Lục Yên: Trao quyền sử dụng nhãn hiệu cho 3 sản phẩm nổi tiếng
Không chỉ nổi tiếng là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, điểm du lịch hấp dẫn, huyện Lục Yên còn nổi tiếng với nhiều sản vật, đặc sản nổi tiếng. Nhờ những nỗ lực phấn đấu trong đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ, thời gian vừa qua, các cơ sở sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lục Yên đã tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng, được thị trường và người tiêu dùng ưa chuộng. 3 sản phẩm nổi bật là: khoai tím, cá bỗng và tranh đá quý. Đây đều là những sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa.
Ở vùng đất Lục Yên, củ khoai môn (còn gọi là khoai tím, khoai mán, khoai sọ núi) được đánh giá cao trong văn hóa ẩm thực của đồng bào địa phương. Dù được trồng ở nhiều vùng quê, song khoai môn trồng trên đất Lục Yên lại được đánh giá cao về độ bùi, thơm và có hương vị đậm đà. Cùng dòng với khoai sọ nhưng khoai môn Lục Yên có màu tím lạ mắt từ vỏ đến ruột, hoặc ruột trắng có nhiều chấm nhỏ màu tím rất đẹp mắt.
Khác với những giống khoai môn ở miền xuôi, chỉ ưa trồng trên đất ruộng, đất bãi giàu mùn, tơi xốp, khoai môn Lục Yên không hề kén đất, có khả năng chịu được hạn cao, ít bị sâu bệnh và có thể trồng xen với các loại cây khác. Hàng năm, sau Tết Âm lịch, bà con người Tày, người Dao, người Xá tại Lục Yên bắt đầu đặt mầm khoai trên nương và những hốc đất nơi núi đá. 9 tháng sau, vào đầu mùa đông, khi lá khoai đến độ vàng héo cũng là lúc bà con bước vào mùa thu hoạch. Mỗi cây khoai môn chỉ cho một củ cái, củ nhỏ nặng chừng 6 - 7 lạng, củ to có thể lên tới gần 2kg.
Từ củ khoai có màu sắc tím đẹp, độ dẻo cao, người Lục Yên có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như chè khoai môn, khoai môn chiên, bánh khoai môn, khoai hầm canh xương, xôi khoai... Món nào cũng toát lên được độ béo, độ dẻo, mùi thơm, bở và hương vị đặc trưng của khoai.
Cá bỗng Lục Yên cũng là một trong những đặc sản được nhiều người biết đến. Loài cá này có nguồn gốc từ sông Chảy, là dòng cá "tiến vua”, sống thân thiện với con người và tuổi thọ cao nên người Tày Lục Yên coi cá bỗng như một đặc sản quý. Trước đây, cá bỗng chỉ được nuôi dùng để thiết đãi khách quý hoặc vào những dịp đặc biệt như lễ, tết… bà con mới bắt cá về chế biến thành món ăn. Song, để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều hộ nông dân ở các xã: Tân Lập, Khánh Thiện, Lâm Thượng, Mường Lai, Khai Trung… hiện phát triển nghề nuôi cá bỗng, góp phần nâng cao đời sống.
Không chỉ vậy, Lục Yên được gọi là vùng đất ngọc, nằm trên đá quý. Nơi đây sở hữu những loại đá đa dạng với chất lượng tuyệt vời như: Ruby, Sapphire, Spinel, Tuocmaline… Đây cũng là nơi tìm thấy những viên đá quý nhất Việt Nam với kích cỡ không đâu có được. Đá Lục Yên được đánh giá là đẹp với nhiều màu sắc phong phú, đa dạng. Tận dụng những mảnh vụn dồi dào từ mỗi vụ khai thác hoặc khi chế tác đá, thêm sự tài hoa của các nghệ nhân nơi đây, đã cho ra đời những bức tranh đá quý tinh tế và sinh động, được đông đảo những người chơi tranh trong và ngoài nước đón nhận.
Tranh đá Lục Yên được làm hoàn toàn từ đá quý tự nhiên, tuy chỉ là đá vụn (gọi là đá mắt tôm) và keo dính, nhưng để cho ra đời một tác phẩm có hồn thì đòi hỏi rất nhiều công sức. Ban đầu, tranh Lục Yên thường sử dụng các mẫu tranh có sẵn, tranh dân gian như Đông Hồ, Hàng Trống, những chiếc đĩa, quạt có thư pháp... dần dần xuất hiện những bức tranh đá quý khổ lớn, thậm chí mô phỏng theo những tuyệt tác của thế giới, thuyết phục cả những khách hàng khó tính nhất.
Hương Mi