SO HUU TRI TUE
Thứ ba, 07/05/2024
  • Click để copy

Bước chân tình nguyện

09:53, 09/08/2014
Những ngày này, hàng ngàn hộ dân ở 14 xã - thị trấn của huyện Càng Long (tỉnh Trà Vinh) vui như trẩy hội. Vui vì được chạy xe bon bon trên những con đường bê tông còn nặng mùi nhựa mới; vui vì đã có nước sạch sử dụng, không phải lo nguy cơ mắc dịch bệnh do ăn uống bằng nước phèn… Để mang đến niềm vui đó cho bà con nơi đây, suốt 4 tuần qua, gần 800 chiến sĩ tình nguyện Trường Đại học Bách khoa TPHCM không quản xa xôi, vượt khó khăn làm nên những công trình dân sinh, giúp nâng cao đời sống cho bà con.

Xây đường trong đêm

22 giờ đêm, ấp Phú Đức 2 (xã Bình Phú, huyện Càng Long) vẫn còn náo nhiệt bởi tiếng nổ của máy trộn bê tông, máy cày chở vật liệu xây dựng và tiếng cười nói rôm rả của các sinh viên tình nguyện đang làm việc. Người vác đá, đầm chặt mặt đường, người dùng cuốc xẻng trải bê tông, người dùng bàn chà làm láng mặt đường… Nhóm này mệt, nhóm khác lại ra thay. Cứ thế, cách nhau 15 phút, tuyến đường Phú Đức 1 - 2 (nối quốc lộ 60 và quốc lộ 53) được khoác thêm một phần chiếc áo mới “bê tông hóa”.

Mặt nhễ nhại mồ hôi, Võ Đinh Công Tính (sinh viên năm 2, khoa Công nghệ - Vật liệu, ĐH Bách khoa TPHCM) nói: “Thời gian diễn ra chiến dịch chỉ 1 tháng, nhưng để láng nhựa hết tuyến đường này phải mất hơn tháng rưỡi. Để niềm vui của bà con được trọn vẹn, nửa tháng nay, ngoài thi công ban ngày, sinh viên tụi em còn chia ca thi công cả ban đêm, quyết làm cho xong mới về trường. Làm đêm tuy mệt nhưng giúp được bà con có con đường sá đi lại khang trang, tiện lợi là tụi em vui lắm”. Nỗ lực của các chiến sĩ tình nguyện đã và đang làm thay đổi diện mạo giao thông của huyện nghèo Càng Long. Ngoài tuyến đường Phú Đức 1 - 2 dài gần 6km chỉ còn khoảng 200m chưa bê tông đang được tiếp tục thi công, các tuyến đường Long Sơn - Phú Mỹ, Long Hòa - Đại Phúc, Rạch Cát có tổng chiều dài hơn 20km cũng vừa được các sinh viên tình nguyện “mặc áo bê tông” xong.

Chạy xe đạp cà tàng chở cháu nội đi học trên tuyến đường nhựa còn thơm mùi bê tông, ông Nguyễn Phú Tứ (nhà ở ấp Phú Đức 1, xã Bình Phú) lòng vui phơi phới. Ông nói: “Mới tuần rồi đi trên tuyến đường này, tôi còn hì hục dẫn xe do đường lầy lội, bùn sình, vậy mà giờ ngon thế này. Có con đường bê tông, dân tụi tui không chỉ đi lại tiện lợi, an toàn mà cuộc sống rồi đây cũng sẽ thay đổi hơn”. Nhìn xe cộ chạy bon bon qua lại trên đường bê tông trước nhà, bà Nguyễn Thị Kim Lan (ấp Phú Đức 2, xã Bình Phú) không giấu được vẻ hớn hở. Bà nói cả tháng nay, cả ấp ai nấy lòng cũng rạo rực, vui như đón tết vì có sinh viên tình nguyện về giúp đỡ xây cầu, làm đường. “Con đường bê tông này giúp nông dân chúng tôi thoát khỏi nạn ép giá của thương lái. Thay vì khăng khăng áp giá 4.700 đồng/kg lúa tươi như trước vì lấy cớ đường lầy khó vận chuyện, vụ này chưa tới kỳ thu hoạch nhưng họ đã đồng ý mua với giá 5.200 - 5.500 đồng/kg”.

