SO HUU TRI TUE
Chủ nhật, 05/05/2024
  • Click để copy

Người Thái không ủng hộ chiến dịch “chiếm đóng Bangkok”

10:25, 14/01/2014
Ngày 13-1, lực lượng thuộc phe đối lập ở Thái Lan do Ủy ban Cải cách dân chủ nhân dân (PDRC) dẫn đầu đã ồ ạt xuống đường thực hiện chiến dịch “chiếm đóng Bangkok”. Chiến dịch được lên kế hoạch từ trước nhằm lật đổ Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra.

2 triệu người bị ảnh hưởng

Người biểu tình đã phong tỏa 7 điểm cắt giao thông chính trong thủ đô. Khoảng 50.000 người mang theo cờ và mặc áo in khẩu hiệu “Chiếm đóng Bangkok” đã tụ tập tại các điểm giao thông chiến lược trong thành phố, trong đó có khu mua sắm chính từng là tâm điểm trong làn sóng biểu tình chống chính phủ đẫm máu năm 2010.

Phát biểu trước đám đông người ủng hộ chiều 12-1, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban cho biết phe đối lập sẽ không chấp nhận thỏa hiệp. Tân Hoa xã dẫn nguồn từ truyền thông Thái Lan  cho biết chiến dịch “Chiếm đóng Bangkok” ảnh hưởng tới hơn 2 triệu người dân ở thủ đô. Truyền thông nước này ước tính rằng 680.000 cư dân, 440.000 sinh viên và 1,2 triệu người làm việc trong và gần các địa điểm tuần hành bị ảnh hưởng, chiến dịch cũng ảnh hưởng tới 4,8 triệu lượt người tham gia giao thông.

Công ty Hàng không Thái Lan đã phải cấp giấy thông hành đặc biệt cho khoảng 6.000 taxi sân bay nhằm chứng minh với người biểu tình rằng đây là các phương tiện chuyên chở khách du lịch để họ không cản trở các taxi này đi qua các tuyến đường bị phong tỏa. Hiện vẫn chưa rõ sẽ có bao nhiêu người ủng hộ chiến dịch trên của phe đối lập. Những người tổ chức cho biết mục đích của chiến dịch này chỉ là ngăn cản các quan chức và nhân viên chính phủ tới công sở, đồng thời cắt điện, nước tại các tòa nhà chính phủ.

Theo nguồn tin từ cảnh sát, sẽ có 12 bệnh viện, 28 khách sạn, 24 trường học và 5 trạm xăng trong thành phố bị ảnh hưởng. Ước tính trong một ngày bình thường có khoảng 700.000 phương tiện giao thông qua lại những nơi phe đối lập có kế hoạch biểu tình. Hầu hết mọi người đã buộc phải để xe ở nhà và hoạt động giao thông đã giảm hẳn tại trung tâm thành phố. Tuy nhiên, mạng lưới tàu điện ngầm và tàu trên không của Bangkok vẫn hoạt động và nhiều người vẫn đi làm bình thường.

Quân đội theo sát diễn biến

Theo kế hoạch “chiếm đóng Bangkok”, người biểu tình sẽ đóng chốt tại 15 điểm là các nút giao thông quan trọng, các trụ sở cơ quan chính quyền và trung tâm thương mại. Phe áo đỏ cũng đã tuyên bố sẽ có những kế hoạch nhằm đối phó với người biểu tình chống chính phủ, khiến cho nhiều người lo ngại nguy cơ có thể xảy ra bạo lực. Chính quyền Thái Lan cho biết đã sẵn sàng ban bố sắc lệnh tình trạng khẩn cấp nếu xảy ra bạo động và khoảng 20.000 cảnh sát và binh lính sẽ được điều động để đảm bảo an ninh.

Các quan chức quân đội cấp cao đã được triệu tập đến Trung đoàn Bộ binh số 1 để theo dõi diễn biến cuộc biểu tình làm tê liệt Bangkok, sau khi nhận được báo cáo về hai vụ nổ súng xảy ra trong đêm. Một nguồn tin quân đội được Báo Bangkok Post dẫn lời cho biết tướng Prayuth đã chủ trì cuộc họp với tất cả lãnh đạo quân đội các quân khu để đánh giá tình hình và điều chỉnh việc triển khai lực lượng quân đội.

Lúc rạng sáng 13-1, một kẻ không rõ mặt đã nã 8 phát đạn vào trụ sở đảng Dân chủ ở đường Vibhavadi Rangsit, Bangkok, gây hư hại quầy cà phê nhưng không có thương vong. Trước đó, một bảo vệ của phe biểu tình cũng bị bắn bị thương, gần nơi người biểu tình đang chiếm đóng tại Changwatana.

Trong một cuộc thăm dò mới đây với các cư dân ở Bangkok, có khoảng 40% trong hơn 1.500 người được hỏi đã nói họ muốn những người biểu tình kết thúc chiến dịch “Chiếm đóng Bangkok” để cuộc sống trở lại bình thường. Ngoài ra, có hơn 25% người được hỏi bày tỏ mong muốn rằng các bên nên phối hợp với nhau để tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột này.

Chiến dịch “Chiếm đóng  Bangkok” có thể gây thiệt hại tới 1,25 tỷ USD cho nền kinh tế Thái Lan. Hiện có khoảng 50 nước đã khuyến cáo công dân không nên du lịch Thái Lan trong thời điểm hiện nay. Chính phủ Thái Lan cũng đã thành lập các trung tâm trợ giúp du khách ở nhiều điểm tại thủ đô Bangkok nhằm đảm bảo hỗ trợ thông tin cho du khách khi cần thiết trong thời gian đóng cửa Bangkok. Các trung tâm này được đặt tại sân vận động Hua Mark, sân bay Don Muang, Suvarnabhumi.

