SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 03/05/2024
  • Click để copy

Buông lỏng quản lý bảo hiểm tự nguyện ở trường học

08:28, 06/11/2014
Bảo hiểm tự nguyện (hay còn gọi là bảo hiểm toàn diện; bảo hiểm thân thể) được triển khai phổ biến ở các trường học nhiều năm nay, nhằm bù đắp một phần tài chính do tai nạn, ốm đau xảy ra đối với học sinh, sinh viên. Gọi là tự nguyện bởi không bắt buộc phụ huynh, học sinh phải mua như bảo hiểm y tế. Nhà nước khuyến khích tham gia vì lợi ích của bảo hiểm mang lại. Thế nhưng bảo hiểm tự nguyện đã và đang bị làm trái nghiêm trọng ở nhiều trường trên địa bàn TP Hà Nội và một số địa phương khác.

Phụ huynh bất bình vì bị "ép" mua bảo hiểm

Trước ngày khai giảng hằng năm, Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội đều có văn bản yêu cầu các trường phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, không được ép buộc phụ huynh khi tham gia bảo hiểm tự nguyện. Chẳng hạn, năm học 2014 - 2015, Sở yêu cầu: "Gia đình học sinh có thể lựa chọn bất kỳ đơn vị bảo hiểm nào có đủ tư cách pháp nhân, có năng lực và phù hợp điều kiện của mình để lựa chọn tham gia. Tuyệt đối không được ép buộc, chỉ định hoặc giới hạn đơn vị bảo hiểm để gia đình học sinh phải tham gia". Tuy nhiên, thay vì phổ biến, vận động theo đúng trách nhiệm, nhiều trường học trên địa bàn lại "ép" phụ huynh mức tiền, ấn định doanh nghiệp bán bảo hiểm, loại hình bảo hiểm.

Có khá nhiều mức phí áp dụng khác nhau giữa các trường, có trường 50 nghìn đồng, 80 nghìn đồng hay 100 nghìn đồng... nhưng đều do nhà trường tự ý quyết định, dẫn đến tình trạng phụ huynh kêu ca mức tiền quá cao. Ðiều đáng nói, nhiều trường dùng "chiêu" thông báo gộp tiền bảo hiểm tự nguyện với tiền bảo hiểm y tế bắt buộc, dẫn đến nhiều phụ huynh nhầm lẫn đó là khoản nộp bắt buộc.

Vì trường thu tiền bảo hiểm thiếu minh bạch cho nên nhiều phụ huynh không biết mình đã mua sản phẩm của đơn vị bảo hiểm nào và đơn vị đó có uy tín hay không, trong khi thị trường bảo hiểm rất đa dạng như Bảo Minh, Bảo hiểm Bưu điện, Bảo hiểm Quân đội, Bảo hiểm Hàng không; Bảo Việt... Một số phụ huynh Trường tiểu học Kim Ðồng; tiểu học Chu Văn An... khi được phóng viên hỏi đều lắc đầu không biết mua của đơn vị bảo hiểm nào, dù đã đóng tiền cho trường từ đầu tháng 9.

Bức xúc nhất đối với phụ huynh là sau khi mua bảo hiểm cho con em, họ không được cấp hợp đồng, giấy chứng nhận, hay bất kỳ loại thẻ gì xác nhận học sinh đã tham gia bảo hiểm. Thực trạng này kéo dài nhiều năm nay và không phải phụ huynh nào cũng biết, việc các doanh nghiệp bảo hiểm trả thẻ là bắt buộc để đòi hỏi quyền lợi.

Trong khi theo quy định của Ðiều 17 và Ðiều 18 Luật Kinh doanh bảo hiểm, khi phụ huynh đồng ý mua, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải ký hợp đồng bảo hiểm với từng cá nhân và có nghĩa vụ cấp cho bên mua giấy chứng nhận bảo hiểm (thẻ bảo hiểm).

