cách làm không sai vì họ đang tận dụng chính sách thuế của Nhà nước để tìm ra cách kinh doanh phù hợp.

 Thu Hà

Tin khác

Tài sản trí tuệ 6 giờ trước
Phòng khám chuyên khoa da liễu có biển hiệu mang tên "An Nhi" của bà Lê Thị Huyền hoạt động trái phép trên đường 3 tháng 2, Phường 11, Quận 10, TP.HCM đã 3 lần đổi tên để đối phó cơ quan chức năng.
Tài sản trí tuệ 7 giờ trước
(SHTT) - Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Cục QLTT Thanh Hóa mới đây đã xử phạt 16.5 triệu đồng, đồng thời buộc tiêu huỷ toàn bộ tang vật vi phạm đối với một cơ sở kinh doanh trên địa bàn có hành vi buôn bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tài sản trí tuệ 7 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức khám nơi cất giấu đồ vật tại Kho A10 và kho B09, đường Bắc Nam, khu 1, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, qua đó, phát hiện hơn 40.000 sản phẩm nghi nhập lậu.
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
Tổ công tác đặc biệt của Sở Y tế TP.HCM phát hiện cơ sở mang tên “Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc Việt Nam” hoạt động không phép tại địa chỉ của Phòng khám Medigo (296 Trần Não, phường An Khánh, TP Thủ Đức).
Tài sản trí tuệ 1 ngày trước
(SHTT) - Vừa qua, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy lô sản phẩm Bath Gel – MM Professional (chai 35ml) do không đảm bảo các yêu cầu về chất lượng theo quy định.