M&A: Thách thức và cơ hội cho các doanh nghiệp SME
Hiện nay, hình thức M&A đang mang lại cho doanh nghiệp rất nhiều cơ hội mới nhờ vào việc mở rộng thị phần, nâng cao quy mô doanh nghiệp, tối ưu hóa nhân sự, cải thiện tình hình tài chính, tận dụng công nghệ có sẵn… Tuy nhiên, mặt khác, doanh nghiệp cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách trong các thương vụ M&A.
Chính vì thế, với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề tại TP.HCM cập nhật kiến thức về lĩnh vực này, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) và Trường Đại học Hoa Sen (HSU) mới đây đã tổ chức buổi hội thảo chuyên đề: “M&A – Thách thức và Cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Chương trình đã thu hút được sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây cũng là một trong số các sự kiện tiếp nối chuỗi hội thảo tập huấn doanh nghiệp do 2 đơn vị phối hợp tổ chức, nhằm cập nhật xu hướng và chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp tại TP.HCM về lĩnh vực này, đồng thời hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển vòng kết nối giữa Giảng viên, Học viên các khối ngành Thạc sĩ và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Tại hội thảo, diễn giả Nguyễn Hoàng Dương chia sẻ Mergers (Sáp nhập) là hình thức liên kết giữa các doanh nghiệp thường có cùng quy mô với nhau để tạo ra một doanh nghiệp mới. Công ty bị sáp nhập chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập để trở thành một công ty mới.
Trong khi đó, Acquisitions (Mua lại) là hình thức kết hợp mà doanh nghiệp lớn sẽ mua các doanh nghiệp nhỏ và yếu hơn, các doanh nghiệp bị mua lại này vẫn giữ tư cách pháp nhân cũ và doanh nghiệp mua lại sẽ có quyền sở hữu hợp pháp đối với doanh nghiệp mình mới mua.
Có nhiều lý do để các doanh nghiệp quyết định lựa chọn M&A, bao gồm: việc giúp tăng giá trị doanh nghiệp, tạo ra giá trị tăng thêm (giá trị cộng hưởng) nhờ giảm chi phí, mở rộng thị phần, tăng doanh thu hoặc tạo ra cơ hội tăng trưởng mới. Giá trị cộng hưởng sẽ giúp cho hoạt động kinh doanh hiệu quả và giá trị doanh nghiệp sau M&A được tăng lên.
M&A cũng giúp nâng cao quy mô doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp thâm nhập được vào thị trường mới, có thêm dây chuyền sản xuất, có sản phẩm mới hoặc mở rộng phạm vi phân phối, mở thêm chi nhánh, các dự án… giúp quy mô doanh nghiệp tăng. M&A giúp giảm chi phí nhân lực, cải thiện nguồn lực tài chính và nâng cao trình độ công nghệ - kỹ thuật cho bản thân doanh nghiệp.
Một số lý do khác nữa cũng có thể thúc đẩy M&A diễn ra mạnh hơn như: chủ doanh nghiệp muốn nghỉ hưu, giảm tải nhưng không có người thân tiếp quản, hoặc muốn đầu tư vào lĩnh vực khác có mức sinh lời cao hơn, hết khả năng quản lý…
Các diễn giả tham gia hội thảo cũng cho hay, hoạt động M&A thường được phân loại theo 3 hình thức: M&A chiều ngang, tức là các doanh nghiệp cung cấp các dòng sản phẩm và dịch vụ giống nhau hoặc tương tự cho người tiêu dùng cuối cùng. Họ có cùng ngành, cùng giai đoạn sản xuất và thường là đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Trong khi đó, M&A chiều dọc là hình thức mà các doanh nghiệp có cùng chuỗi giá trị sản xuất, cùng một dịch vụ nhưng khác giai đoạn sản xuất; M&A kết hợp là hình thức mua bán và sáp nhập để hình thành nên các tập đoàn.
Đại diện các doanh nghiệp đến tham dự hội thảo đã tham gia thảo luận và chia sẻ về những thách thức, rủi ro, chi phí phát sinh, thủ tục hành chính, quyền sở hữu doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, nhân viên trong quá trình mua bán và sáp nhập doanh nghiệp.
Dịp này, trường Đại học Hoa Sen cũng giới thiệu và tri ân đội ngũ Giảng viên – Doanh nhân đã luôn đồng hành trong các chương trình cao học của trường. Các thầy, cô và các chuyên gia uy tín trong ngành thường xuyên tham gia cố vấn và giảng dạy các chương trình sau đại học. Gắn liền với phương châm đào tạo “thực chiến” và khai phóng, học viên sẽ có thêm cơ hội được trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia đầu ngành cũng như mở rộng kết nối chuyên nghiệp.
Đinh Nam