SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 03/05/2024
  • Click để copy

Doanh nghiệp dệt may Việt Nam thiếu động lực chuyển đổi xanh

10:43, 01/08/2023
Doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh và thân thiện với môi trường để giữ vững thị trường xuất khẩu và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngành dệt may toàn cầu là một trong những ngành gây ô nhiễm lớn nhất thế giới. Nhận thấy tình trạng này, các quốc gia trên thế giới đang dần chuyển đổi xu hướng sang các mô hình sản xuất xanh và thân thiện với môi trường.

Doanh nghiệp ngành dệt may gặp khó trong chuyển đổi xanh

Tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp dệt may chuyển đổi xanh” do Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP.HCM phối hợp cùng Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM tổ chức, bà Đinh Thị Bảo Linh - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công thương - cho biết ngành may mặc và da giày là những ngành hàng tiêu dùng lớn, sử dụng nhiều lao động, quỹ đất và tài nguyên.

Theo bà Linh, sản lượng dệt may toàn cầu tăng gấp đôi từ năm 2000 đến năm 2015 và vẫn đang tiếp tục gia tăng. Mức tiêu thụ quần áo và giày dép dự kiến tăng 63% vào năm 2030. Nhưng, song song với sự mở rộng về sản xuất và tiêu thụ là các tác động tiêu cực đến tài nguyên, nước, tiêu thụ năng lượng và khí hậu.

Để phát triển bền vững, ở thế giới, ngành dệt may đang trong quá trình chuyển đổi xanh nhằm giảm thiểu ô nhiễm đầu vào và đầu ra, tiết kiệm nguồn nhân lực cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường. Xu hướng xanh hóa này được thể hiện thông qua các tiêu chí như: Hiệu quả năng lượng; tiết kiệm nước; sử dụng năng lượng tái tạo; xử lý chất thải và bao bì…

87cb17566098b3c6ea89

Tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp dệt may chuyển đổi xanh”, các chuyên gia nêu ra các cơ hội và thách thức trong xu hướng chuyển đổi xanh ngành dệt may.

Theo đó, các quốc gia tập trung vào việc giải chất thải thông qua tái chế, tái sử dụng vật liệu từ đó tối ưu hóa sử dụng tài nguyên và giảm thiểu tác động đến môi trường. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 1% sản phẩm dệt may toàn cầu được sản xuất theo quy trình tuần hoàn từ dệt đến tái chế.

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nhiều khu vực và quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc... đã ban hành những quy định khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu, đòi hỏi hàng hóa sản xuất phải tuân thủ các yêu cầu về môi trường và phát triển bền vững. Ngành dệt may Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Việc xanh hóa ngành dệt may sẽ góp phần mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Về yêu cầu xanh hóa đối với ngành dệt may Việt Nam hướng tới xuất khẩu bền vững, TS. Linh cho rằng, xu hướng thực hành xanh và bền vững trong sản xuất và lưu thông hàng dệt may sẽ tác động đến môi trường kinh doanh và cạnh tranh trong ngành, đặt ra yêu cầu và sàng lọc các nhà sản xuất, cung ứng đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm thân thiện với môi trường và tiết kiệm chi phí; qua đó giữ được thị phần tại các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản…, tạo doanh thu mới và nâng cao uy tín thương hiệu.

Bên cạnh đó, việc áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn ngày càng trở nên cần thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam nhằm giảm thiểu chất thải và chuyển đổi sang các hoạt động bền vững hơn.

Đồng quan điểm, TS. Trương Thị Ái Nhi - Chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED) - cho biết phát triển bền vững là xu thế chung, vì vậy ngành dệt may Việt Nam đã tiếp cận rất sớm với mô hình kinh tế tuần hoàn.

Trên thực tế, các doanh nghiệp dệt may hiện nay không hoàn toàn chủ động trong khâu đầu vào và đầu ra nên sẽ hạn chế về động lực, khả năng chủ động chuyển đổi về mặt nghiên cứu, cải tiến công nghệ, định hướng thị trường theo hướng bền vững hơn…

25d538fdb8336b6d3222

TS. Trương Thị Ái Nhi - Chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED) cho rằng các doanh nghiệp dệt may hiện nay không hoàn toàn chủ động trong khâu đầu vào và đầu ra.

Theo TS. Nhi, thách thức lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam là nguồn cung nguyên phụ liệu hiện phụ thuộc rất lớn vào nguồn hàng nhập khẩu. Hiện nguồn cung nguyên phụ liệu chủ yếu là nhập khẩu, tỷ lệ nội địa hoá của ngành dệt may chỉ mới đạt 30-35% nên doanh nghiệp khó kiểm soát và tiến đến xanh hoá.

Đối với khâu dệt nhuộm do chưa có quy hoạch về không gian phát triển nên chưa hình thành được các khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Bên cạnh đó, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, cố vấn phục vụ cho chuyển đổi và ứng dụng công nghệ 4.0,... Đặc biệt, tuần hoàn đòi hỏi nhu cầu vốn đặc biệt lớn, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện để đáp ứng.

