Nghệ An: Phát hiện gần 2.000 linh kiện điện thoại không rõ nguồn gốc
Cụ thể, lực lượng chức năng đá tiến hành kiểm tra đột xuất Cơ sở kinh doanh linh kiện điện thoại do bà Phan Thị Hồng Duyên làm chủ có địa chỉ tại đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Hưng Bình, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở kinh doanh đang bày bán 1.550 sản phẩm linh kiện điện thoại (500 cái kính cường lực, 1.050 cái ốp lưng điện thoại). Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của toàn bộ số hàng hóa nói trên. Đội QLTT số 3 đã tiến hành xử phạt hành chính tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm với tổng giá trị thu phạt đạt gần 60 triệu đồng.
Liên quan đến vấn đề gian lận thương mại, ông Nguyễn Hồng Phong - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nghệ An cho biết: Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái phức tạp.
Các hành vi vi phạm chủ yếu vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm. Đáng chú ý là các hoạt động lợi dụng thương mại điện tử, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo để kinh doanh các loại hàng hóa nhập lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Vi phạm các quy định về thủ tục pháp lý trong hoạt động kinh doanh, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, vi phạm các quy định về giá, không niêm yết giá bán hàng hóa. Vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, các quy định về nhãn hàng hóa.
Để tăng cường các giải pháp phòng, chống hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn Nghệ An, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-UBND về việc "Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024".
Trong đó, yêu cầu các ngành liên quan tập trung các giải pháp: Tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đầu cơ găm hàng, niêm yết giá, thương mại điện tử, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng...
Kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại.
Kiểm tra các loại hàng hóa vi phạm về hàng cấm nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm về an toàn thực phẩm và các loại hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm tiêu dùng hàng ngày có nhu cầu tăng trong dịp Tết.
Lực lượng quản lý thị trường phối hợp, trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Thanh tra chuyên ngành để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại tại các khu vực biên giới, cảng biển, cảng hàng không, kho hàng, điểm tập kết hàng hóa và thị trường nội địa.
Yêu cầu Sở Công Thương tập trung theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao hoặc có biến động nhiều về giá trên địa bàn, để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng về biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường.
Minh Thư