SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 07/05/2024
  • Click để copy

Ngành du lịch phải đi đầu trong hội nhập quốc tế

09:24, 10/08/2016
Ngày 9-8, Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì đã diễn ra tại TP Hội An, Quảng Nam. Cùng tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. 

Du lịch Việt Nam như... “ngôi sao cô đơn”

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là lần đầu tiên Chính phủ tổ chức hội nghị quy mô lớn toàn quốc về du lịch với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và “mong rằng hội nghị sẽ góp phần vào phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”. Theo Thủ tướng, chủ trương tại hội nghị này không bàn nhiều về thành tích mà chủ yếu đánh giá thêm thực trạng nào bất cập; tập trung tháo gỡ khó khăn của ngành để phát triển quy mô cao hơn, chất lượng tốt hơn, hiệu quả tốt hơn. Không thể để các bất cập đến mức độ mà du khách hay nói là “một đi không trở lại”. 

Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, du lịch Việt Nam vẫn còn thua kém nhiều nước trong khu vực về thu hút khách quốc tế. Năm 2015, nước ta chỉ đón 7,94 triệu du khách quốc tế thì Thái Lan đón 30 triệu khách, Malaysia đón 26 triệu khách, Singapore đón 15 triệu khách, Indonesia đón 10 triệu khách... Nhiều yếu tố trụ cột của năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch, bao gồm môi trường hỗ trợ, cơ sở hạ tầng, tài nguyên văn hóa và tự nhiên... Việt Nam xếp sau đa số các nước ASEAN. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, chiến lược xúc tiến du lịch hiện nay chưa phù hợp, nhiều địa phương xúc tiến du lịch nhưng không xác định được thị trường trọng điểm, chưa phù hợp với những thói quen khác nhau của khách quốc tế, nhất là khách châu Âu. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đang đầu tư xây dựng 1.000 nhà vệ sinh mới để cải thiện môi trường, phục vụ du khách tốt hơn. 

Cùng nỗi băn khoăn này, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, cho rằng, Việt Nam có nhiều thắng cảnh đẹp, di sản thế giới, con người hiền hậu mà du lịch không thể phát triển. Khách quốc tế quay trở lại với Việt Nam rất thấp. Ngành du lịch chưa có chiến lược phát triển bài bản, vẫn loay hoay tìm đường và thiếu sự phối hợp với các ban ngành chức năng khác. Ngành du lịch giống như “ngôi sao cô đơn” vậy. 

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng thừa nhận, TPHCM còn tồn tại nhiều hạn chế. Nguyên nhân chính là do cơ chế và chính sách trong phát triển du lịch từ Trung ương đến địa phương còn nhiều bất cập. Riêng tình trạng kẹt xe đã gây ảnh hưởng đến tâm lý cho du khách, hệ thống giao thông công cộng còn nhiều vấn đề cần phải xử lý. Đồng chí Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan nghiên cứu ban hành các chính sách ưu đãi để kích cầu du lịch, đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nhà ga, bến cảng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ đối với du khách; cho thí điểm thành lập cảnh sát du lịch để giải quyết các vấn đề liên quan đến du lịch cũng như dẹp nạn chèo kéo, đeo bám du khách.

Du lịch và... “7 cái sợ”

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cảnh báo nguy cơ tụt hậu của du lịch Việt Nam và chỉ ra “7 cái sợ” của du khách khi du lịch Việt Nam: cướp giật, trộm cắp, chặt chém, kẹt xe và tai nạn giao thông, thái độ phục vụ, nhà vệ sinh và ô nhiễm môi trường. Phó Thủ tướng cho biết, vừa qua Thủ tướng cấp 200 tỷ đồng và giao cho Bộ Công an toàn quyền quyết định làm bằng được visa điện tử, đến đầu 2017 là cấp được cho một số thị trường trọng điểm. Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành đã xác định du lịch là ngành kinh tế trọng điểm thì phải làm cho đúng trọng điểm, tránh tình trạng bây giờ ủng hộ chung chung, những vấn đề kiến nghị cụ thể liên quan đến ngành mình thì lại khó. 

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ở Việt Nam nơi nào cũng có thể làm du lịch được nhưng không phải tất cả các địa phương đều là mũi nhọn mà phải phù hợp điều kiện từng địa phương. Muốn làm du lịch thành công phải đầu tư thể chế, chính sách, pháp luật tạo điều kiện. Cộng đồng làm du lịch, tạo ấn tượng tốt đẹp về người Việt Nam. Xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam gắn với hình thức quảng bá, xúc tiến. Nếu có cơ sở vật chất tốt nhưng chặt chém, bẩn thỉu thì không thể thu hút khách du lịch được. Thủ tướng cũng cho rằng, trước mắt địa phương nào có hướng phát triển du lịch mũi nhọn thì Chính phủ sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để xử lý. Về thành lập cảnh sát du lịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an làm đề án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, báo cáo Bộ Chính trị. 

Theo Thủ tướng, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, của toàn dân là nhân tố quyết định cho thành công của ngành du lịch. Vì vậy cần sự phối hợp chặt chẽ trong phát triển du lịch. Phát động tinh thần các địa phương, các cấp, ngành dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để phát triển du lịch táo bạo, mạnh mẽ hơn. Ngành du lịch Việt Nam phải đi đầu trong hội nhập quốc tế. Phát triển du lịch phải có tính chuyên nghiệp, có chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm. Vì vậy, theo Thủ tướng, phải đổi mới tư duy phát triển du lịch, tận dụng mọi điều kiện của người dân, doanh nghiệp, xã hội hóa để phát triển du lịch, trong đó có vấn đề phát triển nhưng giữ văn hóa truyền thống. Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ ngành phải tạo điều kiện tốt nhất để du khách nhập cảnh vào Việt Nam; cải tiến quy trình, tăng cường thông tin, thái độ phục vụ du khách. 

Thủ tướng cũng đồng ý thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, trong đó Ngân sách Nhà nước cấp ban đầu một khoản kinh phí cần thiết 200 - 300 tỷ đồng, sử dụng một phần từ lệ phí thị thực nhập cảnh, đóng góp doanh nghiệp, chủ thể hưởng lợi từ du lịch.

“Phát triển du lịch phải tính toán phát triển bền vững chứ không phải tạm thời trước mắt, không để lúc lên lúc xuống. Bền vững ở giữ gìn văn hóa, môi trường, đảm bảo quốc phòng an ninh, đặc biệt an toàn cho du khách. Không để du lịch thành bãi rác cho người dân dọn dẹp, không để dịch bệnh các nước lây lan từ du lịch ”

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC

Tin khác

Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Tại buổi họp báo thông tin về hoạt động quý II/2024 của ngành công thương TP.HCM, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T: thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cho giá trái cây tươi trong nước bất ngờ tăng vọt.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Báo cáo tài chính quý I/2024 của các hãng hàng không nội địa ghi nhận mức doanh thu tăng trưởng ấn tượng so với con số thua lỗ của cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Triển lãm Quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa lần thứ 4 tại Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 30/5 đến 2/6 tại TPHCM, quy tụ gần 200 gian hàng là các thương hiệu, sản phẩm.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu “hạt tiêu” trong hơn 20 năm qua. Mặc dù giá tiêu liên tục tăng, tuy nhiên giá mặt hàng này của nước ta lại xếp chót bảng so với các nước xuất khẩu trên thế giới.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 4/2024 ước đạt 520 triệu USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 4 tháng qua, xuất khẩu ngành hàng này mang về 1,804 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ.
Liên kết hữu ích