Bản quyền và những thách thức trong thời đại trí tuệ nhân tạo
Tại Việt Nam, AI được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây và được xem như một động lực quan trọng cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Minh chứng là, các công trình nghiên cứu và các sản phẩm, thực thể gắn liền với AI xuất hiện ngày càng nhiều. Chính phủ đã nhận định AI sẽ là công nghệ có tính đột phá trong 10 năm tới; đồng thời xác định đây sẽ là “mũi nhọn” cần được triển khai nghiên cứu nhằm tận dụng những cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Chính phủ cũng đã xây dựng chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 với việc ưu tiên phát triển AI thông qua nhiều nhóm chính sách. Trong đó, nguồn nhân lực được ưu tiên, như đào tạo AI bậc đại học, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp ứng dụng AI, ưu tiên đầu tư cho AI thông qua các quỹ, trung tâm đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế mà AI mang lại là những thách thức xã hội và pháp lý. Và tiêu biểu trong đó là thách thức đối với vấn đề bản quyền.
Việc tạo ra các tác phẩm bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo có thể có ý nghĩa rất quan trọng đối với luật bản quyền. Theo truyền thống, quyền sở hữu bản quyền đối với các tác phẩm do máy tính tạo ra không bị nghi ngờ vì chương trình chỉ đơn thuần là một công cụ trợ giúp quá trình sáng tạo, giống như một cây bút và tờ giấy. Các tác phẩm sáng tạo đủ điều kiện để được bảo vệ bản quyền nếu chúng là nguyên bản, với hầu hết các định nghĩa về tính nguyên bản đều yêu cầu tác giả là con người. Hầu hết các khu vực pháp lý, kể cả Tây Ban Nha và Đức, tuyên bố rằng chỉ những tác phẩm do con người tạo ra mới có thể được bảo vệ bản quyền.
Nhưng với những loại trí tuệ nhân tạo mới nhất, chương trình máy tính không còn là một công cụ nữa; nó thực sự đưa ra nhiều quyết định liên quan đến quá trình sáng tạo mà không cần sự can thiệp của con người.
Tại Châu Âu, Tòa án Tư pháp của Liên minh châu Âu (CJEU) đã tuyên bố bản quyền chỉ áp dụng đối với tác phẩm gốc và sáng tạo và phải phản ánh “sự sáng tạo trí tuệ riêng của tác giả”.
Còn ở một số quốc gia như Hồng Kông, Ấn Độ, Ireland, New Zealand và Vương quốc Anh thì họ trao quyền tác giả cho lập trình viên. Cách tiếp cận này được cho là tốt nhất trong luật bản quyền của Vương quốc Anh, phần 9(3) của Đạo luật Bản quyền, Thiết kế và Bằng sáng chế (CDPA) nêu rõ: “Trong trường hợp tác phẩm văn học, kịch, âm nhạc hay nghệ thuật được tạo ra từ máy tính, tác giả sẽ là người sắp xếp cần thiết cho việc tạo ra tác phẩm được thực hiện”.
Tại Việt Nam, theo đại diện Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL), việc thực thi bản quyền tác giả trên môi trường số được áp dụng theo Thông tư liên tịch 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL quy trình rõ trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông (ISP). Theo đó các ISP có quyền thiết lập hệ thống giám sát, kiểm tra, xử lý các thông tin được đưa vào, lưu trữ và truyền đi trên mạng Internet, mạng viễn thông nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Mặt khác, đơn phương từ chối cung cấp dịch vụ trái với các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, dù hệ thống hành lang pháp lý đã tương đối hoàn thiện nhưng rõ ràng với tốc độ phát triển như vũ bão, với nhiều thử thách mới liên tục được đặt ra, đơn cử như sự gia tăng các sản phẩm trí tuệ nhân tạo thì công tác bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn phải đối phó và cần nghiên cứu để có thêm những giải pháp hữu hiệu.
Mai Anh