SO HUU TRI TUE
Thứ bảy, 27/04/2024
  • Click để copy

Công nhân chưa mặn mà nhà lưu trú

08:26, 11/12/2014
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có hàng chục khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) với hàng vạn lao động đang làm việc trong các ngành nghề, nên nhu cầu về chỗ ở là rất lớn. Chính quyền các tỉnh, thành phố trong khu vực đã mời gọi các doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân để giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho người lao động. Tuy nhiên, nhà xây xong khang trang, hiện đại với giá thuê hợp lý nhưng công nhân lại không mấy mặn mà bằng nhà trọ cấp 4 thuê bên ngoài. 

Mất tự do cá nhân

Giá thuê cao, xa nơi làm việc và một số bất tiện khác đã khiến khu lưu trú của các KCN tại các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ được xây với chi phí hơn hàng trăm tỷ đồng nhưng rất ít công nhân ở.

Chị Trần Thị Lệ, công nhân làm việc tại KCX Linh Trung (quận Thủ Đức, TPHCM) cho biết: “Tụi em thấy ở nhà lưu trú công nhân thường bị gò bó về thời gian, cũng như các quy định nghiêm ngặt của ban quản lý. Chẳng hạn như việc không được tiếp khách trong phòng; bạn bè, người thân tới thăm không được ở lại và chỉ người độc thân mới được ở trong khu lưu trú… Việc này vô tình đã làm mất tự do trong sinh hoạt cá nhân của mỗi người”.

Trong tháng 10 vừa qua, tại buổi tiếp xúc của lãnh đạo TPHCM với công nhân KCN Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh, TPHCM), lãnh đạo Công ty TNHH KCN Vĩnh Lộc cho biết, khu nhà lưu trú cho công nhân ở đây có gần 350 phòng với 2.400 chỗ ở nhưng chỉ có 200 công nhân sinh sống dù công trình này được đưa vào sử dụng đã 4 năm. Kinh phí xây khu lưu trú 7 tầng hơn 150 tỷ đồng là nguồn vốn vay từ chương trình kích cầu của UBND TPHCM, thời hạn hoàn vốn là 7 năm. Tuy nhiên, nhà xây xong chỉ có 10% số phòng được công nhân thuê ở thì không thể hoàn vốn kịp.

Tâm lý người lao động ở các KCN vùng trọng điểm kinh tế phía Nam thích có cuộc sống tự do, thoải mái với gia đình, đã tồn tại nhiều năm qua. Họ chưa thích nghi với sự quản lý về giờ giấc và những quy định cần có trong môi trường lưu trú công nhân của Ban quản lý. Bên cạnh đó, đối tượng cho thuê cũng phải theo quy định của Quyết định 66/TTg, phải là công nhân đang làm việc tại KCN, KCX còn độc thân; phải được doanh nghiệp bảo lãnh vào ở... Trong khi đó, người lao động nhập cư khi đến TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu làm việc thường đi cùng nhóm bạn, anh chị em, gia đình hoặc sau vài năm lập gia đình, sinh con... có nhu cầu sinh sống chung.

Qua khảo sát ý kiến của một số công nhân đang làm việc trong các KCX, KCN cho thấy một số nguyên nhân công nhân không mặn mà vào ở nhà lưu trú bởi vì: không cho người thân vào ở; khó tổ chức vui chơi, ăn uống tại phòng với bạn bè; phòng ở đông người phức tạp, không thuận tiện trong sinh hoạt…

Công nhân ưa thích nhà trọ

Trên địa bàn TPHCM, đến nay đã đầu tư xây dựng được gần 1,5 triệu m² sàn nhà ở, đáp ứng khoảng 473.800 chỗ ở cho công nhân. Trong đó DN đầu tư xây dựng được trên 40.000 chỗ ở, còn lại là của cơ sở tư nhân, các hộ gia đình. Đánh giá về những mặt đã đạt được, ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, về cơ bản thành phố đã đáp ứng được chỗ ở cho công nhân. Nhà ở công nhân được các DN đầu tư xây dựng theo dự án đảm bảo kết nối hạ tầng xã hội đồng bộ, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn và cảnh quan môi trường đô thị. Diện tích cho thuê đảm bảo tối thiểu 5m²/người (nhà ở do doanh nghiệp xây). Riêng nhà ở do các hộ dân xây chưa đảm bảo các điều kiện như quy định nhưng lại đáp ứng kịp thời nhu cầu về chỗ ở cho công nhân.

