SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Đổi mới sáng tạo: Nguồn cảm hứng phát triển Đất nước giai đoạn hiện nay

10:48, 27/06/2022
(SHTT) - Đổi mới và sáng tạo, xét cho cùng là vấn đề tất yếu của sự phát triển các xã hội. Có điều, ở giai đoạn – trình độ phát triển nào thì cần có chiến lược phát triển ưu tiên phù hợp.

Nếu như, giai đoạn 2001-2010, chúng ta tập trung cải cách thủ tục hành chính, giai đoạn 2011-2020 tập trung cải cách thể chế và bộ máy hành chính, thì giai đoạn 2021-2030, lấy đổi mới sáng tạo cùng với phát triển mạnh khoa học và công nghệ là cảm hứng, là nền tảng phát triển Đất nước đến năm 2035, năm 2045 theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

1. Từ Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Nhìn lại chặng đường phát triển của Việt Nam trong thời gian vừa qua, có thể nhận thấy đổi mới và sáng tạo công nghệ đã đóng góp quan trọng, toàn diện trong sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần chuyển dịch mô hình tăng trưởng và thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị.

Theo Báo cáo Tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016-2020, tính chung 10 năm 2011-2020 đạt 39,0% (vượt mục tiêu 35%).

Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm (cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015); Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Đổi mới và sáng tạo công nghệ sẽ tiếp tục là chìa khóa để Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững và đi tắt đón đầu trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

1

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và các văn kiện trình Đại hội; nhấn mạnh: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc (Ảnh: TTXVN). 

Để hiện thực hóa yêu cầu cao về vai trò của hệ thống khoa học và công nghệ (KH&CN) trong giai đoạn mới, Văn kiện Đại hội XIII khẳng định, phải đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên nền tảng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Điểm mới về nhận thức trong Văn kiện Đại hội XIII về vai trò của KH&CN là không chỉ nhấn mạnh phát triển và ứng dụng KH&CN, mà còn đề cao yêu cầu đổi mới sáng tạo như một định hướng trung tâm của phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang tăng tốc. Văn kiện xác định phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính của đổi mới mô hình tăng trưởng, cũng như của tăng trưởng kinh tế[1]. Trên cơ sở đó, yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ thể chế, pháp luật, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và các ngành, lĩnh vực có liên quan[2].

[1] Cụ thể, trong các văn kiện Đại hội XIII, như Báo cáo chính trị tập trung đề cập ở mục VI, với tiêu đề: “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ”; trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, vấn đề được trình bày ở điểm 2, mục V – Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, với tiêu đề: “Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phát nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

[2] Xem thêm: “VI - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ”, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021, tr.140-142.

Đại hội XIII đề ra chỉ tiêu đến năm 2025: Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm và đến năm 2030: đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt 50%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm.

2

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại lễ hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo quốc gia (21/4) và Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) ngày 21/4, nhấn mạnh: Cần nâng cao nhận thức về vai trò của đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt tôn vinh những đổi mới và sáng tạo do thế hệ trẻ dẫn dắt (Ảnh: VGP/Hoàng Giang). 

Về vấn đề cơ cấu lại, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, Đại hội XIII cũng đề ra chỉ tiêu, phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 25% GDP, kinh tế số đạt khoảng 20% GDP và đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 40% GDP, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP.

2. Đến “Ngày Đổi mới sáng tạo quốc gia” (21/4)

Mới đây, ngày 21/4/2022, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ,  Bộ KH&CN đã tổ chức lễ hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo quốc gia (21/4) và Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) chiều 21/4. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Ngày Đổi mới sáng tạo quốc gia nhằm hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới 21/4. Sự kiện này cũng nằm trong chuỗi các hoạt động hướng tới Ngày Khoa học và công nghệ (18/5) để tôn vinh những người làm khoa học, đổi mới sáng tạo; giới thiệu, phổ biến, ghi nhận các thành quả KHCN và đổi mới sáng tạo của đất nước; tăng cường sự đồng hành, gắn kết của nhà khoa học - doanh nghiệp - Nhà nước và xã hội để phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo Việt Nam…

Theo Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Thành Đạt, với thông điệp “Sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo và thế hệ trẻ vì một tương lai tốt đẹp hơn”, lễ hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo quốc gia và Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2022 mong muốn chia sẻ, nâng cao nhận thức về vai trò của đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong phát triển kinh tế-xã hội và phát triển bền vững, đặc biệt tôn vinh những đổi mới và sáng tạo do thế hệ trẻ dẫn dắt.