Bangkok tê liệt

Tại các điểm nút giao thông, khu trung tâm thương mại và các tòa nhà cơ quan chính phủ, người biểu tình đã dựng rào chắn và lều trại, với mục đích làm tê liệt hoạt động của các ngành nghề. Các trụ sở cơ quan công quyền và trường học ở thủ đô Bangkok đã tuyên bố đóng cửa vì lý do an ninh, tuy nhiên, các trung tâm thương mại vẫn mở cửa hoạt động bình thường. Ở trụ sở cảnh sát quốc gia, người biểu tình đã vây chặt cửa ra vào, nhưng không hề thấy lực lượng cảnh sát được triển khai như mọi khi.

Theo người phát ngôn quân đội Thái Lan Winthai Suwari, binh sĩ chỉ được triển khai ở một vài điểm, đặc biệt là ở khu văn phòng chính phủ nhằm trợ giúp đảm bảo trật tự và luật pháp, chứ không chỉ để bảo đảm an toàn cho người biểu tình. Ông Winthai còn nói rằng quân đội không can thiệp vào tình hình chính trị và sẽ để cho các bên tự tìm ra các giải pháp giải quyết xung đột cho dù Ủy ban bầu cử đã đề nghị Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra hoãn cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Chính phủ Thái Lan tuyên bố hiện vẫn chưa phải sử dụng luật tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Bangkok bởi mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Giao thông ở một vài điểm có gặp nhiều khó khăn, nhưng chưa có thông báo nào về tình trạng bạo lực xảy ra. Chính phủ đã kêu gọi tất cả mọi người nên kiềm chế và các cuộc biểu tình có thể được tiếp tục, nhưng phải đảm bảo hòa bình, trật tự và không bạo lực. Ngoài ra, họ còn khuyến cáo người dân nếu không có việc cần thiết thì không nên tới các khu vực biểu tình chiếm đóng.

Chính phủ xem xét lùi thời điểm bầu cử

Chiều cùng ngày, Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra đã mời các thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ và các chính đảng cùng thảo luận về đề xuất của Ủy ban Bầu cử (EC) nhằm lùi thời điểm tổ chức cuộc bầu cử trước thời hạn dự kiến vào ngày 2-2 tới. Đồng thời bà Yingluck đã chỉ thị cho người cấp phó của bà là ông Phongthep Thepkanjana tổ chức các cuộc gặp với tất cả các bên liên quan về đề xuất hoãn tổng tuyển cử của Ủy ban bầu cử quốc gia.

Thư ký của bà Yingluck, ông Suranand Vejjajiva xác nhận Thủ tướng tạm quyền Yingluck cho rằng vẫn còn một số điểm chưa rõ ràng trong đề xuất của EC và cách tốt nhất là nhóm họp để thảo luận về đề xuất đó.

Cho tới nay, các bộ trưởng trong chính phủ vẫn cho rằng theo Hiến pháp Thái Lan, việc trì hoãn bầu cử sẽ không thể xảy ra. Tuy nhiên, EC trước đó tuyên bố rằng cơ quan này có thể lùi thời điểm bầu cử và một thành viên gợi ý vào ngày 4-5 tới.

Trong diễn biến liên quan, Cơ quan điều tra đặc biệt (DSI) của Thái Lan đã triệu tập 55 lãnh đạo của Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC) và nhiều nhóm khác để thông báo cho họ về những cáo buộc liên quan đến làn sóng biểu tình chống chính phủ hiện nay. Những người này bị buộc tội nổi loạn, kích động bất ổn và gây tình trạng rối loạn.

Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban là Tổng Thư ký PDRC lại không nằm trong danh sách 55 người này vì trước đó giới chức Thái Lan đã ban hành lệnh bắt đối với ông này.

Tin khác

Tin tức 3 ngày trước
(SHTT) - Gần đây, một giáo viên trung học ở Mỹ đã bị bắt vì sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giả mạo giọng nói của hiệu trưởng, tạo ra nội dung phát ngôn xúc phạm học sinh và đồng nghiệp. Những phát ngôn này sau đó được lan truyền rộng rãi và gây ra phản ứng tiêu cực trong cộng đồng.
Tin tức 1 tuần trước
(SHTT) - Mới đây, TikTok đã thông báo sẽ đình chỉ tính năng kiếm tiền gây tranh cãi trên nền tảng tại các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu. Được biết, đây là những động thái được đưa ra sau những cảnh báo từ Ủy ban Châu Âu.
Tin tức 1 tuần trước
(SHTT) - Mới đây, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc công ty mẹ của TikTok, ByteDance phải bán nền tảng truyền thông xã hội này hoặc đối mặt với nguy cơ bị cấm. Tổng thống Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ ký vào dự luật này.
Tin tức 1 tuần trước
(SHTT) - Hàng trăm y tá từ khắp California đã mặc áo sơ mi đỏ và cầm biển hiệu ghi “Hãy tin tưởng y tá, không phải AI” biểu tình bên ngoài Trung tâm Y tế San Francisco của Kaiser Permanente để phản đối việc hệ thống bệnh viện lớn sử dụng trí tuệ nhân tạo để chăm sóc cho các bệnh nhân.
Tin tức 1 tuần trước
(SHTT) - Viện Phát triển và Quản lý quốc tế (IMD) phối hợp Tổ chức Thành phố Thông minh bền vững thế giới (WeGO) tháng 4/2024 đã công bố bảng xếp hạng các thành phố thông minh hàng đầu thế giới năm 2024. Trong đó, Hà Nội đứng ở vị trí thứ 97.