SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 01/11/2024
  • Click để copy

Nắm bắt thời cơ, doanh nghiệp tiên phong trong công nghệ xanh

15:27, 18/08/2023
Dịch chuyển xanh là xu thế bắt buộc của Việt Nam và thế giới, đó vừa là cơ hội vừa là thách thức cho doanh nghiệp, nhà khoa học. Doanh nghiệp tiên phong phát triển công nghệ xanh nếu nắm bắt tốt thời cơ sẽ nhận được lợi thế, lợi ích về thị trường, việc làm và môi trường.

Việc áp dụng công nghệ xanh đang dẫn đầu cuộc cách mạng công nghiệp mới, hướng tới tương lai bền vững và thịnh vượng.

Lợi thế của những doanh nghiệp tiên phong

Công nghệ xanh đang khuyến khích xu hướng tiêu dùng bền vững, thúc đẩy các thái độ sống ít tốn kém và phát thải. Thị trường công nghệ xanh đóng vai trò then chốt trong thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Qua đó, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh.

Nhu cầu và năng lực tiếp cận, hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp trên cả nước nói chung, Đà Nẵng nói riêng thời gian qua đang ngày càng tăng cao. Ông Nguyễn Tuấn Minh - Trưởng dự án Ahafast tại Đà Nẵng - kể lại hành trình Ahafast xây dựng nền tảng công nghệ số kết hợp với kinh tế xanh, trở thành dự án dẫn đầu vận tải xanh tại thành phố sông Hàn.

Ahamove là một ứng dụng giao hàng theo nhu cầu với nền tảng công nghệ hiện đại đưa ra dự án Ahafast – dự án tiên phong trong ứng dụng xe điện vào hoạt động vận hành kinh doanh thường ngày của Ahamove nhằm tối ưu năng suất và đem lại giá trị tích cực tới môi trường và xã hội.

“Đà Nẵng là thành phố tiên phong thử nghiệm dịch vụ Ahafast vào tháng 9/2022 trên ứng dụng Platform thuần 100% xe điện vào Logistics đầu tiên tại Việt Nam”, ông Nguyễn Tuấn Minh cho hay. Xu hướng thị trường công nghệ xe điện trên thế giới tăng trưởng 20 – 30%/năm. Thị phần xe điện Việt Nam khoảng 3%/tổng số phương tiện, kỳ vọng đạt 15% vào năm 2030.

4b2611c2a5da77842ecb

 Ông Dương Hoàng Văn Bản - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng - chia sẻ về công nghệ xanh, tương lai xanh.

Trong khi tháng 3/2023, GSM – Vinfast mới ra mắt dịch vụ, tháng 5 - 7/2023 các hãng Gojek, Dat bike, Grap, Baemin,… mới khai trương dịch vụ này. Xe điện Ahafast đưa vào thị trường trước đó đang có thể nhìn thấy lợi ích. Khi tài xế hãng xe điện này đang tăng 15% thu nhập hàng ngày so với xe xăng trước đây, 100.000 chuyến xe đã được thực hiện, 50% khách hàng trung thành với sử dụng dịch vụ; 3000 lượt cho khách du lịch thuê xe, 120.000 km xanh đối với xe máy/ô tô điện tự lái.

Đại diện Ahafast tại Đà Nẵng khẳng định: “Đà Nẵng là thành phố đầu tiên Ahamove thử nghiệm dịch vụ giao hàng 2 giờ tối ưu quãng đường di chuyển cho tài xế trước khi ứng dụng trên quy mô toàn quốc”. Nhờ các thuật toán, trong năm 2022, Ahamove tiết kiệm 1,5 triệu giờ làm việc ngoài đường cho tài xế trên quy mô toàn quốc và phần nào đó góp phần giảm phát thải CO2 (1700 tấn toàn quốc, 36 tấn ở Đà Nẵng).

Ưu thế tiên phong cũng giúp cho Ahafast có được một thị trường rộng mở, tạo ra tác động tích cực, có 48.000 khách hàng đã sử dụng và trải nghiệm thử các dịch vụ xe điện của Ahafast tại Đà Nẵng. Bên cạnh đó, công nghệ xanh Ahafast còn tạo ra việc làm cho 800 tài xế đăng ký mới tại Đà Nẵng, tăng so với trước khi ra mắt dịch vụ đạt 50%, thu nhập tăng 15% so với chạy xe xăng.

“Chúng tôi không đặt doanh thu, lợi nhuận lên hàng đầu mà vì sự phát triển của cộng đồng, xã hội. Chúng tôi tin rằng điện hóa là chìa khóa để doanh nghiệp vận tải có những bước phát triển bền vững và bước tiến xa hơn”, CEO Ahamove – ông Phạm Hữu Ngôn - cho biết.

DSC06742

 Ông Trần Anh Đông giới thiệu mô hình nông nghiệp tuần hoàn tại triển lãm kết nối cung cầu về công nghệ xanh.

Cũng là doanh nghiệp tiên phong trong kinh tế tuần hoàn tại Đà Nẵng, ông Trần Anh Đông - Giám đốc Công ty TNHH giải pháp điều khiển và tự động CAS - cho rằng: “Việt Nam có lợi thế nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, là trung tâm sản xuất và dịch vụ của nhiều tập đoàn đa quốc gia. Nền nông nghiệp truyền thống và lâu đời, đòn bẩy chính sách dịch chuyển xanh đã và đang dần hình thành. Theo đó, những doanh nghiệp tiên phong trong dịch chuyển xanh cũng sẽ nhận được những lợi thế như: Chi phí thấp hơn, lợi ích nhiều hơn”.

Tuy CAS còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, khó tiếp cận nguồn hỗ trợ của thành phố; thiếu nhân lực có chuyên môn, tay nghề. Nhưng với lợi thế tiên phong, CAS gây dựng thương hiệu của mình với công nghệ xanh trở thành doanh nghiệp tiên phong trong ứng dụng công nghệ xanh được ghi nhận thuộc TOP 50 doanh nghiệp phát triển bền vững 2023.

Kinh nghiệm thực chiến từ nghiên cứu đến sản xuất

“Kho tàng trên thế giới này nằm ở ý định. Bởi vì những điều hay và tốt trên thế giới thường dừng lại ở ý định mà không thể thực hiện được vì những người lười”, tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng - Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ Hóa học Vật liệu, trường Đại học Công nghiệp TP.HCM - nói về hành trình từ nghiên cứu xơ dứa, sợi chuối thành vải đạt tiêu chuẩn dệt may quốc tế đến khi xuất khẩu sản phẩm của mình.

Nhà khoa học nữ vui vẻ truyền lửa nghiên cứu và khởi nghiệp từ công nghệ xanh với câu chuyện nghiên cứu sợi chuối và xơ dứa làm vải đáp ứng tiêu chuẩn ngành may mặc được nghiên cứu thành công vào tháng 3/2022.

Theo nữ tiến sĩ,  công nghệ sản xuất vải từ các phế phẩm nông nghiệp là giải pháp được các hội may nghiên cứu từ cách đây hàng chục năm trước. Tuy nhiên, đó chỉ là góc nhỏ đề tài, mỗi một đề tài khảo sát ra một số yếu tố mà không được lắp ghép với nhau thành một trang tổng thể dẫn đến nghiên cứu nhiều năm ở trong ngăn kéo.

DSC06751

 Vải làm từ xơ dứa và sợi chuối của Công ty Cổ phần nghiên cứu sản xuất và phát triển sợi ECO Nghệ An được giới thiệu tại TP Đà Nẵng. Hiện đầu ra xuất bán vải cho Nhật Bản và đang được nghiên cứu để tiết giảm chi phí sản xuất.

Tiến sĩ Phượng nhận thấy bản thân có nhiệm vụ hoàn thiện quy trình và phải đưa ra được sản phẩm thương mại hóa. “Bệnh nghề nghiệp” thôi thúc bà giải thích mọi thứ bằng bản chất hóa học, đó là tất cả những gì trong xơ sợi có xenlulo đều có thể sản xuất thành vải. Vấn đề khi sản xuất ra giá thành sẽ thế nào.

Bà bắt tay vào sưu tầm, thiết kế máy tước xơ, làm từ máy nhỏ đến máy lớn, đam mê thiết bị dường như cũng đã giúp cho bà sớm tìm ra quy trình đạt chuẩn. Từ chỗ tìm ra quy trình, bà tiếp tục tìm ra cách nghiên cứu về hợp chất màu sợi tự nhiên.

Sợi chuối và xơ dứa thay thế những loại sợi gốc dầu như nylon, polyester, acrylic… với các hóa chất không thể tái tạo thì sợi chuối, xơ dứa làm vải sẽ giúp giảm áp lực tài nguyên vì cây cần ít nước để phát triển từ đó thúc đẩy lối sống bền vững. “Ngay sau khi khảo sát tại Nghệ An trở về TP.HCM làm nghiên cứu, người nông dân và địa phương đã luôn chờ tôi trở lại để tạo ra nhiều việc làm cho bà con”, bà Phượng nói.

