SO HUU TRI TUE
Thứ năm, 02/05/2024
  • Click để copy

Cần có giải pháp đột phá giảm thiệt hại do thiên tai gây ra

09:34, 03/10/2015
Những năm qua, công tác phòng, chống thiên tai đã được triển khai tích cực với nhiều kế hoạch, đề án, phương án chuẩn bị đối phó các tình huống xấu. Tuy nhiên, trên thực tế, thiệt hại sau mỗi trận thiên tai vẫn còn quá lớn...

Chuẩn bị tốt, thiệt hại vẫn lớn?

Ngay từ đầu năm 2015, Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư đã nhận định, tình hình thời tiết, thiên tai trên cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường, ngày càng cực đoan và khó dự đoán. Để chủ động ứng phó, các bộ, ngành liên quan và địa phương đã khẩn trương kiện toàn, củng cố cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai; xây dựng bản đồ vùng ngập lụt, vùng có khả năng xảy ra bão lớn, siêu bão. Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão (PCLB) các địa phương đã rà soát, xác định cụ thể những loại hình thiên tai có thể xảy ra trên từng địa bàn, đồng thời đề xuất giải pháp ứng phó với các hình thái thiên tai hiện nay. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo tổng hợp, có giải pháp ứng phó tổng thể và tập trung chỉ đạo từng vùng sát với thực tế; kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, hồ đập, công trình PCLB để sửa chữa, khắc phục kịp thời các sự cố kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các hồ chứa nước...

Trong nhiều cuộc họp bàn về công tác phòng, chống mưa lớn, bão mạnh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã nêu lên một thực trạng. Đó là trong nhiều năm qua, chúng ta đã làm rất tốt công tác kêu gọi tàu, thuyền về trú tránh bão; nắm chắc được từng tàu, thuyền còn ở trong vùng nguy hiểm của bão để chủ động kêu gọi cũng như có phương án ứng cứu. Chính vì vậy, trong nhiều mùa mưa bão hầu như không có thiệt hại về tính mạng của ngư dân trên biển do bão. Tuy nhiên, công tác dự báo, phòng tránh mưa lớn gây lũ và sạt lở đất thì chưa thật sự tốt, vẫn còn lúng túng, gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của người dân.

Thực tế đã chứng minh, biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều hình thái thời tiết cực đoan, diễn biến bất thường. Điển hình như từ tháng 3-2015 đã xảy ra mưa lũ lớn trái mùa tại các tỉnh miền trung; rét hại bất thường ở Sa Pa (Lào Cai); nắng nóng gay gắt trên diện rộng và kéo dài ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ; hạn hán nghiêm trọng tại các tỉnh Nam Trung Bộ; dông lốc đặc biệt lớn tại Hà Nội; mưa lịch sử về cường suất tại Sơn La sau bão số 1 và tại Quảng Ninh vào cuối tháng 7, đầu tháng 8, với lượng mưa trong năm ngày bằng 72% tổng lượng mưa cả năm. Đặc biệt, tại Ninh Thuận, từ đầu vụ hè thu năm 2014 đến nay hầu như không có mưa, lượng mưa trên địa bàn tỉnh đạt thấp hơn trung bình nhiều năm, từ 40 đến 50%, diện tích trồng không đủ nước tưới là 2.107 ha. Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, từ đầu năm 2015, hạn hán, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, lốc, sét đã làm 98 người chết, 18 người mất tích, 112 người bị thương; làm 1.130 nhà sập đổ, cuốn trôi; 15.073 nhà bị ngập nước; 17.441 ha hoa màu bị ngập, hư hại; 4.057 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị thiệt hại; 1.977 gia súc, 43.250 con gia cầm chết; 4.636 ha nuôi trồng và 2.380 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại... Tổng thiệt hại về tài sản ước tính 5.465 tỷ đồng (chưa bao gồm thiệt hại do hạn hán). Các bộ, ngành, địa phương huy động 23.303 lượt người và 433 lượt phương tiện các loại triển khai các biện pháp ứng phó, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra. Tổ chức hỗ trợ, giúp 2.342 hộ với 8.242 người dân sơ tán, di dời từ khu vực ngập lụt, sạt lở đến nơi an toàn.

Cần có chiến lược

Theo ước tính, trong hơn 30 năm qua, bình quân mỗi năm thiên tai làm chết và mất tích khoảng 500 người, bị thương hàng nghìn người, thiệt hại về kinh tế khoảng 1,5% GDP, nay giảm xuống chỉ còn chưa đến 100 người. Tuy nhiên, thiệt hại do mưa lớn gây lũ quét và sạt lở đất vẫn khá lớn. Theo phân tích của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, nguyên nhân chủ yếu do biến đổi khí hậu. Bởi khoảng 20 năm trở lại đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các thiên tai liên quan đang trở nên xấu hơn, tới mức các nỗ lực để phòng, chống là chưa đủ. Nguy hiểm của biến đổi khí hậu chính là tính cực đoan. Khi biến đổi khí hậu biến chuyển thì tính cực đoan ngày càng tăng lên. Mặc dù thời gian qua chúng ta đã hoàn thành được bản đồ vùng ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; đồng thời xây dựng được bộ số liệu quan trắc diễn biến thời tiết. Tuy nhiên, bộ số liệu quan trắc theo quy luật hiện không còn nhiều giá trị.

Để công tác phòng, chống và giảm thiệt hại do thiên tai thời gian tới hiệu quả hơn, cần nhiều giải pháp mang tính đột phá. Trước mắt, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân ở những vùng thường xuyên xảy ra thiên tai; tập huấn để người dân có khả năng tự ứng cứu mình khi xảy ra sự cố. Thực tế, khi tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai được kiện toàn, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các thành viên, cơ chế phối hợp được xây dựng cụ thể, thực hiện đồng bộ thì sẽ chủ động phản ứng nhanh, phù hợp các tình huống thiên tai, từ đó giảm thiểu được thiệt hại. Mặt khác, cần xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó các tình huống có thể xảy ra, kể cả tình huống xấu nhất; tổ chức diễn tập, chuẩn bị vật tư, phương tiện đầy đủ, giám sát quyết liệt, kịp thời, chính xác sẽ hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Về lâu dài, các địa phương trong cả nước cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn; xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp quốc gia, kế hoạch và phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro, triển khai, hành động quyết liệt. Rà soát, đánh giá công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, dân cư đô thị, bảo đảm an toàn khi có các tình huống thiên tai như hạn hán, lũ lớn, bão mạnh, siêu bão, mưa lớn... lồng ghép phòng, chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, xây dựng kết cấu hạ tầng. Mặt khác, cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, nhất là hạn hán, mưa lớn cực đoan, lũ, lũ quét, sạt lở đất..., khẩn trương hoàn thành việc đánh giá phân vùng rủi ro, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, sạt lở đất làm cơ sở để các bộ, ngành, các địa phương thực hiện.

Những dự báo nêu trên sẽ làm cơ sở để các địa phương điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp khả năng cấp nước; đẩy nhanh tiến độ thi công công trình chống hạn. Bên cạnh việc triển khai công tác ứng phó với bão mạnh, mưa lũ lớn, các tỉnh miền trung và Tây Nguyên, cần chuẩn bị sẵn sàng các phương án chống hạn và thiếu nước nghiêm trọng sẽ xảy ra ngay từ những tháng đầu năm 2016. Trong đó cần vận hành hợp lý các hồ chứa thủy lợi, thủy điện nhằm vừa bảo đảm an toàn công trình vùng hạ du vừa bảo đảm cấp nước cho mùa kiệt. Quyết liệt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm mạnh diện tích lúa và các loại cây dùng nhiều nước để chuyển sang các cây dùng ít nước, sử dụng các kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm.

Tin khác

Tin tức 3 giờ trước
AI Day 2024 sẽ diễn ra tại The Adora Center (TP.HCM) với chủ đề “Ứng dụng AI - Chìa khóa kinh doanh bứt phá”. Đây là sự kiện giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận kiến thức, công cụ và ứng dụng AI để tối ưu chi phí vận hành, nâng cao hiệu suất và tạo lợi thế cạnh tranh.
Tin tức 4 giờ trước
(SHTT) - Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024 được tổ chức tại Quảng Ninh, dự kiến từ ngày 4 đến 9/11/2024.
Tin tức 5 giờ trước
(SHTT) - Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong quý I/2024, lĩnh vực quản lý nhà nước và báo chí truyền thông đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, được dư luận xã hội quan tâm, ghi nhận.
Tin tức 9 giờ trước
(SHTT) - Thời gian tới, Hải quan Quảng Ninh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Năm 2024, nhiều trường đại học tiếp tục cho phép thí sinh thực hiện quy đổi điểm IELTS trong tuyển sinh đầu vào. Tuy nhiên, mỗi trường đều có những quy định riêng, thí sinh cần lưu ý để đảm bảo quyền lợi khi thực hiện xét tuyển.