SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 04/05/2024
  • Click để copy

Doanh nghiệp ngoại ồ ạt đầu tư vào dệt may

08:58, 12/08/2015
Doanh nghiệp ngoại đang đổ mạnh vốn đầu tư vào Việt Nam trên lĩnh vực dệt may. Đó là sự chuyển động nhằm đón đầu thời cơ khi các hiệp định thương mại có hiệu lực.

Nhiều nhà máy dệt may “khủng”

Ông Nakajima Satoshi, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM, cho biết dệt may hiện là lĩnh vực nhiều doanh nghiệp (DN) Nhật Bản muốn tìm hiểu và đầu tư nhất tại Việt Nam. 60% trong hơn 500 DN Nhật Bản được khảo sát đã khẳng định có kế hoạch đầu tư sang Việt Nam. Địa bàn được nhiều DN Nhật lựa chọn đầu tư nhà máy dệt may là các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh. Ngoài ra, đầu tư vào lĩnh vực dệt may cũng đang thu hút nhóm DN đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Công, Đài Loan… Đại diện KCN Long Hậu, tỉnh Long An, cho biết từ đầu năm 2015 đến nay, đã tiếp nhận hơn 20 DN đến tìm hiểu và đầu tư nhà máy dệt may. Còn tại KCN Rạch Bắp, An Điền tỉnh Bình Dương, từ cuối năm 2014 đến nay, số lượng DN nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tăng đột biến: hơn 100 DN (cùng kỳ năm trước chỉ khoảng 20 - 30 DN). Trong đó, đã có 25 DN đang xúc tiến đầu tư, hơn 20 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khác cũng đã ký giữ chỗ. Phần lớn các DN đăng ký đầu tư đợt này chủ yếu là dệt may.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM thông tin thêm, từ đầu năm 2015 đến nay, hiệp hội đã tiếp rất nhiều đoàn DN nước ngoài đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, riêng DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may đều mong muốn tìm khu vực đặt nhà máy có bán kính cách trung tâm TPHCM khoảng 50km. Không chỉ vậy, DN ngoại có xu hướng đầu tư theo chuỗi hệ thống liên kết, tức là không chỉ một DN đầu tư riêng lẻ, mà nhiều DN trong chuỗi hệ thống sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh sẽ đầu tư vào cùng một khu vực. Nhà xưởng của các DN sẽ được xây liền kề nhau để giảm chi phí vận chuyển, chi phí sản xuất, đồng thời góp phần tăng giá thành cạnh tranh.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm 2015 tuy giảm, nhưng ngành dệt may lại tăng đột biến. Trong tổng số vốn 5,85 tỷ USD đầu tư, dệt may chiếm hơn 1 tỷ USD, với 3 dự án lớn là dự án máy sản xuất và chế biến sợi của nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng ở Đồng Nai với tổng vốn đầu tư lên đến 660 triệu USD, cao nhất từ trước tới nay. Kế đến là dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may đầu tư tại Bình Dương, có vốn đầu tư đăng ký 274 triệu USD của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan). Cuối cùng là dự án nhà máy sợi, vải màu Lu Thai có tổng vốn đầu tư 160,8 triệu USD của nhà đầu tư Hồng Công tại tỉnh Tây Ninh. Ngoài ra, dự án có vốn lên đến 320 triệu USD trong lĩnh vực dệt may của Công ty Viễn Đông Tân Thế Kỷ (Đài Loan) dự kiến sẽ đầu tư vào Bình Dương trong thời gian tới.

Vùng vệ tinh: Lợi thế với quỹ đất lớn

Lý giải thực tế ưu tiên hướng đầu tư ra khu vực tỉnh lân cận TPHCM, ông Nakajima Satoshi cho biết, khảo sát thực tế của các cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam cho thấy, tại những khu vực trên, diện tích đất dành cho DN còn khá lớn, dễ dàng lựa chọn những khu đất có diện tích từ 20ha trở lên. Quan trọng hơn, chi phí nhân công lao động cũng như giá thành thuê đất tại khu vực này còn thấp, lại không tăng quá nhanh. Điều này giúp DN dễ dàng xây dựng và thích ứng với lộ trình phát triển. Về phía UBND tỉnh Bình Dương cho biết thêm, để thu hút dự án đầu tư dệt may “khủng”, UBND tỉnh Bình Dương đã xây dựng nhiều KCN quy mô lớn. Đơn cử như KCN Bàu Bàng có diện tích 300ha và Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Đài Loan) chọn đầu tư tại đây vì tỉnh đã giải quyết được nhu cầu cần diện tích lên đến 99ha…

Một lý do khác khiến các DN ngoại ồ ạt đầu tư nhà máy dệt may tại Việt Nam chính là vì DN Việt Nam đang “bỏ trống sân nhà”.  Hiện nước ta có hơn 2.000 DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may nhưng chủ yếu là gia công, xuất khẩu. Nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập từ các nước không được ưu đãi thuế suất do không là thành viên của các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Trong khi đó, thị phần xuất khẩu sản phẩm dệt may Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi (nếu đảm bảo được quy tắc xuất xứ nguyên liệu là nội địa) tại nhiều nước trên thế giới là rất lớn. Phân tích từ Cục Xúc tiến Thương mại Bộ Công thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu dệt may nước ta vào Liên minh Kinh tế Á - Âu khi chưa có hiệp định thương mại chỉ đạt khoảng trên 300 triệu USD/năm. Thế nhưng, khi hiệp định chính thức có hiệu lực thì kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 50% trong năm đầu tiên và khoảng 20% trong năm tiếp theo. Đó là chưa kể, nếu Hiệp định TPP, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu được thông qua, sản phẩm dệt may Việt Nam xuất vào Mỹ và các nước châu Âu được giảm thuế từ 10% - 30% xuống còn 0% thì lợi thế cạnh tranh là rất lớn.

Có thể nói, với hàng loạt lợi thế có được từ các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã gia nhập, Việt Nam đang trở thành mảnh đất đầy tiềm năng cho các DN dệt may ngoại đầu tư. Vấn đề còn lại là sự trở mình của các DN dệt may nội địa. Dường như chúng ta đang chậm chân hơn làn sóng DN FDI để nắm bắt cơ hội từ các hiệp định thương mại sắp có hiệu lực từ đầu năm 2016 tới.

Tin khác

Kinh tế 4 giờ trước
(SHTT) - Triển lãm Quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa lần thứ 4 tại Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 30/5 đến 2/6 tại TPHCM, quy tụ gần 200 gian hàng là các thương hiệu, sản phẩm.
Kinh tế 18 giờ trước
(SHTT) - Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu “hạt tiêu” trong hơn 20 năm qua. Mặc dù giá tiêu liên tục tăng, tuy nhiên giá mặt hàng này của nước ta lại xếp chót bảng so với các nước xuất khẩu trên thế giới.
Kinh tế 19 giờ trước
(SHTT) - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 4/2024 ước đạt 520 triệu USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 4 tháng qua, xuất khẩu ngành hàng này mang về 1,804 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ.
Kinh tế 22 giờ trước
(SHTT) - Thực hiện chỉ đạo của Cục QLTT tỉnh, thời gian qua, các phòng chuyên môn, Đội QLTT các địa phương đã sớm xây dựng kế hoạch kiểm soát thị trường; chủ động phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15 giờ chiều nay (2/5), giá xăng tăng nhẹ. Mỗi lít xăng RON95 tăng 40 đồng, giá bán lên mức gần 25.000 đồng/lít.