Những khu nhà trọ do dân tự xây dựng tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương thu hút đông đảo công nhân vào ở.

Tương tự, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có nhiều DN đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân để thu hút lao động và ổn định sản xuất, nhưng công nhân vẫn không mấy mặn mà. Chẳng hạn như khu nhà ở công nhân của Công ty Showa tại KCN Vsip Thuận An (thị xã Thuận An). Nhưng bù lại, Bình Dương lại có hàng ngàn phòng trọ do tư nhân xây xung quanh các KCN nên cũng phần nào đáp ứng được chỗ ở cho công nhân.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nhà ở do DN xây mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu về nhà ở cho công nhân. Cụ thể, Đồng Nai đã có 75 dự án nhà ở công nhân được phê duyệt, với tổng diện tích đất 518,32ha (trong đó 37 dự án đang triển khai, 22 dự án đã hoàn thành, 16 dự án tỉnh đã quyết định thu hồi với diện tích là 149ha). Kết quả, các dự án hoàn thành, hoàn thành một phần, bố trí được khoảng cho 20.158 người, đáp ứng khoảng trên 5% công nhân lao động có nhu cầu nhà ở. Còn lại vẫn là nhà ở do tư nhân xây, bố trí cho trên 290.000 người tại 125.000 phòng trọ, chủ yếu tại khu vực đô thị của TP Biên Hòa, các trung tâm thị trấn, thị xã, các khu dân cư gần các KCN, cụm công nghiệp…

Để thu hút công nhân đang làm việc tại các KCX, KCN đến thuê tại các khu lưu trú do các DN đầu tư xây dựng, Ban quản lý nhà lưu trú công nhân ở các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ cần nghiên cứu sắp xếp một số phòng để bố trí cho người thân của công nhân nghỉ ngơi khi họ đến thăm hỏi; quan tâm và đầu  tư cơ sở vật chất, chăm lo và nâng cao đời sống tinh thần của công nhân, người lao động đang lưu trú; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các phong trào thể dục thể thao, hoạt động văn hóa, văn nghệ cho công nhân, người lao động đang lưu trú. Các DN đầu tư xây dựng khu lưu trú công nhân cần có biện pháp tuyên truyền, quảng bá rộng rãi hơn về các thông tin dự án nhà lưu trú cho công nhân có hiệu quả hơn, cụ thể như tuyên truyền quảng bá ngay từ khi người lao động mới bắt đầu phỏng vấn xin việc làm để mời gọi công nhân; tuyên truyền các ưu đãi và những tiện lợi của nhà lưu trú công nhân để thu hút công nhân vào ở.

Trong chuyến khảo sát nhà ở công nhân tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Nhu cầu nhà lưu trú công nhân tại TPHCM là rất lớn và khả năng đáp ứng được một phần này trong dân cũng có nhiều, vì vậy TPHCM cần tạo điều kiện về thủ tục, về tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà ở, chất lượng cũng như quy hoạch chung, để dân có điều kiện chia sẻ với nhà nước và doanh nghiệp trong mô hình nhà lưu trú công nhân”.

 

Tin khác

Tin tức 10 giờ trước
(SHTT) - Sáng 26/4, tại Hà Nội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm 2024.
Tin tức 11 giờ trước
Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo phối hợp với Liên đoàn Cờ Đà Nẵng tổ chức “Giải cờ vua các vận động viên chuyên nghiệp TP Đà Nẵng mở rộng lần thứ IV năm 2024 – Tranh cúp Sở hữu trí tuệ”, diễn ra vào ngày 18 – 19/5.
Tin tức 15 giờ trước
(SHTT) - UNESCO hiểu rõ tầm quan trọng của Hoàng Thành Thăng Long đối với Hà Nội, cam kết ủng hộ công trình này tại các diễn đàn do UNESCO tổ chức.
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Để bảo đảm ANTT cho mùa du lịch biển Sầm Sơn 2024 nói chung, khai mạc Lễ hội du lịch và khánh thành Quảng trường biển - trục cảnh quan lễ hội thành phố Sầm Sơn nói riêng, từ đầu tháng 4/2024 Công an tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai đồng bộ các phương án, kế hoạch bảo đảm ANTT.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Chiều 25/4, tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)".