Theo ông Phan Văn Việt - Phó chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM, hiện nay chỉ mới có khoảng 15% doanh nghiệp dệt may đã và đang chuyển đổi xanh. Số còn lại có tâm lý chờ thị trường hồi phục mà không nhìn nhận đây là cơ hội vàng để chuyển đổi xanh.

“Doanh nghiệp muốn chuyển đổi xanh phải bắt đầu từ việc quan trọng nhất là phải thay đổi được nhận thức của con người và phải am hiểu công nghệ. Nhân viên thiết kế phải biết sử dụng nguồn nguyên liệu thân thiện môi trường như thế nào, áp dụng công nghệ gì, tiêu chuẩn của khách hàng ra sao?”, ông Việt chia sẻ.

Cần chuyển đổi xanh để theo kịp xu hướng khách hàng

Hiện nay, tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các vấn đề bảo vệ môi trường bên cạnh chất lượng và giá cả hàng hóa. Nếu doanh nghiệp không có chiến lược chuyển đổi, khách hàng sẽ lựa chọn những nhà cung cấp khác đáp ứng các yêu cầu về giảm phát thải, sản xuất xanh và phát triển bền vững, doanh nghiệp sẽ mất đơn hàng và sẽ không thể tồn tại.

Do đó, các tiêu chí để đạt được mục tiêu xanh hóa như: Hiệu quả năng lượng, tiết kiệm nước, sử dụng năng lượng tái tạo, xử lý chất thải và bao bì… là một trong những yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày chuyển đổi thực hiện.

Để đáp ứng được những yêu cầu, xu hướng mới, TS. Linh cho biết cần đẩy mạnh vai trò của các hiệp hội ngành nghề trong việc tham mưu cho Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan xây dựng chính sách phát triển ngành và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; tăng cường vai trò của các Hiệp hội trong các lĩnh vực: thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến đầu tư, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực...

9c6a610e08c0db9e82d1

Doanh nghiệp dệt may cần chuyển đổi xanh để theo kịp xu hướng tiêu dùng xanh của khách hàng.

Tái cấu trúc các ngành xơ sợi, dệt nhuộm, hoàn tất, may mặc và ngành sản xuất da, sản phẩm giày dép,... theo hướng kết nối chuỗi giá trị, cân bằng giữa sản xuất nguyên phụ liệu với gia công sản phẩm để tạo giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; đẩy mạnh đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại, đồng bộ, đúng hướng, có trọng điểm, nhằm tạo ra sự thay đổi căn bản về năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

“Đặc biệt cần quan tâm tham khảo các biện pháp chuyển đổi xanh trong ngành dệt may EU, lưu ý đối với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU và áp dụng kinh nghiệm của EU trong thực tiễn của Việt Nam”, TS. Linh nói.

Tuy nhiên, để chuyển đổi xanh, doanh nghiệp ngành dệt may cần có cơ chế hỗ trợ về chính sách tài chính từ nhà nước.

Theo ông Nguyễn Quang Thanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC), dự kiến trong vài tháng tới sẽ có chương trình cho vay kích cầu đầu tư nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Hiện HFIC đã phối hợp với Sở Kế hoạch và đầu tư và các sở ngành liên quan hoàn thành dự thảo chương trình cho vay kích cầu đầu tư.

“Hiện nay, chúng tôi đã dự thảo cho ngành dệt may, da giày đưa vào đối tượng hỗ trợ 50% lãi vay. Trong đó, những doanh nghiệp về phụ kiện, công nghiệp phối hợp ngành dệt may, da giày. Tuy nhiên, với xu hướng chuyển đổi xanh chưa đưa vào dự thảo. Hiệp hội tập hợp các nhu cầu chuyển đổi xanh của mình để đưa vào chương trình kích cầu. Về khâu đầu tư để mà thực hiện cho việc chuyển đổi xanh, hiệp hội cần nhanh chóng đề xuất ý kiến, nếu đến ngày 15/8 dự thảo được thông qua thì sẽ không còn cơ hội nữa”, ông Thanh chia sẻ.

Thanh Thảo

Tin khác

Kinh tế 10 giờ trước
(SHTT) - Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15 giờ chiều nay (2/5), giá xăng tăng nhẹ. Mỗi lít xăng RON95 tăng 40 đồng, giá bán lên mức gần 25.000 đồng/lít.
Kinh tế 10 giờ trước
Những chiếc mo cau xứ Tiên thuộc huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) qua bàn tay sáng tạo thành đôi dép, túi xách và nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác.
Kinh tế 10 giờ trước
(SHTT) - S&P Global công bố báo cáo Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 4/2024. Báo cáo ghi nhận, ngành sản xuất của Việt Nam tăng trưởng trở lại trong tháng 4 khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh giúp sản lượng tăng trở lại.
Kinh tế 15 giờ trước
(SHTT) - Sau 6 ngày diễn ra (từ 26/4 đến 1/5), Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024 đã thu hút gần 56.000 lượt khách tham quan mua sắm, doanh thu đạt 17,9 tỷ đồng.
Kinh tế 4 ngày trước
(SHTT) - Theo báo cáo của Cục Thuế Thanh Hóa, thu nội địa trên địa bàn tỉnh tháng 4 ước đạt 2.100 tỷ đồng, bằng 76% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tổng thu nội địa của tỉnh này ước đạt 11.526 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ.