Khó khăn ngôi trường 'đặc biệt' 15 năm không có giáo viên nữ ở Xứ Thanh
Thôn Mười của khu Son - Bá - Mười, xã Lũng Cao (Bá Thước, Thanh Hóa), là địa danh nổi tiếng khó khăn của huyện Bá Thước, nơi đây cách trung tâm xã khoảng chừng 13km, cách thị trấn Cành Nàng khoảng 30km. Tại đây có một ngôi trường đặc biệt, mang tên Trường TH&THCS Cao Sơn với 15 năm không có bóng dáng nữ giáo viên.
Khó khăn trăm bề trước thềm năm học mới
Trước đây, để lên được Cao Sơn, phải đi bộ nửa ngày vượt núi trên con đường đất độc đạo. Đến nay, quãng đường từ trung tâm xã Lũng Cao lên tới trường đường đèo dốc, xuống cấp, tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm. Về mùa mưa, đường đi tới trường càng khó khăn, trắc trở hơn, đá có thể lăn và cũng có thể sạt lở bất cứ lúc nào. Trước đây, chủ yếu do đường sá đi lại khó khăn, để cắm bản được là cả một vấn đề nan giải nên các nữ giáo viên được ưu tiên dạy ở điểm trường gần, còn điểm trường vất vả như ở đây thì được giao cho các thầy. Có lẽ, đó cũng chính là lý do 15 năm qua, trường thiếu bóng dáng nữ. Cung đường tới trường đèo dốc tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đời sống còn nhiều khó khăn nên không có giáo viên nữ gắn bó với trường được.
Trường được thành lập ngày 13/8/2008 với Quyết định của Chủ tịch UBND huyện Bá Thước về việc thành lập trường Phổ thông Cao Sơn – xã Xã Lũng Cao. Trường được tách từ trường THCS Lũng Cao và trường TH Lũng Cao 1.
Ngày 1/6/2021, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước đã có quyết định đổi tên trường Phổ thông Cao Sơn thành trường TH&THCS Cao Sơn. Hiện tại, trường có 15 cán bộ, giáo viên, nhân viên, 9 lớp với 126 học sinh đều là đồng bào dân tộc thiểu số, hầu hết thuộc gia đình hộ nghèo và cận nghèo.
Tổng số học sinh nghèo của nhà trường tính tới thời điểm tháng 8/2023 là 71 em, học sinh cận nghèo có 50 em. Các em học sinh chủ yếu phải đi bộ từ nhà tới trường với khoảng cách xa nhất là khoảng 4km, một số em được bố mẹ đưa đón bằng xe máy.
Các thầy chẳng khác gì cảnh gà trống nuôi con, là người thầy, người cô, người cha, người mẹ dìu dắt các em về với con chữ để thành người. Các thầy tự làm hết mọi việc từ trồng rau, khâu vá đến nấu ăn, rửa bát… Đồng bào nơi đây, cũng như học sinh đã quen thuộc với hình ảnh ngôi trường chỉ có các thầy. Bà con Cao Sơn coi các thầy như người nhà, động viên, chia sẻ với các thầy bằng những mớ khoai, ngô, rau rừng…
Khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, và tình trạng thiếu giáo viên
Thấu hiểu được sự khó khăn vất vả của nhà trường, huyện Bá Thước đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ nên trường TH&THCS Cao Sơn đã có nhiều đổi thay.
Cụ thể, huyện đã đầu tư xây mới 6 phòng công vụ, kêu gọi nhà hảo tâm xây mới một phòng học cấp 4. Năm 2021, huyện Bá Thước đã đầu tư tu sửa phòng học, lắp đặt hệ thống điện ở 7 phòng học, văn phòng và phòng thư viện thiết bị; Tu sửa 2 nhà vệ sinh. Cũng trong năm này, Phòng GD&ĐT huyện Bá Thước đã đầu tư lắp mới biển cổng trường.
Tiếp đến năm 2022, huyện đã đầu tư mua sắm đồ dÙng thiết bị cho lớp 2 cũng như kêu gọi tài trợ cho nhà trường được 3 phòng học lắp ghép, xây dựng 1 phòng Tin học với 17 máy tính mới. Trong năm 2023, Phòng GD&ĐT huyện đã kêu gọi các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm lắp đặt cho khu nhà công vụ giáo viên 10 giường và 10 bộ chăn ga gối đệm, đầu tư xây mới 4 phòng ở công vụ.
Ông Hà Tự Nhiên, Trưởng phòng giáo dục huyện cho rằng, với sự quan tâm đầu tư của huyện Bá Thước nên trong những năm gần đây, nhà trường có sự thay đổi rõ rệt về cơ sở vật chất. Đặc biệt, từ năm học 2021 – 2022, tất cả các phòng học đã được lắp đặt hệ thống điện lưới quốc gia, hiện tại trường cơ bản đã có đủ phòng học chính khóa cho học sinh. Học sinh có phòng học Tin học, hầu hết các vị trí trong khuôn viên của trường đã được phủ sóng wifi, có 4 lớp học được lắp ti vi và 4 lớp học lắp máy chiếu; Các giáo viên đã có phòng xây an toàn để ở và làm việc.
Đặc biệt, về việc luân chuyển giáo viên, Phòng GD&ĐT huyện Bá Thước đã tham mưu cho UBND huyện. Theo đó, năm học 2021 – 2022, Phòng đã tham mưu cho 2 thầy (thầy Hoàng Văn Tuyên và thầy Hà Văn Tưởng) công tác lâu năm xuống vùng dưới gần gia đình. Năm học 2022 – 2023, Phòng đã tham mưu cho 3 thầy Trương Văn Khánh, thầy Hà Văn Thảo và thầy Hà Văn Nghị.
Hiện tại, nhà trường đang thiếu Phó Hiệu trưởng, đội ngũ giáo viên thiếu về biên chế và thiếu về cơ cấu bộ môn, không có giáo viên môn Khoa học tự nhiên, Tin học, Công nghệ, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Âm nhạc, Nghệ thuật, nhân viên thiết bị, thư viện, y tế… Trước thềm năm học mới, Phòng đã báo cáo UBND huyện và các phòng chức năng của huyện đang tiến hành các bước để bổ sung Phó hiệu trưởng cho nhà trường và đang tuyển dụng giáo viên mới.
Tuy được huyện Bá Thước đặc biệt quan tâm nhưng nhà trường còn nhiều khó khăn, cần sự chung tay xây dựng của các cấp các ngành. Thầy Nguyễn Thế Tài - Hiệu trưởng trường TH&THCS Cao Sơn cũng bày tỏ mong muốn: "Trong năm học mới bổ sung Phó Hiệu trưởng, có thêm giáo viên dạy các môn đang thiếu. Được cung ứng kịp thời đồ dùng thiết bị dạy học lớp 3, 4, 7, 8 và có chế độ đãi ngộ đặc biệt cho các thầy công tác tại trường".
Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, những năm qua, các thầy giáo tại ngôi trường “đặc biệt” này còn đối diện với cuộc sống bấp bênh vì lương bổng ít ỏi, đặc biệt là những thầy giáo mới về đây công tác. Vì vậy, rất cần sự quan tâm của các Bộ, ban, ngành để đưa ra những chính sách, chế độ đãi ngộ cho các cán bộ, giáo viên, nhân viên nơi đây, để họ có thể yên tâm gắn bó với nghề, đóng góp sức mình cho sự nghiệp giáo dục của quê hương, đất nước, với niềm tin "Giáo dục và đạo tạo là quốc sách hàng đầu".
Nguyễn Khang
TIN LIÊN QUAN
-
Bão Fair, một trong những cơ hội hiếm hoi được định hướng nghề nghiệp đầy 'chất lượng' của các bạn trẻ
-
Ra mắt nền tảng kỹ thuật số và phần mềm định giá IP tiên phong của ASEAN
-
Đà Nẵng: Hợp tác phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo học sinh sinh viên
-
Điểm đầu vào ngành báo chí 2023: Trên 9 điểm/môn mới trúng tuyển!