Hà Nội: Hệ thống di tích lịch sử văn hoá đồ sộ, hàm chứa nhiều giá trị nhân văn
Di tích lịch sử - văn hóa (LSVH) là một bộ phận quan trọng cấu thành nên hệ thống di sản văn hóa của dân tộc. Theo Luật Di sản văn hóa, di sản văn hóa vật thể là “sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học”, di tích LSVH là “công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học”.
Di tích LSVH là sản phẩm vật chất mà các thế hệ trước truyền lại đến ngày nay, tuy nhiên, các sản phẩm này không phải là sản phẩm vật chất thông thường mà là các sản phẩm được kết tinh những giá trị điển hình về lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện những tinh hoa đỉnh cao, của trí tuệ, sức sáng tạo của các thế hệ đi trước trong những sản phẩm đó.
Trong xã hội hiện nay, các di tích được gìn giữ, bảo vệ góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá của dân tộc, bên cạnh đó, các giá trị của chúng cũng được khai thác, phát huy giá trị đáp ứng nhu cầu của người dân. “Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của Nhân dân ta” (Phần mở đầu, Luật Di sản văn hoá).
Cùng với các nguồn lực khác, các di tích LSVH trên cả nước đã và đang được quản lý, khai thác, phát huy giá trị góp phần quan trọng để phục vụ sự phát triển cộng đồng, phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ, nâng cao đời sống văn hóa của người dân.
Thăng Long - Hà Nội là Thủ đô ngàn năm văn hiến, với bề dày lịch sử truyền thống. Trải qua thời gian đã hình thành ở nơi đây một hệ thống di sản văn hóa vô cùng đặc sắc, đa dạng, phong phú với nhiều loại hình, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Trong đó, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa - cách mạng, các kiến trúc cổ, các danh lam thắng cảnh đa dạng, phong phú và giàu giá trị.
Tính đến nay, theo số liệu thống kê, Hà Nội có 5.922 di tích LSVH, trong đó có 21 di tích - cụm di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt; 1.182 di tích được xếp hạng là di tích cấp thành phố; 1 di sản văn hóa thế giới; 1 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh. Trong các di tích này còn có một số di vật đã được công nhận là Bảo vật quốc gia như hệ thống 82 bia đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám; tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Quan Thánh (quận Ba Đình), các pho tượng Phật thời Tây Sơn ở chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất), chuông Nhật Tảo ở đình Nhật Tảo (quận Bắc Từ Liêm); tượng đôi sư tử đá và khám thờ gỗ sơn son thếp vàng tại đền - chùa Bà Tấm (huyện Gia Lâm) …
Các di tích LSVH được phân bổ trên địa bàn các quận, huyện, trong đó một số địa phương có số lượng di tích lớn như huyện Thường Tín (440 di tích), huyện Ứng Hòa (433 di tích), huyện Ba Vì (394 di tích), huyện Chương Mỹ (374 di tích), huyện Phú Xuyên (345 di tích), huyện Sóc Sơn (341 di tích)… Các quận nội thành do tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích không lớn, nên số lượng di tích có phần kiêm tốn hơn, cụ thể như quận Thanh Xuân (29 di tích), quận Ba Đình (47 di tích), quận Cầu Giấy (49 di tích), quận Hai Bà Trưng (51 di tích), quận Hoàn Kiếm (66 di tích)…
Điều đặc biệt, hệ thống di tích LSVH của Thủ đô có đầy đủ cả 4 loại hình theo quy định của Luật Di sản văn hoá, cụ thể:
Loại hình di tích lịch sử: tiêu biểu như Ngôi nhà 5D Hàm Long (nơi thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hà Nội, tháng 3/1929), Ngôi nhà 90 Thợ Nhuộm (nơi đồng chí Trần Phú khởi thảo Luận cương cách mạng tư sản dân quyền, 10/1930), hay các di tích liên quan đến thời kỳ cách mạng tháng 8/1945: nhà số 48 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm) - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Bản Tuyên ngôn độc lập, Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (quận Ba Đình) …
Loại hình di tích khảo cổ: như thành Cổ Loa, Hoàng thành Thăng Long…
Loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật: có thể nói, đây là loại hình di tích chiếm số lượng lớn nhất tại Thủ đô Hà Nội, hàm chứa nhiều giá trị văn hóa, là các địa điểm thu hút được sự quan tâm của đông đảo du khách tiêu biểu như đình Tây Đằng, chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Bối Khê, đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà hát Lớn…
Danh lam thắng cảnh: Thăng Long - Hà Nội có nhiều cảnh đẹp nhưng xếp vào loại thắng cảnh của Thủ đô thì tiêu biểu là Hồ Gươm và Hồ Tây, “Nam thiên đệ nhất động” - Khu danh thắng Hương Sơn tại huyện Mỹ Đức…
Di tích LSVH là “các tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa”, hội tụ những tinh hoa văn hóa của các thế hệ tích tụ lại, phản ánh những nét văn hóa truyền thống đậm nét của dân tộc, thông qua đó tạo ra những nét bản sắc riêng có của Thủ đô, của đất nước, mà không một nền văn hóa nào trên thế giới có thể nhầm lẫn.
Với các di tích LSVH trên, Hà Nội được xem là một trong những Thủ đô có hệ thống di tích LSVH đồ sộ, đa dạng, thuộc nhiều giai đoạn lịch sử và hàm chứa nhiều giá trị nhân văn nhất trên thế giới.
Phạm Văn Tài
TIN LIÊN QUAN
-
Khu vực hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hà Nội được công nhận là khu du lịch cấp Thành phố
-
Festival Âm nhạc Trung Quốc - ASEAN 2023: Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam tham dự với 60 nghệ sĩ
-
Hà Giang: Cao nguyên đá Đồng Văn lần 3 đón danh hiệu Công viên Địa chất Toàn cầu
-
Hà Nội: Điểm đến thành phố ẩm thực mới nổi tốt nhất châu Á năm 2023