Tại sự kiện, chúc mừng những thành tựu to lớn của Việt Nam trong thời gian qua, ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, đổi mới sáng tạo là yếu tố rất quan trọng để Việt Nam có thể làm chủ, khai thác được tất cả các tiềm năng kinh tế của quốc gia, tạo ra những động lực mới cho các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, tạo ra công ăn việc làm, nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, đổi mới sáng tạo càng quan trọng hơn bao giờ hết khi đặt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và các thách thức hiện nay như: Suy thoái môi trường, xóa đói giảm nghèo…

Ông Christian Manhar cũng khẳng định cam kết mạnh mẽ của các cơ quan của Liên Hợp Quốc hỗ trợ Việt Nam trong sự phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện, trong đó có thúc đẩy đổi mới sáng tạo đặc biệt là các chính sách nền tảng cho đổi mới sáng tạo như: Xây dựng vườn ươm doanh nghiệp KHCN, hệ sinh thái khởi nghiệp, triển khai thành phố thông minh…

Dưới góc độ địa phương, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Sở KH&CN thành phố Hà Nội cho hay, việc Bộ KH&CN phát động hưởng ứng, kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới kết hợp tổ chức Ngày Đổi mới sáng tạo quốc gia là sự kiện hết sức ý nghĩa đối với Việt Nam nói chung và các tỉnh, thành phố nói riêng.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, hoạt động đổi mới sáng tạo rất đa dạng và có nhiều cấp độ khác nhau. Nó có thể là việc triển khai một ý tưởng mới, tạo ra các sáng chế, tác phẩm nghệ thuật, điện ảnh, tác phẩm âm nhạc, hoặc sản phẩm giống cây trồng mới, hay như một sản phẩm kỹ thuật cụ thể… Dù ở mức độ, cấp độ nào, thì đổi mới sáng tạo luôn bắt nguồn từ các ý tưởng. Đây cũng là khởi nguồn hình thành tài sản trí tuệ của nhân loại. Vì vậy, có thể nói sở hữu trí tuệ giúp nâng tầm sáng tạo cho cá nhân, cũng như tổ chức.

  3. Và “Chiến lược phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đến năm 2030”

  Thực hiện chủ trương của Đảng, nhất là tinh thần tại văn kiện Đại hội XIII về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, ngày 11/5/2022, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg để Ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên nước ta có một chiến lược quốc gia về phát triển khoa học và công nghệ gắn liền với đổi mới sáng tạo[1] (sau đây gọi tắt là Chiến lược, KHCN&ĐMST).

3

Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC) tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc. Với biểu tượng đại bàng cất cánh, NIC sẽ tạo ra điều kiện, môi trường lý tưởng để Việt Nam vươn mình ra thế giới (Ảnh: NIC). 

  Theo đó, phát triển KHCN&ĐMST dựa trên quan điểm:

- Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, địa phương và doanh nghiệp; là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số quốc gia; góp phần quan trọng nâng cao đời sống nhân dân, phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

- Phát triển đồng bộ, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và các hệ thống đổi mới sáng tạo ngành, vùng, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh, Nhà nước thực hiện định hướng, điều phối, kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi cho hoạt động hiệu quả của toàn hệ thống.

- Kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa phát triển năng lực nội sinh với tận dụng tối đa cơ hội, nguồn lực bên ngoài, ưu tiên tiếp thu, hấp thụ, làm chủ và ứng dụng nhanh chóng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến của thế giới, đặc biệt là chủ động, tích cực tiếp cận và khai thác triệt để những cơ hội và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng phục vụ thiết thực đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, đồng thời chú trọng nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng để tiến tới sáng tạo, tự chủ và cạnh tranh về công nghệ ở những lĩnh vực then chốt mà Việt Nam có nhu cầu, tiềm năng và lợi thế.

Thông qua các mục tiêu cụ thể được xác lập, Chiến lược xác định mục tiêu tổng quát là: Đến năm 2030, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam; tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học và công nghệ đạt trình độ quốc tế.

[1] Trước đó, có Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/04/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020, còn các chương trình, đề án khác về đổi mới sáng tạo được tách riêng.

Bên cạnh định hướng chủ yếu phát triển KHCN, Chiến lược đề ra các định hướng hoạt động ĐMST, gồm:

- Hoạt động đổi mới sáng tạo trong các ngành nông nghiệp

Thúc đẩy các doanh nghiệp lớn đầu tư vào công nghệ chọn tạo giống, công nghệ chăm sóc, theo dõi theo các tiêu chuẩn an toàn, truy xuất nguồn gốc, công nghệ bảo quản, công nghệ chế biến; tập trung đầu tư vào những khu nông nghiệp công nghệ cao, những dự án quy mô lớn, triển khai các mô hình canh tác tiên tiến hiệu quả theo chuẩn thế giới; phát triển những kỹ thuật kinh doanh mới vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nông, lâm, ngư nghiệp.

Tập trung làm chủ các tổ hợp công nghệ quan trọng trong chọn tạo giống thông qua tự nghiên cứu, phát triển cũng như khai thác ngân hàng giống, mua giống của nước ngoài để giải mã, làm chủ công nghệ. Tập trung ứng dụng các công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ tự động hóa để xây dựng nền nông nghiệp thông minh, an toàn, tuần hoàn, hiệu quả và bền vững, phát huy lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới.z

Hình thành các hệ thống đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp gắn với các mô hình kinh tế nông nghiệp, các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị ngành hàng, sản phẩm có giá trị kinh tế cao,... góp phần tích cực vào gắn kết giữa phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.

