SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 07/05/2024
  • Click để copy

Chứng khoán giờ đây đã khác

09:37, 11/08/2016
Phiên giao dịch thứ Ba ngày 2-8-2016 đánh dấu lần đầu tiên trong vòng hơn tháng qua VN-Index rớt dưới mốc 640 điểm. Hầu hết cổ phiếu tốt, xấu đều giảm điểm bất chấp kết quả kinh doanh khác nhau. Trong bản tin gửi cho khách hàng ngay sau khi thị trường đóng cửa, một công ty chứng khoán đã đề cập đến ảnh hưởng của thông tin thanh tra MobiFone. Một số nhà môi giới khác cho rằng nhà đầu tư đã tỏ ra quá nhạy cảm trên mức cần thiết đối với các thông tin bất lợi cho chứng khoán.

Không nghi ngờ yếu tố tâm lý đang chi phối thị trường, nhưng phản ứng càng mạnh thì sự qua đi của nó càng nhanh. Điều đáng ngại là một sự phản ứng ngấm ngầm, kéo dài lê thê, khiến thị trường chuyển sang trạng thái chán nản. Có thể thị trường đã thẩm thấu được một phần nào từ trước đó một số thông tin bất lợi, tuy nhiên sự công bố công khai trên các phương tiện truyền thông buộc thị trường phải thừa nhận và phản ứng mạnh là chuyện tất yếu xảy ra.

Trong bối cảnh đó, có hai điểm nhấn nên lưu ý. Thứ nhất việc công khai thông tin thanh tra một số doanh nghiệp là minh chứng nỗ lực của Nhà nước trong việc làm trong sạch, tạo sự công bằng và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Việc thanh tra trước khi tiến hành cổ phần hóa sẽ minh bạch hóa tình hình tài chính doanh nghiệp, định giá chính xác, nhờ đó thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư. Chứng khoán đang rất cần những động lực thực sự như vậy để tăng trưởng bởi nhà đầu tư cần hiểu rõ họ đang bỏ tiền ra mua một sản phẩm tài chính (cổ phiếu doanh nghiệp) có giá trị thật.

Thứ hai nguồn tiền bên ngoài chờ chực các phiên VN-Index giảm sâu để giải ngân tương đối sẵn sàng. Trong tất cả các kênh đầu tư hiện tại, chứng khoán vẫn đang hấp dẫn hơn cả nhờ sự tăng trưởng của nhiều cổ phiếu trong nhiều lĩnh vực từ đầu năm đến nay. Tiết kiệm ngân hàng, vàng, ngoại tệ hay bất động sản đang “thua” chứng khoán xét về góc độ thanh khoản cũng như khả năng tạo ra lợi nhuận nếu thời hạn đầu tư khoảng từ sáu tháng trở lên. Trong khi một bộ phận nhà đầu tư phản ứng thái quá với cái đầu nhạy cảm “nóng”, thì vẫn còn đó một bộ phận khác giải ngân với cái đầu “lạnh”. Người ta không thể chỉ nhìn giá trị giao dịch tăng vọt mà khẳng định lực bán lấn át, bởi người bán phải có người mua và ai là người mua vào những phiên VN-Index đỏ lửa?

Yếu tố tâm lý ngự trị một phần trên nền tảng của sự suy diễn. Một thông tin có thể được suy diễn theo nhiều hướng, nhiều phía, nhiều góc độ khác nhau. Ngày nay, sức sống của một thông tin và đi kèm là ảnh hưởng của nó thường rất ngắn do công nghệ thông tin cho phép người ta tiếp cận với nhiều tin tức vốn được cập nhật thường xuyên. Khi những yếu tố có tính quyết định sống còn với chứng khoán như tăng trưởng GDP, chỉ số giá tiêu dùng, giá dầu quốc tế, tỷ giá hối đoái, lãi suất... vẫn đang trong chiều hướng tích cực, thì càng không có lý do gì để tin tức thanh tra một vài doanh nghiệp kéo dài tác động của nó đến thị trường.

Xét về cả ngắn và trung hạn, yếu tố tiền tệ đang ủng hộ cho một kịch bản dịch chuyển về phía 700 điểm của VN-Index vào cuối năm khi mà thanh khoản tiền đồng tiếp tục dồi dào, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên mua được ngoại tệ để gia tăng quỹ dự trữ ngoại hối, tổng phương tiện thanh toán đã tăng mạnh so với cùng kỳ và sẽ còn tăng nhanh vào quí 4. Rõ ràng tiền vẫn đang chảy, và dù không nói đến một cách cụ thể, việc nới lỏng tiền tệ đang được thực thi trong điều kiện lạm phát năm nay có thể giữ được ở mức 5%. Sự đi xuống của giá dầu thô và giá nguyên liệu hàng hóa là một trong những lực cản đáng kể để lạm phát không “nhảy nhót”.    

Khác với những năm trước, năm nay chứng khoán đã được “tôi luyện” bằng không ít sự kiện mà ảnh hưởng của chúng lẽ ra có thể lan trên diện rộng, nhưng ảnh hưởng ấy đã nhanh chóng “lui vào dĩ vãng” nhờ lòng tham của thị trường và lòng tin vào một sự thay đổi tích cực hơn đang đến. Tại sao năm nay VN-Index mới bứt phá qua được 640 điểm mà không phải năm ngoái, năm kia? Và sự kiện ngày thứ Ba có lẽ là cái cớ hợp lý để VN-Index kiểm định lại mốc trên?

Nhìn lại, sự kiện gần nhất khiến VN-Index lao dốc là Brexit. Trong cao trào của sự kiện đó, VN-Index đã có lúc mất tới 30 điểm, nghĩa là mức độ hoảng loạn cao hơn ngày thứ Ba nhiều. Không chỉ chứng khoán Việt Nam, các thị trường thế giới cũng “nháo nhào”, nhưng chưa đầy một tuần, những nhà đầu tư bán ra ngày hôm đó đã phải hối tiếc vì VN-Index không những lấy lại số điểm đã mất, mà còn chạy một quãng đường dài về 670 điểm.

Nếu có một chi tiết nào đó cần ghi nhận, thì đó là trong bảy tháng qua, không một nhà môi giới nào còn xài câu “bán rẻ để mua lại rẻ hơn” để tư vấn khách hàng. Chứng khoán giờ đây đã khác!

Tin khác

Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Tại buổi họp báo thông tin về hoạt động quý II/2024 của ngành công thương TP.HCM, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T: thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cho giá trái cây tươi trong nước bất ngờ tăng vọt.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Báo cáo tài chính quý I/2024 của các hãng hàng không nội địa ghi nhận mức doanh thu tăng trưởng ấn tượng so với con số thua lỗ của cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế 2 ngày trước
(SHTT) - Triển lãm Quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa lần thứ 4 tại Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 30/5 đến 2/6 tại TPHCM, quy tụ gần 200 gian hàng là các thương hiệu, sản phẩm.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu “hạt tiêu” trong hơn 20 năm qua. Mặc dù giá tiêu liên tục tăng, tuy nhiên giá mặt hàng này của nước ta lại xếp chót bảng so với các nước xuất khẩu trên thế giới.
Kinh tế 3 ngày trước
(SHTT) - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 4/2024 ước đạt 520 triệu USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 4 tháng qua, xuất khẩu ngành hàng này mang về 1,804 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ.