SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Giữ hồn nghề dệt thổ cẩm ở làng Teng trở thành di sản văn hóa phi vật thể Quốc Gia

06:57, 30/09/2019
(SHTT) - Làng Teng (xã Ba Thành, Ba Tơ, Quảng Ngãi) từ lâu vẫn thường rộn lên tiếng khung cửi. Thổ cẩm của làng sau một thời gian dài dường như đã “ngủ quên” trên ngọn nương, con rẫy. Nhưng rồi, thổ cẩm của làng đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê.

Có những bàn tay tài hoa đang ngày ngày âm thầm đánh thức khung cửi truyền thống của dân tộc mình, giữ màu cho nghề dệt truyền thống của người H’rê trên mảnh đất này.

Thăng trầm nghề dệt truyền thống

Tối 25/9, UBND H.Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã tổ chức lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê ở thôn Làng Teng (xã Ba Thành, H.Ba Tơ, Quảng Ngãi).

Theo già Phạm Thị Triều (63 tuổi) cho biết, thì nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người H’rê ở đây đã có từ thời xa xưa. Theo thời gian và những biến thiên của lịch sử, đặc biệt là qua thời kỳ chống Pháp đến thời chống Mỹ, nghề dệt thổ cẩm của bà con nơi đây đã bị mai một rất nhiều. Nhiều khung cửi ngày xưa đã bị hư hỏng, hay được bà con cất giữ lâu ngày mối một không dùng được nữa. Trong khi đó nguồn nguyên liệu đặc trưng để dệt thổ cẩm của người H’rê bây giờ không còn nữa. Ngày xưa, để có tấm thổ cẩm, đồng bào phải tận dụng bãi bồi ven sông Liêng trồng cây vải lấy bông se sợi. Rồi, vào núi tìm rễ cây nhiều màu về nhuộm vải. Còn bây giờ, cây bông vải đã nhường chỗ cho một số loại cây kinh tế như mì, bắp, đậu, mía nên bà con muốn dệt vải phải mua chỉ sợi, không hợp với thổ cẩm truyền thống nữa.

129

Nghề dệt thổ cẩm đã được hồi sinh và tạo việc làm cho nhiều người dân H’rê nơi đây. 

Từ ngày làng không còn mấy ai theo được nghề truyền thống, nhưng một số người già trong làng vẫn kiên quyết không bỏ khung cửi. Vì thổ cẩm là mặt hàng rất khó để tiêu thụ, nên nhiều người trong làng khi dệt xong một tấm thổ cẩm phải dùng đôi chân của mình đưa thổ cẩm tới từng bản làng để bán. Ban ngày mọi người đi làm nên phải đi bán vào buổi tối, trời sáng mới trở về nhà, vất vả vô cùng. Già Triều cho biết: “Hồi đó, không được dệt, mình buồn và nhớ cái khung cửi lắm! Nhưng phải đánh hết thằng Mỹ thì dệt thổ cẩm mới đẹp được. Rồi giặc hết, mình lại trở về bên khung cửi và nuôi bốn người con khôn lớn bằng nghề dệt thổ cẩm của mình. Giờ đây, khi các con đã có gia đình riêng, nhưng mình vẫn sống chủ yếu vào nghề dệt thổ cẩm thôi!”.

Vừa luôn tay luồn chỉ sợi vào khung cửi, già Triều cởi mở: “Hồi ấy mới dệt trở lại, để bán được một tấm thổ cẩm thì cái chân phải đi nhiều nhưng mình vui vì nhiều đồng bào mình vẫn còn yêu thổ cẩm lắm. Họ còn thích mặc đồ truyền thống của dân tộc nhất là khi lên rừng lên rẫy hay đến mùa lễ hội. Bán thổ cẩm cũng có tiền nên mình mua được nhiều bò và nhiều heo nhờ thổ cẩm đấy. Nay mình hết đói, hết nghèo rồi”. Còn chồng già Triều thì cười: “Yàng cho nó cái chân khỏe, cái tay khéo và cái bụng tốt nên nó dệt đẹp và đưa thổ cẩm làng mình đi khắp nơi, cái bụng nó lúc nào cũng chỉ có thổ cẩm thôi. Nhưng người làng khác cũng thích thổ cẩm lắm đấy!”.

137

Già Triều với sản phẩm dệt thổ cẩm của mình. 

Để dệt được tấm thổ cẩm, bà con nơi đây phải đến các quầy bán hàng tạp hóa mua chỉ màu. Mỗi kg chỉ màu đen có giá 125.000 đồng, cộng 1-2 lạng chỉ màu khác có thể dệt được 2 tấm kàtu. Để có một tấm kàtu thành phẩm, phải mất thời gian từ 2 - 3 ngày dệt liên lục. Vất vả nhiều nhưng mỗi tấm kàtu bán được từ 300.000 - 350.000 đồng. Giá thành tính ra cũng khá  đắt, nhưng cuộc sống của đồng bào vùng cao Ba Tơ hôm nay khá giả hơn trước, nên bà con ai cũng muốn mình có một chiếc váy đẹp mặc trong dịp Tết cổ truyền dân dộc hay ngày lễ, ngày hội.

Giữ màu cho nghề dệt

Chị Phạm Thị Sinh, một người H’rê nhưng rất khéo buôn bán và là người đưa những tấm thổ cẩm của bà con nơi đây đi rất xa khắp trong nam ngoài bắc chia sẻ: “Nghề dệt của làng mình giờ đang hồi sinh lại rồi. Nhiều khung cửi của bà con đã bắt đầu hoạt động lại rồi. Cuộc sống bà con bây giờ khá giả hơn trước nên bà con đòi hỏi màu sắc phải phù hợp, đường dệt phải đều phải đẹp hơn thì mới bán được. Nhiều người dưới xuôi, hay cả người nước ngoài thích những tấm thổ cẩm này lắm. Mình cũng bảo bà con làm nhiều sản phẩm hơn như khăn quàng, túi xách… để dễ bán hơn!”.

Phụ nữ ở Làng Teng hiện nay, ngoài việc làm đồng, thì hầu hết từ già đến trẻ đều biết nghề dệt thổ cẩm. Cứ sau vụ mùa thu hoạch có thời gian nhàn rỗi thì bà con bắt tay vào việc dệt thổ cẩm để cung cấp cho các nơi. Thời xưa và cả bây giờ, với người H’rê thì con gái trong làng phải biết nghề dệt và xem đó là điều cần phải biết trước khi đi lấy chồng. Mỗi người con gái trước khi có chồng, thường được thừa hưởng nghề dệt từ bà ngoại, bà nội và từ mẹ. Ngày trước khi chưa có điện như bây giờ, sau những ngày mùa hoặc những đêm trăng thanh, con gái  trong làng quây quần bên nhà những người già để học lấy nghề.  Rồi sau đó về nhà chặt lồ ô để dệt. Bản làng có nhiều người dệt rất nên thơ và  hình ảnh người con gái Hrê ngồi dệt thật duyên dáng, khéo léo. Những chàng trai Hrê muốn chọn vợ cũng tìm đến lân la se vải, trộn màu...

Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào H’rê hiện nay chỉ có duy nhất ở Làng Teng xã Ba Thành. Nên ở làng Teng cứ từ mờ sáng là những người phụ nữ, con gái trở dậy ngồi bên khung cửi dệt thổ cẩm. Không chỉ dệt những tấm kàtu cho phụ nữ mà bây giờ áo cho đàn ông, khăn choàng đầu, khăn quàng cổ và cả túi xách cũng được dệt bằng thổ cẩm. Đồng bào dân tộc chưng diện tất cả trong ngày lễ hội và xem đó là niềm tự hào của dân tộc Hrê.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có chính sách mở các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, góp phần đẩy lùi nguy cơ mai một của nghề dệt thổ cẩm, giải quyết thời gian nhàn rỗi, cải thiện được đời sống cho bà con nơi đây. Tuy nhiên, việc sản xuất, mua bán vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát, đầu ra sản phẩm chưa ổn định.

Trong thời gian tới tỉnh Quảng Ngãi sẽ định hướng phát triển làng nghề truyền thống này gắn với phát triển du lịch, nhằm vừa bảo tồn, vừa phát huy, gìn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc H’rê vừa thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.

Đức Huấn

Tin khác

Kinh tế 12 giờ trước
(SHTT) - Lãi suất ưu đãi chỉ từ 0,5%/tháng, không phải đến ngân hàng làm thủ tục, phê duyệt online giải ngân nhanh trong ngày là những ưu điểm nổi bật của sản phẩm vay mua ô tô được VPBank triển khai qua ứng dụng Race App của ngân hàng.
Kinh tế 18 giờ trước
(SHTT) - Ford cho biết quý đầu năm 2024, họ bán được 10.000 xe điện, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - UBND TP Hà Nội đã lên kế hoạch tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Trong khuôn khổ diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024 (VOBF 2024) diễn ra tại Hà Nội sáng 25/4, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã công bố Báo cáo chỉ số thương mại điện tử (EBI) 2024, với nhiều thông tin và con số đáng chú ý.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Hôm nay (ngày 25/4), giá xăng trong nước đã được Bộ Công Thương - Bộ Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 320 đồng, làm giảm giá bán xuống dưới mức 25.000 đồng/lít.