Chúng tôi đã làm việc với hiệu trưởng một số trường học trên địa bàn TP Hà Nội để tìm hiểu, xác minh những phản ánh, băn khoăn của phụ huynh. Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An (quận Tây Hồ) Nguyễn Thị Thúy Minh thừa nhận: "Trường có hai nghìn học sinh và hằng năm hơn 90% số học sinh tham gia bảo hiểm tự nguyện, nhưng hơn 10 năm nay chưa bao giờ học sinh có thẻ". Tại Trường tiểu học tư thục Quốc tế VIP Hà Nội, ông Trịnh Minh Giang, Giám đốc phụ trách giáo dục cho biết, nhà trường đã từng ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm như Hàng không, Bưu điện, Bảo Việt nhưng không có hãng nào trả thẻ cho học sinh. Tại các trường này và nhiều trường khác trên địa bàn Hà Nội chỉ lưu danh sách số học sinh mua bảo hiểm, khi học sinh bị ốm đau, có yêu cầu bảo hiểm thì trường sẽ căn cứ vào danh sách đó đi "lĩnh hộ" tiền từ doanh nghiệp bảo hiểm cho phụ huynh.

Từ thực tế nêu trên có thể thấy một nghịch lý tồn tại lâu nay là, nhà trường "nhiệt tình" quá mức trong việc "bán hộ" bảo hiểm tự nguyện nhưng lại lơ là quyền lợi của học sinh. Có phải vì hoa hồng được trích lại cho các trường khá cao, gần 20% số tiền bảo hiểm bán được!?

Cam kết sửa sai vì quyền lợi học sinh

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm, việc doanh nghiệp bảo hiểm không trả thẻ bảo hiểm là một sự buông lỏng có chủ ý và khá phổ biến của các doanh nghiệp bảo hiểm, nhằm ngăn cản việc đòi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Khi không có giấy tờ gì trong tay thì chẳng ai biết quyền lợi ra sao mà đòi; chẳng biết đòi ai; ở đâu, thậm chí quên việc mình đã mua bảo hiểm... Bên cạnh đó, còn giảm chi phí in thẻ và là kẽ hở cho việc bỏ tiền ngoài sổ sách và trốn thuế...

Nhiều nhà trường lý giải việc học sinh không có thẻ bảo hiểm là do nhà trường không nắm được quy định để "đòi" doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện. Còn doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra đủ lý do để biện minh cho sự vi phạm của mình... Ðại diện doanh nghiệp Bảo hiểm Bưu điện cho rằng: "Luật Kinh doanh bảo hiểm không có bất kỳ quy định nào yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm bắt buộc phải in Giấy chứng nhận bảo hiểm" (thẻ bảo hiểm), trong khi Ðiều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm đã quy định rất rõ nghĩa vụ cấp thẻ của nhà bảo hiểm. Có doanh nghiệp trả lời vì địa bàn các trường rộng, không có nhân lực để đưa đến từng học sinh...

Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi phát hiện "mánh" khá phổ biến của một số doanh nghiệp bảo hiểm là ký hợp đồng bán bảo hiểm với các trường nhằm giữ ổn định khách hàng. Trong hợp đồng bao giờ cũng có điều khoản ép buộc nhà trường "tái tiếp tục hợp đồng" trong nhiều năm và chỉ được tuyên truyền đến phụ huynh về bảo hiểm của riêng đơn vị mình. Việc "ngầm" cam kết với nhau như vậy là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Hơn nữa, nhà trường không có quyền ký vì không phải là bên mua, cũng không phải đơn vị được phụ huynh ủy quyền. Một khi còn tình trạng "bắt tay" nhau trái luật như vậy sẽ còn tái diễn việc phụ huynh bị "ép" mua bảo hiểm.

Tuy nhiên, dấu hiệu tích cực là, ngay sau khi làm việc với phóng viên, một số trường trên địa bàn Hà Nội nhận ra các sai sót và cho biết sẽ khắc phục ngay. Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An Nguyễn Thị Thúy Minh cho biết, năm học tới, nhà trường sẽ tăng cường việc tuyên truyền để phụ huynh nắm được bảo hiểm tự nguyện. Khi bài báo này chuẩn bị in, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thúy Minh kịp thời thông báo với chúng tôi, hơn hai nghìn học sinh toàn trường đã có thẻ bảo hiểm tự nguyện sau khi nhà trường yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm cấp phát. Hiệu trưởng Trường tiểu học Dân lập Lê Quý Ðôn cũng cam kết, nhà trường sẽ phổ biến nhiều mức phí bảo hiểm để phụ huynh lựa chọn tham gia. Còn đại diện Trường tiểu học Quốc tế VIP Hà Nội hứa sẽ tổ chức hội thảo và mời ngay đơn vị Bảo hiểm Hàng không về giải thích cho toàn thể phụ huynh nắm lại các nguyên tắc bảo hiểm, mức bảo hiểm, cấp thẻ cho học sinh toàn trường. Ngày 21-10 vừa qua, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Hoàng Văn Lịch, Phó Giám đốc Công ty Bảo Việt Hà Nội (doanh nghiệp chiếm 50% thị phần bảo hiểm tự nguyện ở Hà Nội). Tại cuộc làm việc này, ông Lịch cam kết sẽ khắc phục những hạn chế và in ngay thẻ bảo hiểm để cấp cho hơn 400 nghìn học sinh trên địa bàn Hà Nội. Thẻ bảo hiểm sẽ ghi đầy đủ các thông tin về số tiền đóng, mức được hưởng và số điện thoại để phụ huynh liên hệ.