Trước sự nhiệt tình của các sinh viên tình nguyện, người dân các xã ở huyện Càng Long cũng bày tỏ sự yêu thương, chăm sóc các bạn trẻ. Ngoài việc cùng với các tình nguyện viên làm đường, xây cầu, bố trí chỗ ngủ nghỉ chu đáo, các cô, các chị còn dậy sớm đi chợ, thức khuya nấu nướng để bồi bổ cho sinh viên. Mỗi khi có sinh viên tình nguyện đau bệnh, dân trong ấp cắt cử người đến bệnh viện chăm sóc các em.

Hết lo dịch bệnh

Không chỉ thay áo mới cho những con đường lầy lội, tháo gỡ khó khăn trong giao thông, các sinh viên tình nguyện ở TPHCM còn giúp người dân địa phương ở huyện Càng Long (Trà Vinh) giải tỏa nỗi lo sống chung với dịch bệnh. Ở huyện này, hiện nay vẫn còn hơn 200 hộ dân nghèo không có điều kiện kéo nối ống để sử dụng nước máy, phải sử dụng nước giếng hoặc nước rạch nhiễm phèn để nấu ăn và uống. Sau khi khảo sát các trường hợp thật sự khó khăn, các sinh viên tình nguyện Đại học Bách khoa TPHCM đã tiến hành lắp đặt hệ thống máy lọc nước đến từng hộ. Bất chấp đường ruộng khó đi, trời mưa phùn, nhóm 3 sinh viên (Nhung, Khoa và Khang, cùng là sinh viên năm nhất) di chuyển cát, đá lọc và thiết bị đến từng nhà dân.

Bên cạnh việc lắp đặt hệ thống máy lọc nước, các bạn còn hướng dẫn chi tiết cách sử dụng, thay thiết bị hư để bà con biết cách thay mới. Hứng xô nước lọc đầu tiên để tắm cho đứa cháu ngoại đang nổi mẩn đỏ, bà Đặng Mỹ Lị, nhà ở xã Đại Phước (huyện Càng Long) nói: “Nếu không được các cháu sinh viên tình nguyện giúp đỡ, không biết đến bao giờ chúng tôi mới hết lo sống chung với dịch bệnh. Cứ năm ba bữa là mấy đưa nhỏ nổi mẩn đỏ, tôi thì bị bệnh tả do sử dụng nguồn nước rạch ô nhiễm. Nhưng nếu không xài, chẳng biết lấy nước sạch đâu để xài. Giờ có máy lọc nước rồi, tôi và những hộ gần đây sống an tâm lắm”.

Tin khác

Tin tức 3 giờ trước
(SHTT) - Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng 6/5, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội đã đặt hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Chiều 5/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Trung tâm Báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chính thức khai trương, phục vụ hoạt động của phóng viên trong nước và nước ngoài; tổ chức điều hành, hướng dẫn báo chí tác nghiệp tại Lễ kỷ niệm.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Sáng ngày 4/5/2024, 24 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm thực hiện nhiệm vụ mới.
Tin tức 1 ngày trước
(SHTT) - Trong khuôn khổ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024 diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới. Trong đó yêu cầu, mỗi bộ, ngành, địa phương phải có 1 đề án chuyển đổi số.
Tin tức 2 ngày trước
(SHTT) - Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài nguyên môi trường về kết quả kiểm tra việc đấu giá 3 mỏ cát Châu Sơn, Liên Mạc, Tây Đằng - Minh Châu cao bất thường.