- Hoạt động đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông

Thực hiện quá trình tái cơ cấu với định hướng lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp có tính đột phá, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, đặc biệt là các công nghệ sản xuất và chế tạo thông minh, đổi mới mô hình quản lý, kinh doanh, đổi mới sản phẩm, từ đó vừa dẫn dắt làm nòng cốt vừa liên kết, tạo lập mạng lưới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thúc đẩy rộng rãi các hoạt động đổi mới dây chuyền, thiết bị, máy móc, công nghệ, triển khai các hoạt động đào tạo về năng lực quản trị, khai thác công nghệ, cùng với áp dụng các mô hình kinh doanh mới, mô hình đổi mới sáng tạo đã thành công đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hình thành các hệ thống đổi mới sáng tạo gắn với các cụm liên kết ngành, các chuỗi giá trị nội địa và chuỗi giá trị toàn cầu trong các ngành công nghiệp có doanh thu lớn, giá trị xuất khẩu cao như dệt may, da giày, điện tử, thiết bị máy móc, chế biến gỗ, chế biến nông sản, khai thác khoáng sản, dược phẩm,... để thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu Việt Nam.

Tập trung thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các ngành công nghiệp nền tảng và công nghiệp mũi nhọn như công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, phân bón, vật liệu, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp điện tử - viễn thông, công nghiệp sản xuất rô bốt, ô tô, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, công nghiệp sản xuất phần mềm,...

- Hoạt động đổi mới sáng tạo trong các ngành dịch vụ

Triển khai ứng dụng rộng rãi và mạnh mẽ các nền tảng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các mô hình kinh doanh mới trong các hoạt động dịch vụ, kinh doanh, dịch vụ công. Xây dựng các tiêu chuẩn, khung pháp lý, cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp kinh doanh dựa trên nền tảng số, doanh nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ và dịch vụ số.

Hỗ trợ đào tạo quản lý, quản trị công nghệ, cập nhật công nghệ mới, tư vấn lựa chọn công nghệ phù hợp, hỗ trợ đào tạo vận hành và áp dụng vào sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối, sử dụng chung hạ tầng và chia sẻ dữ liệu để tối ưu hóa mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ.

- Hoạt động đổi mới sáng tạo trong các vùng

Thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo tại các vùng trọng điểm gắn với lợi thế của từng khu vực, trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ gắn với các khu công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao; vùng Trung du và miền núi phía Bắc gắn với các sản phẩm nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gắn với nông nghiệp và kinh tế biển; vùng Tây Nguyên gắn với các sản phẩm nông lâm nghiệp, chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp và du lịch; vùng Đồng bằng sông Cửu Long gắn với thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, trung tâm giống và chuyển giao công nghệ. Đẩy mạnh nghiên cứu về văn hóa, tôn giáo, con người và giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với đặc điểm của các vùng miền và địa phương.

Hình thành hệ thống đổi mới sáng tạo gắn các chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở các vùng, địa phương có đủ các điều kiện cần thiết về nguồn nhân lực sáng tạo, các cơ sở giáo dục đào tạo, viện nghiên cứu, các cơ sở vật chất kỹ thuật gắn với lợi thế kinh tế của vùng, địa phương.

4. Thay lời kết

Có thể thấy, Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST đến năm 2030 là một chương trình tổng thể và tập trung nhất để thực hiện văn kiện Đại hội XIII về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ.

Để thực hiện Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST đến năm 2030, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho 10 nhóm chủ thể trong hệ thống chính trị và các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức khoa học và công nghệ khác, các doanh nghiệp.

Với nhiệm vụ trọng tâm, Bộ KHCN là đơn vị chủ trì xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng quốc gia về KHCN&ĐMST nhằm thúc đẩy sự phối hợp giữa các cơ quan xây dựng chính sách KHCN&ĐMST, nâng cao hiệu quả hoạt động giữa các bộ, ngành và các cấp trong phát triển và ứng dụng kết quả KHCN&ĐMST vào phát triển kinh tế - xã hội.

Với nguồn cảm hứng đổi mới sáng tạo, chắc chắn sẽ khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đây vừa là lời hiệu triệu của Đảng, nhưng cũng là sứ mệnh tất yếu để phát triển Đất nước trong giai đoạn hiện nay./.

Phạm Tài (Phúc Huy)

Tin khác

Tin tức 5 giờ trước
Thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả là một trong những sản phẩm tạo ra siêu lợi nhuận. Do đó, tình trạng làm hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phổ biến và tinh vi hơn.
Tin tức 5 giờ trước
Ngày 26/4, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp cùng Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại khu vực phía Nam.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Mới đây, TikTok đã thông báo sẽ đình chỉ tính năng kiếm tiền gây tranh cãi trên nền tảng tại các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu. Được biết, đây là những động thái được đưa ra sau những cảnh báo từ Ủy ban Châu Âu.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Sáng nay (26/4), tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô diễn ra Lễ phát động Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2024.
Tin tức 6 giờ trước
(SHTT) - Sáng 26/4, tại Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm 2024.