SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 06/05/2024
  • Click để copy

Afghanistan bầu cử trong lo lắng

10:42, 05/04/2014
Hôm nay 5-4, khoảng 12 triệu cử tri Afghanistan sẽ đến 6.400 điểm bỏ phiếu để bầu ra một tổng thống mới sẽ lãnh đạo quốc gia Trung-Nam Á này trong 5 năm tới. Ngày hội của người dân Afghanistan đang đối mặt với nguy cơ bất ổn, bạo lực sau khi tổ chức Taliban đe dọa sẽ phá hoại cuộc bầu cử.

Những gương mặt sáng giá

Kết quả bầu cử sơ bộ sẽ được công báo vào ngày 24-4. Ngày công bố kết quả chính thức dự kiến là ngày 14-5. Nếu không có người thắng cử, bầu cử vòng hai sẽ diễn ra trong 2 tuần.

Đây là cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 3 kể từ khi chính quyền do Taliban nắm giữ sụp đổ vào năm 2001. 

Trong số các ứng cử viên tham dự cuộc chạy đua vào chiếc ghế tổng thống nổi lên 3 gương mặt đáng chú ý: ông Ashraf Ghani Ahmadzai, một cựu quan chức Ngân hàng Thế giới; ông Abdullah Abdullah, người từng thất bại trong cuộc chạy đua với đương kim Tổng thống Hamid Karzai 2009 và ông Zalmai Rasoul, một người thân cận với ông Karzai. Không có nhiều khác biệt trong những thông điệp được 3 nhân vật này đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử. Các ứng viên này đều cam kết chống tham nhũng, cải thiện nền kinh tế yếu kém, tạo công ăn việc làm, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. 

Bà Michele Flournoy, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, nước này đặc biệt quan tâm đến cuộc bầu cử tại Afghanistan bởi đây sẽ là cơ hội để Washington sửa chữa quan hệ với Kabul. Kể từ khi lên nắm quyền năm 2001, ông Karzai thường xuyên buộc tội Mỹ không đem lại hòa bình cho đất nước ông mà chỉ đem đến “bạo lực không có hồi kết”.

Đỉnh điểm trong mối quan hệ bất hòa này là việc Afghanistan từ chối ký hiệp định an ninh song phương vào năm ngoái. Mỹ có thể lạc quan đôi chút về quan hệ với Kabul hậu Karzai khi cả 3 gương mặt ứng viên sáng giá lần này đều tuyên bố sẽ ký hiệp định an ninh song phương với Mỹ nếu đắc cử. 

Điều này sẽ cho phép Mỹ duy trì số binh lính lên đến 10.000 người sau khi các lực lượng tham chiến của NATO rút khỏi Afghanistan vào cuối năm nay. Số binh sĩ này sẽ làm nhiệm vụ huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ lực lượng an ninh cho Afghanistan, tham gia các chiến dịch chống khủng bố. 

Ngoài ra, việc quân đội Mỹ đồn trú tại Afghanistan là một động thái để Mỹ chứng tỏ tầm ảnh hưởng cũng như để đảm bảo lợi ích của Mỹ tại Afghanistan và khu vực.

 Nỗi lo an ninh

Hàng loạt các vụ bạo lực trước bầu cử được cho là do Taliban tiến hành đã diễn ra, trong đó có vụ giết hại Hussain Nazari, một ứng viên tranh cử của tỉnh Sar-e-Pul, miền Bắc Afghanistan, gây rúng động dư luận nước này. Ngoài ra, một vụ đánh bom liều chết tại cổng ra vào của Bộ Nội vụ Afghanistan tại thủ đô Kabul làm 6 nhân viên an ninh thiệt mạng.

Để đối phó với những mối nguy về an ninh, khoảng 300.000 binh sĩ và nhân viên cảnh sát đã được triển khai trên khắp cả nước. Theo một số quan chức của LHQ tại Kabul, nhà chức trách Afghanistan đã được chuẩn bị tốt hơn cho cuộc bầu cử lần này. Khoảng 750 phòng phiếu tại những khu vực kém an ninh đã được đóng cửa, ít hơn nhiều so với 2.000 phòng phiếu bị đóng cửa năm 2009.

Ngoài an ninh, nỗi lo gian lận trong bầu cử cũng là vấn đề được dư luận quan tâm. Cuộc bầu cử tổng thống năm 2009 tại Afghanistan bị chỉ trích dữ dội khi xuất hiện hàng loạt cáo buộc về gian lận bầu cử, dồn phiếu vào thùng, phiếu ma... Tổng thống Karzai trở thành người chiến thắng trước khi bầu cử vòng hai được tổ chức sau khi ứng viên Abdullah Abdullah đã rút tên khỏi cuộc bầu cử. 

Cuộc bầu cử lần này được xem là bản lề cho sự ổn định và tương lai chính trị cũng như kinh tế của Afghanistan. Đây cũng là một trắc nghiệm về khả năng của lực lượng an ninh Afghanistan để đẩy lui những cuộc tấn công của các phần tử tranh đấu và duy trì an ninh cho đất nước họ.

Tin khác

Tin tức 3 ngày trước
(SHTT) - Gần đây, một giáo viên trung học ở Mỹ đã bị bắt vì sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giả mạo giọng nói của hiệu trưởng, tạo ra nội dung phát ngôn xúc phạm học sinh và đồng nghiệp. Những phát ngôn này sau đó được lan truyền rộng rãi và gây ra phản ứng tiêu cực trong cộng đồng.
Tin tức 1 tuần trước
(SHTT) - Mới đây, TikTok đã thông báo sẽ đình chỉ tính năng kiếm tiền gây tranh cãi trên nền tảng tại các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu. Được biết, đây là những động thái được đưa ra sau những cảnh báo từ Ủy ban Châu Âu.
Tin tức 1 tuần trước
(SHTT) - Mới đây, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật buộc công ty mẹ của TikTok, ByteDance phải bán nền tảng truyền thông xã hội này hoặc đối mặt với nguy cơ bị cấm. Tổng thống Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ ký vào dự luật này.
Tin tức 1 tuần trước
(SHTT) - Hàng trăm y tá từ khắp California đã mặc áo sơ mi đỏ và cầm biển hiệu ghi “Hãy tin tưởng y tá, không phải AI” biểu tình bên ngoài Trung tâm Y tế San Francisco của Kaiser Permanente để phản đối việc hệ thống bệnh viện lớn sử dụng trí tuệ nhân tạo để chăm sóc cho các bệnh nhân.
Tin tức 1 tuần trước
(SHTT) - Viện Phát triển và Quản lý quốc tế (IMD) phối hợp Tổ chức Thành phố Thông minh bền vững thế giới (WeGO) tháng 4/2024 đã công bố bảng xếp hạng các thành phố thông minh hàng đầu thế giới năm 2024. Trong đó, Hà Nội đứng ở vị trí thứ 97.