Chuối – loại cây chỉ ra hoa kết trái một lần trong đời. Phần thân chuối sau khi lấy buồng sẽ bị vứt bỏ và trở thành chất thải nông nghiệp. Bình quân, một người tiêu thụ 12 kg chuối/năm, khối lượng thân chuối bị vứt bỏ là khổng lồ.

Tấm vải từ sợi chuối Việt Nam có thể tự hào ưu thế khác biệt với sợi chuối các nước khác với đặc tính mềm, mịn, bóng vừa phải, là chất liệu thực vật lý tưởng thay thế lụa tơ tằm, có nhiều đặc điểm quý của lụa. Không cần ủi, vải từ chuối vẫn giữ nguyên dáng vải ngay cả khi được giặt nhiều lần.

ff643dcefdd62f8876c7

 Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Phượng nói về hành trình từ nghiên cứu xơ dứa, sợi chuối thành vải đạt tiêu chuẩn dệt may quốc tế.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam có khoảng 150.000 ha chuối và 47.000 ha dứa. Phần thân thường bị chặt, vứt bỏ sau khi thu hoạch. Việc ứng dụng công nghệ xanh vào sản xuất vải từ 2 loại cây này chẳng những giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà khả năng khoảng 25 triệu tấn thân chuối và dứa tại nước ta nếu được sử dụng triệt để sản xuất vải ước tính tạo ra 1 tỷ USD/năm.

Bà Phượng cho biết nếu Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng chào đón, bà sẽ hỗ trợ để Đà Nẵng phát triển sản phẩm từ cây bàng trở thành sản phẩm đặc trưng của thành phố trong tương lai.

Xác định rõ vai trò công nghệ xanh, giải pháp bền vững bảo vệ tài nguyên và môi trường để phát triển thành phố đáng sống Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa – du lịch bền vững. Ông Dương Hoàng Văn Bản – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng - nhấn mạnh: “Doanh nghiệp không chỉ là nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ mà còn là nơi phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo. Tinh thần chủ động trong ứng dụng và phát triển công nghệ xanh. Đà Nẵng đang tìm kiếm những doanh nghiệp tận tâm, có trách nhiệm với môi trường và cam kết ứng dụng công nghệ xanh vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng ngày”.

Đồng thời, đại diện Sở khẳng định sẵn lòng hỗ trợ và đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các giải pháp sáng tạo, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và tạo ra môi trường làm việc thông minh và tiết kiệm năng lượng.

Tuy lợi thế như vậy, nhưng hiện thị trường công nghệ xanh cả nước nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng từng bước hình thành và phát triển còn thiếu vắng các tổ chức trung gian mạnh. Nhất là các tổ chức có năng lực về tư vấn, định giá, xúc tiến, kết nối chuyển giao công nghệ cũng như các tư vấn viên, môi giới chuyên nghiệp để hỗ trợ giao dịch trong mua bán hàng hóa công nghệ xanh.

Để kiến tạo giá trị chung bền vững ông Trần Anh Đông – Giám đốc Công ty CAS - đề xuất: “Khi các start up doanh nghiệp là nơi đưa ra các giải pháp, sản phẩm đổi mới sáng tạo xanh thì chính quyền cần tạo cơ hội để doanh nghiệp đặt hàng, thử nghiệm, có cơ chế khuyến khích tham gia vào nghiên cứu. Các trường Đại học, cơ sở đào tạo cần tiếp thêm nguồn nhân lực chất lượng, hỗ trợ kinh nghiệm thực chiến, khuyến khích tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp”.

Bảo Hòa

Tin khác

Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - Đêm Đại nhạc hội của chương trình chào tân sinh viên Premiere 2024: Emoland đã chính thức diễn ra tại Hội trường C - Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Chương trình đã thu hút sự tham gia đông đảo của các bạn sinh viên.
Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - Anh Nguyễn Huy Hoàn (SN 1981) tìm người thân, quen là chị Nguyễn Thị Hồng Lam (SN 1978) quê ở Nghệ An và con gái Nguyễn Thị Anh Thư (SN 2013).
Tin tức 15 giờ trước
(SHTT) - Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi các đơn vị có liên quan liên quan trong ngành hàng không về tăng cường công tác về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm qua đường hàng không liên quan đến nhân viên hàng không.
Tin tức 15 giờ trước
(SHTT) - Ngày 31/10/2024, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay” đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia và cán bộ làm công tác tư tưởng, lý luận từ khắp cả nước.
Tin tức 21 giờ trước
(SHTT) - Huyện Lang Chánh xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, khau đột phát để Lang Chánh phát triển.Thời gian qua, công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm sâu sắc, chỉ đạo triển khai, thực hiện.