10 sự kiện nổi bật thị trường tài chính năm 2024


1. Quốc hội thông qua Luật sửa 9 Luật liên quan đến lĩnh vực tài chính

Với đại đa số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, ngày 29/11/24, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Luật này có 11 điều, bổ sung 2 điều mới so với dự thảo ban đầu. Một số nội dung sửa đổi đáng chú ý gồm: tăng mức xử phạt vi phạm trong kiểm toán độc lập, bổ sung quy định liên quan đến phân bổ ngân sách, và quản lý thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài trong lĩnh vực thương mại điện tử. Các quy định mới sẽ áp dụng từ 1/1/2025, ngoại trừ một số nội dung về chứng khoán và vốn chủ sở hữu bắt đầu từ 1/1/2026. Mục tiêu của luật là tăng cường tính minh bạch, hiệu quả quản lý tài chính và chống thất thu ngân sách.
2. Thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Australia, Pháp, Malaysia
Năm 2024, Việt Nam đạt những dấu mốc quan trọng trong quan hệ quốc tế với việc thiết lập Đối tác Chiến lược Toàn diện cùng ba quốc gia.

Ngày 7/3/2024, trong chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hai nước đã công bố thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Australia. Hai quốc gia thúc đẩy hợp tác sâu rộng, thực chất, hiệu quả trên các lĩnh vực như chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, thương mại đầu tư, nông nghiệp, quốc phòng, giáo dục, đào tạo…
Tháng 10/2024, Pháp trở thành quốc gia đầu tiên trong EU thiết lập Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam, thắt chặt hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục và quốc phòng, trong bối cảnh hai nước kỷ niệm hơn 50 năm quan hệ ngoại giao. Tháng 11/2024, Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, tập trung vào hợp tác kinh tế, an ninh khu vực và bảo vệ môi trường.
Như vậy, tính đến tháng 11/2024, Việt Nam có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với 9 quốc gia gồm Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp và Malaysia.
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện là cấp độ hợp tác cao nhất trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, thể hiện mối quan hệ sâu rộng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, giáo dục, và văn hóa. Những đối tác này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy vị thế quốc tế của Việt Nam, đồng thời đóng góp vào sự ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. Đặc biệt, lĩnh vực tài chính trong nước vừa hưởng lợi vừa đối mặt với nhiều thách thức từ các thành tựu ngoại giao này.
3. Chi ngân sách hàng nghìn tỷ đồng cứu trợ vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước trong tháng 11/2024 ước đạt 170,8 nghìn tỷ đồng, đưa lũy kế chi 11 tháng đầu năm lên khoảng 1.560,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 73,6% dự toán và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Các khoản chi này được thực hiện theo dự toán, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, cũng như thanh toán các khoản chi trả nợ đến hạn.
Trong cơ cấu chi ngân sách, chi đầu tư phát triển đạt khoảng 411 nghìn tỷ đồng, bằng 60,7% dự toán Quốc hội giao và 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. So với cùng kỳ năm trước, giá trị giải ngân giảm khoảng 50 nghìn tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ giảm từ 65,1% năm 2023 xuống còn 60,43% trong năm nay. Nguyên nhân chủ yếu đến từ tiến độ triển khai các dự án đầu tư công chưa đạt kỳ vọng tại một số địa phương và bộ ngành.

Chi trả nợ lãi ngân sách nhà nước ước đạt 82,2% dự toán, chi thường xuyên đạt 83,8%, trong khi chi dự trữ quốc gia ước đạt 89,4% dự toán. Các khoản chi thường xuyên tập trung vào việc đảm bảo các nhu cầu cơ bản như chi lương, chi an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, bão lũ, góp phần ổn định đời sống người dân và duy trì hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Đáng chú ý, năm 2024, thiên tai, bão lũ và dịch bệnh xảy ra cực đoan, bất thường, đã tạo áp lực lớn lên ngân sách nhà nước, buộc ngành tài chính Việt Nam phải tăng chi dự phòng và đẩy mạnh cứu trợ để khôi phục sản xuất và ổn định đời sống người dân. Trong số các khoản chi từ dự phòng ngân sách, Bộ Tài chính đã phân bổ 24,7 nghìn tỷ đồng cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Các khoản chi này bao gồm kinh phí dành cho quốc phòng, an ninh, hỗ trợ địa phương trong các tình huống đột xuất, và khôi phục sản xuất tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.
Ngoài ra, gần 16,78 nghìn tấn gạo từ dự trữ quốc gia cũng được xuất cấp để hỗ trợ người dân ở các vùng chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ và thiên tai, giúp khắc phục hậu quả và đảm bảo đời sống cơ bản cho nhân dân.
4. Việt Nam cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia
Năm 2024, Việt Nam đạt tiến bộ đáng kể trong cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia, với S&P và Fitch nâng mức tín nhiệm lên BB+ và Moody's nâng lên Ba2. Như vậy, đến tháng 9/2024, hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam theo thang điểm của S&P và Fitch chỉ còn cách định mức "Đầu tư" 1 bậc, và theo thang điểm của Moody’s cách 2 bậc, giúp Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu đạt định mức "Đầu tư" vào năm 2030.

Theo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, việc cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia là kết quả của việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường hệ thống tài chính - ngân hàng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đồng thời cũng là kết quả của các bộ, ngành tích cực trao đổi, chia sẻ các thông tin cập nhật với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm.
Việc cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia có ý nghĩa hết sức tích cực, tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế. Một mặt góp phần nâng cao uy tín của quốc gia, mặt khác gia tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế, cải thiện chi phí huy động vốn nước ngoài của cả Chính phủ và doanh nghiệp. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi dành cho Việt Nam đang giảm dần.
Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư đều mong muốn được tiếp cận thông tin chất lượng cao từ sự minh bạch dữ liệu. Các quốc gia phải đăng ký tiêu chuẩn phổ biến dữ liệu đặc biệt hoặc tiêu chuẩn phổ biến dữ liệu đặc biệt mở rộng; phải công bố dữ liệu về hoạt động của Chính phủ, nợ công và nợ nước ngoài một cách kịp thời với dữ liệu mới nhất không quá 12 tháng; dữ liệu phải được tổng hợp theo từng quý...
Theo báo cáo tháng 10 của Chính phủ với Quốc hội về tình hình nợ công năm 2024, các chỉ tiêu nợ đến cuối năm nay nằm trong giới hạn trần, ngưỡng cảnh báo an toàn được Quốc hội quyết định.
Cụ thể, nợ công ước khoảng 36-37% GDP, tương đương năm 2023. Với kịch bản tăng trưởng 7% theo mục tiêu đặt ra của Chính phủ năm nay, GDP 2024 khoảng 460 tỷ USD. Như vậy, nợ công khoảng 165 - 170 tỷ USD, tức 4 - 4,1 triệu tỷ đồng. Mức này tăng khoảng 100.000 - 200.000 tỷ đồng về giá trị tuyệt đối so với năm ngoái.
Ngoài ra, nợ Chính phủ 33-34% GDP; nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 32-33% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 50%. Các khoản trả nợ nước ngoài năm nay chiếm khoảng 8-9% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Số này cũng nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép (25%).
Theo báo cáo, các khoản nợ Chính phủ có 76% từ nguồn vay trong nước, trong đó chủ yếu là trái phiếu. Khối công ty bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các quỹ đầu tư, công ty tài chính nắm 62,5% tổng dư nợ trái phiếu Chính phủ. Phần còn lại do các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và các nhà đầu tư khác nắm giữ. Còn các chủ nợ nước ngoài chủ yếu là đối tác phát triển đa phương và song phương như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Nhật Bản và Hàn Quốc...
5. Ngành ngân hàng đẩy mạnh xác thực sinh trắc học

Từ ngày 1/7/2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các ngân hàng triển khai xác thực sinh trắc học đối với giao dịch trực tuyến. Tính đến tháng 12/2024, 38 triệu lượt khách hàng đã hoàn tất xác thực sinh trắc học, giúp giảm 50% số vụ lừa đảo và trên 70% số tài khoản nhận tiền lừa đảo.
Cụ thể, các giao dịch như chuyển tiền trong ngân hàng khác chủ tài khoản, chuyển tiền liên ngân hàng trong nước, nạp ví điện tử có giá trị trên 10 triệu đồng, hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày vượt quá 20 triệu đồng, đều yêu cầu xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học, hiện nay là xác thực bằng thông tin khuôn mặt.
Vietcombank là một trong những ngân hàng tiên phong áp dụng công nghệ này. Từ ngày 1/7/2024, Vietcombank đã triển khai xác thực bằng sinh trắc học cho các giao dịch trực tuyến và khuyến nghị khách hàng sớm cập nhật thông tin sinh trắc học trên ứng dụng VCB Digibank để tránh gián đoạn giao dịch. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể cập nhật thông tin sinh trắc học trực tuyến thông qua kết nối với ứng dụng VNeID hoặc sử dụng căn cước công dân gắn chip. Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, việc xác thực sinh trắc học cũng được các ngân hàng hỗ trợ từ xa. Khách hàng có thể sử dụng ứng dụng ngân hàng hoặc VNeID để thực hiện xác thực, hoặc liên hệ trực tiếp với ngân hàng để được hướng dẫn cụ thể.
Việc đẩy mạnh xác thực sinh trắc học trong ngành ngân hàng Việt Nam năm 2024 thể hiện nỗ lực của các tổ chức tài chính trong việc bảo vệ khách hàng trước các rủi ro gian lận và lừa đảo trực tuyến. Tuy còn một số khó khăn trong quá trình triển khai, nhưng với sự hỗ trợ và hướng dẫn từ các ngân hàng, khách hàng sẽ sớm thích nghi và hưởng lợi từ công nghệ bảo mật tiên tiến này.
6. Ổn định thị trường vàng, giảm chênh lệch giá vàng


Năm 2024, thị trường vàng tại Việt Nam ghi nhận nhiều biến động, đặc biệt là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới duy trì ở mức cao, đặt ra thách thức lớn trong việc ổn định thị trường và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
Trước tình hình này, NHNN đã thực hiện biện pháp bình ổn thị trường vàng thông qua tổ chức đấu thầu vàng miếng và bán vàng trực tiếp qua các ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank và SJC. Nhờ đó, chênh lệch giá vàng giữa trong nước và thế giới đã giảm mạnh từ 15-18 triệu đồng/lượng xuống còn 3 – 4 triệu đồng/lượng.
Đồng thời, NHNN cũng tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh vàng, hạn chế đầu cơ và kiểm soát chặt chẽ nguồn cung trên thị trường. Song song đó, việc quản lý nhập khẩu vàng nguyên liệu cũng được thắt chặt, đảm bảo không gây áp lực lớn lên tỷ giá và cán cân thương mại.
Về lâu dài, để ổn định thị trường vàng, nhiều ý kiến đề xuất NHNN nên bãi bỏ tình trạng độc quyền nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh vàng miếng, đảm bảo liên thông giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế.
7. Tăng hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp




Ngày 23/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi). Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật được xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khắc phục hạn chế của Luật số 69/2014/QH13.
Dự thảo điều chỉnh phạm vi theo hướng tập trung vào "đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp", thay vì bó hẹp vào "sử dụng vốn, tài sản", nhằm tăng tính tự chủ cho doanh nghiệp, giảm can thiệp hành chính, và tăng cường phân cấp gắn với trách nhiệm giải trình.
Dự thảo gồm 8 chương, 62 điều, quy định về quản lý, đầu tư, sắp xếp vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Các quy định bảo đảm phù hợp với Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan. Đề xuất thay đổi trao quyền tự chủ trong xây dựng kế hoạch kinh doanh cho doanh nghiệp, trong khi cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn sẽ đóng vai trò giám sát và đưa ý kiến định hướng chiến lược. Luật được kỳ vọng sẽ tạo cơ chế thị trường minh bạch hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước đổi mới, phát triển bền vững.
8. Giá Bitcoin liên tục thiết lập kỷ lục khuấy đảo thị trường tiền ảo

Ngày 16/12, giá Bitcoin vượt mốc 107.000 USD, mức cao nhất trong lịch sử, sau tuyên bố của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về kế hoạch mở một "dự trữ chiến lược Bitcoin quốc gia". Tuyên bố này đã kích thích sự hưng phấn của giới đầu tư trong bối cảnh thị trường tiền số vốn đã sôi động.
Tâm lý tích cực của nhà đầu tư cũng được củng cố bởi việc MicroStrategy, một công ty đầu tư Bitcoin lớn, được đưa vào chỉ số Nasdaq 100. Điều này không chỉ gia tăng giá trị vốn hóa của MicroStrategy mà còn mở rộng tiềm năng huy động vốn, từ đó thúc đẩy hoạt động đầu tư vào Bitcoin.
Ông Trump cho biết Mỹ cần dẫn đầu trong lĩnh vực tiền số để cạnh tranh với các quốc gia khác, như Trung Quốc và Nga, đang đón nhận mạnh mẽ tiền điện tử. Chính sách này, cùng các động thái bổ nhiệm nhân sự ủng hộ tiền số vào các vị trí quan trọng, đã tạo thêm động lực cho giá Bitcoin tăng mạnh.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng việc xây dựng dự trữ chiến lược Bitcoin cần được xem xét kỹ lưỡng do tiềm ẩn nhiều hệ quả đối với thị trường và nhà đầu tư. Kể từ khi ông Trump tái đắc cử vào tháng 11, giá Bitcoin đã tăng hơn 50%, góp phần đưa tổng giá trị thị trường tiền số toàn cầu vượt 3,8 nghìn tỷ USD.
9. Thị trường ví điện tử gần bão hòa, các “ông lớn” phải thay đổi định vị
Ví điện tử đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển đổi số và xu hướng không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này đang bước vào giai đoạn bão hòa, đối mặt với áp lực từ ngân hàng, tập đoàn công nghệ lớn, và chính bài toán lợi nhuận.
Hiện tại, chỉ một số ít ví điện tử như MoMo, VNPAY chiếm lĩnh thị phần đáng kể, trong khi nhiều ví nhỏ hơn chật vật duy trì hoặc bị loại khỏi thị trường. Các ví lớn chủ yếu tập trung vào thành thị, nơi có thói quen sử dụng công nghệ, trong khi khu vực nông thôn vẫn gặp rào cản về hạ tầng và thói quen tiêu dùng.

Áp lực từ ngân hàng và các "ông lớn" như Apple Pay, Google Pay khiến ví điện tử phải mở rộng tính năng để duy trì sức hút. Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào ưu đãi và chi phí cao đã khiến nhiều ví dù có doanh thu lớn vẫn lỗ nặng.
Để trụ vững, các ví điện tử đang chuyển đổi chiến lược. MoMo định vị thành "trợ thủ tài chính với AI", tích hợp các tính năng đầu tư, tiết kiệm, và quản lý tài chính. Trong khi đó, VNPAY tận dụng hệ sinh thái toàn diện, từ thanh toán đến dịch vụ taxi, để duy trì vị thế trên thị trường.
Trước đó, vào tháng 7, Zalopay đã chính thức giới thiệu định hướng và bộ nhận diện thương hiệu mới, do đội ngũ nội bộ nghiên cứu và sáng tạo. Logo mới sử dụng hai tông xanh trẻ trung, với thiết kế mở và chữ “P” viết thường, biểu trưng cho sự tinh gọn và liền mạch. Zalopay kỳ vọng sự thay đổi này sẽ khơi dậy cảm hứng cho khách hàng, giúp họ tự tin vượt qua giới hạn và khám phá những trải nghiệm tài chính mới mẻ.
10. Kiểm soát thị trường tiền tệ trước sức ép từ quốc tế
Tuần 16-20/12, NHNN đã phải thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát thị trường tiền tệ và ổn định tỷ giá trước sức ép từ quốc tế. NHNN hút ròng hơn 25.675 tỷ đồng qua kênh thị trường mở và phát hành tín phiếu trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng với lãi suất 4%, nhằm kiểm soát dòng tiền và giảm áp lực thanh khoản trong hệ thống ngân hàng.

Cùng thời điểm, chỉ số DXY tăng mạnh do quyết định cắt giảm lãi suất của Fed, nâng giá trị USD trên thị trường quốc tế, gây sức ép lên đồng VND. Tỷ giá USD/VND tăng, nhiều ngân hàng thương mại phải mua USD từ NHNN, trong khi NHNN tiếp tục bán ngoại tệ để “hạ nhiệt” tỷ giá.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất VND giảm ở hầu hết các kỳ hạn ngắn, nhưng lãi suất USD có xu hướng tăng nhẹ, làm thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa USD và VND. NHNN đã sử dụng đồng bộ các công cụ tín phiếu và OMO để vừa ổn định thanh khoản, vừa giảm sức ép tỷ giá.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thừa nhận thách thức trong ổn định tỷ giá do diễn biến phức tạp của đồng USD. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ và cân nhắc các biện pháp can thiệp nếu cần thiết để ổn định thị trường.
Tin khác
