SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 03/05/2024
  • Click để copy

Xây dựng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hợp lý

10:56, 23/09/2015
Rất nhiều ý kiến khác nhau về các phương án giá bán lẻ điện đã được đưa ra tại hội thảo “Dự thảo đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện” do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp Bộ Công thương tổ chức ngày 22-9 tại Hà Nội. Việc tính toán biểu giá điện bảo đảm hài hòa lợi ích giữa ba bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng dường như là bài toán khó tìm lời giải.

Hài hòa lợi ích các bên

Dự thảo “Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện” đưa ra ba phương án: Giữ nguyên sáu bậc thang như hiện hành; Quy định một mức giá (đồng giá) với mức giá điện sinh hoạt bình quân trong biểu giá bán điện hiện hành tại Quyết định 2256/QĐ-BCT ngày 13-5-2015 của Bộ Công thương là 1.747 đồng/kW giờ; Rút gọn từ sáu bậc xuống ba hoặc bốn bậc. Theo Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri, các phương án này đều có những ưu, nhược điểm riêng, nhưng đều dựa trên các mục tiêu: bảo đảm thuận lợi cho hộ sử dụng điện và quản trị doanh nghiệp, nâng cao tính công khai, minh bạch, khuyến khích tiết kiệm điện, giảm bù chéo giữa các đối tượng khách hàng, bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh. EVN cũng tham khảo và học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong xây dựng đề án này phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, xây dựng giá điện nên để Bộ Công thương chủ trì, đồng thời không thể xây dựng giá điện mà không ảnh hưởng đến một số nhóm đối tượng tiêu dùng. TS Ngô Trí Long cho rằng, xu thế các nước trên thế giới giá điện sinh hoạt rẻ hơn giá điện cho sản xuất, nhưng nước ta thì ngược lại. Từ năm 2009, giá điện sinh hoạt đã điều chỉnh tăng chín lần và mỗi lần điều chỉnh dường như đều không tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Do vậy, việc tính toán hài hòa lợi ích giữa ba bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng cần có lời giải thích đáng.

Ở góc độ người tiêu dùng, Phó Chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, phương án xây dựng một mức giá không phù hợp, nhất là theo tiêu chí đề cao tiết kiệm điện. Cần tính toán kỹ các yếu tố cấu thành giá bán điện và ban hành các phương án tốt nhất. Vì thực tế, nhiều người tiêu dùng vẫn mang nặng ý nghĩ tất cả các chi phí phát sinh đều tính vào giá điện, trong khi chưa đặt nặng vấn đề quản lý chống thất thoát, lãng phí trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, vẫn có một số hiện tượng quan liêu trong việc ghi số công-tơ, thu tiền điện..., làm ảnh hưởng đến toàn ngành điện, đòi hỏi sự công khai, minh bạch hơn.

Tính theo bậc thang lũy tiến

Quan điểm được nhiều ý kiến đồng tình là giá điện sinh hoạt tính theo bậc thang lũy tiến một cách hợp lý. Theo GS Trần Đình Long, việc tính toán bao nhiêu bậc thang không quan trọng, đó là phần việc của nhà quản lý và doanh nghiệp. Điều cần thiết là chia bậc thang và cách tính lũy tiến như thế nào cho hợp tình, hợp lý, nhằm bảo đảm lợi ích của các bên. “Nên theo phương án tính theo bậc thang lũy tiến với năm bậc, gần giống với phương án 1, trong đó gộp hai bậc đầu tiên làm một (từ 100 kW giờ trở xuống) vì đây là phân khúc các hộ sử dụng điện là đối tượng người nghèo, hộ chính sách, người hưởng lương ngân sách. Đồng thời, tính toán giãn biên độ bậc thang lũy tiến và tính giá thật cao các hộ sử dụng nhiều điện, tương ứng với bậc thang cao nhất”, GS Trần Đình Long nhận định.

Cùng chung quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, có một nghịch lý của giá điện là đầu vào tính theo giá thị trường, ngoại trừ một số nhà máy điện được áp giá nguyên, nhiên liệu theo chỉ đạo của Chính phủ, còn đầu ra phải tuân thủ mức giá quy định. Trong khi đó, số lượng hộ sử dụng điện là hộ nghèo, cận nghèo, công chức chiếm khoảng 60% tổng số hộ sử dụng điện. Do vậy, giá điện cần tính toán bậc thang lũy tiến bảo đảm quyền lợi cho số đông. Điện là một ngành đặc thù với nguồn tài nguyên không tái tạo và trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế như hiện nay, cần đề cao nguyên tắc tiết kiệm điện, chứ không nên dựa trên nguyên tắc người sử dụng nhiều điện được trả ít tiền điện.

Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri chia sẻ, hiện nay, nước ta mới trong giai đoạn thị trường phát điện cạnh tranh và để đến được giai đoạn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh còn rất nhiều việc phải làm và không tránh khỏi những xáo trộn. Với tỷ lệ điện tăng trưởng trung bình 12%/năm, EVN ngoài sản xuất, kinh doanh điện, còn được Chính phủ giao nhiều công tác khác liên quan đến thu xếp vốn đầu tư lưới nguồn, “bà đỡ” cho thị trường bán lẻ điện cạnh tranh trong tương lai. Do vậy, việc tính toán hợp lý giá điện rất quan trọng và cần sự chia sẻ từ phía người tiêu dùng theo phương châm kêu gọi tiết kiệm điện. EVN sẽ tiếp thu mọi ý kiến đóng góp, phối hợp Bộ Công thương sớm hoàn chỉnh đề án về giá bán điện trình Chính phủ trong tháng 10. Cục trưởng Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, bộ sẽ tập trung cùng EVN xây dựng đề án về giá điện phù hợp với lộ trình và quy định của Chính phủ về thị trường điện, trong đó có tính đến khả năng ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, chính sách. Đồng thời, tiếp tục triển khai các đề án: nâng cao năng suất lao động trong ngành điện với mục tiêu trong năm nay tăng 8,5%/năm và giảm tổn thất điện năng 8%/năm trong năm 2015.

Nếu chỉ tập trung tháo gỡ về giá điện mà các yếu tố khác như lương, thu nhập người dân... không thay đổi, hiệu quả sẽ không cao. Thực tế giá điện hiện nay không chỉ đơn thuần là vấn đề tài chính mà còn bao hàm nhiều yếu tố về xã hội, do đó chưa có phương án giá điện nào hoàn hảo.

PGS, TS TRẦN ĐÌNH THIÊN

Viện trưởng Kinh tế Việt Nam

Tin khác

Kinh tế 1 giờ trước
(SHTT) - Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu “hạt tiêu” trong hơn 20 năm qua. Mặc dù giá tiêu liên tục tăng, tuy nhiên giá mặt hàng này của nước ta lại xếp chót bảng so với các nước xuất khẩu trên thế giới.
Kinh tế 1 giờ trước
(SHTT) - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 4/2024 ước đạt 520 triệu USD, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 4 tháng qua, xuất khẩu ngành hàng này mang về 1,804 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ.
Kinh tế 5 giờ trước
(SHTT) - Thực hiện chỉ đạo của Cục QLTT tỉnh, thời gian qua, các phòng chuyên môn, Đội QLTT các địa phương đã sớm xây dựng kế hoạch kiểm soát thị trường; chủ động phối hợp với các ngành, địa phương, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Theo điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15 giờ chiều nay (2/5), giá xăng tăng nhẹ. Mỗi lít xăng RON95 tăng 40 đồng, giá bán lên mức gần 25.000 đồng/lít.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Sau 6 ngày diễn ra (từ 26/4 đến 1/5), Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024 đã thu hút gần 56.000 lượt khách tham quan mua sắm, doanh thu đạt 17,9 tỷ đồng.
Liên kết hữu ích