Chúng tôi đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội về vấn đề quản lý bảo hiểm tự nguyện ở trường học. Phó Giám đốc sở Nguyễn Hiệp Thống thừa nhận, năm nào sở cũng ban hành văn bản chỉ đạo đầu năm học nhưng vẫn còn tình trạng một số trường chưa hướng dẫn đầy đủ để phụ huynh hiểu bản chất của bảo hiểm tự nguyện; đồng thời cho biết, sẽ có ý kiến với các phòng giáo dục để chấn chỉnh hoạt động này. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, trước thực trạng phụ huynh bị ép mua bảo hiểm như hiện nay, Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội không thể chỉ lo việc ban hành văn bản chỉ đạo đầu mỗi năm học, mà cần vào cuộc kiểm tra, đưa hoạt động bán bảo hiểm tự nguyện vào nền nếp.

Trong quá trình tìm hiểu tư liệu để viết bài này, chúng tôi còn nhận được phản ánh của phụ huynh ở nhiều địa phương như Thái Nguyên, Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh... về tình trạng phụ huynh bị "ép" mua bảo hiểm tự nguyện và không được cấp thẻ bảo hiểm tương tự như ở Thủ đô Hà Nội. Thậm chí, một số trường cao đẳng, đại học sinh viên bị "ép" mua bảo hiểm tự nguyện cho cả khóa học từ ba đến bốn năm, cũng không hề có thẻ bảo hiểm. Trên trang thông tin điện tử Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp (Bộ Công thương) còn công khai thông báo yêu cầu toàn thể học sinh - sinh viên tham gia đầy đủ hai loại bảo hiểm: Bảo hiểm Y tế và Bảo hiểm thân thể. Vậy là, tình trạng học sinh, sinh viên bị "ép" mua bảo hiểm tự nguyện khá phổ biến, gây bức xúc, hoài nghi cho phụ huynh, sinh viên nhiều nơi. Ðề nghị Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Ðào tạo, các sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố cần sớm kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm. Cần nâng cao trách nhiệm của các nhà trường để trả lại bản chất của bảo hiểm là tự nguyện và mục đích là chăm lo sức khỏe cho học sinh, sinh viên; không thể biến môi trường sư phạm thành nơi kinh doanh bảo hiểm trái pháp luật.

Tin khác

Tin tức 10 giờ trước
AI Day 2024 sẽ diễn ra tại The Adora Center (TP.HCM) với chủ đề “Ứng dụng AI - Chìa khóa kinh doanh bứt phá”. Đây là sự kiện giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận kiến thức, công cụ và ứng dụng AI để tối ưu chi phí vận hành, nâng cao hiệu suất và tạo lợi thế cạnh tranh.
Tin tức 10 giờ trước
(SHTT) - Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2024 được tổ chức tại Quảng Ninh, dự kiến từ ngày 4 đến 9/11/2024.
Tin tức 11 giờ trước
(SHTT) - Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong quý I/2024, lĩnh vực quản lý nhà nước và báo chí truyền thông đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, được dư luận xã hội quan tâm, ghi nhận.
Tin tức 15 giờ trước
(SHTT) - Thời gian tới, Hải quan Quảng Ninh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Năm 2024, nhiều trường đại học tiếp tục cho phép thí sinh thực hiện quy đổi điểm IELTS trong tuyển sinh đầu vào. Tuy nhiên, mỗi trường đều có những quy định riêng, thí sinh cần lưu ý để đảm bảo quyền lợi khi thực hiện xét tuyển.
Liên kết hữu ích