SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Trên 20 ngân hàng giảm lãi vay, loạt ngân hàng được cấp room tín dụng

05:45, 11/03/2023
Những tin ngân hàng nổi bật tuần qua như: Chính phủ yêu cầu NHNN giảm lãi suất cho vay, tập trung xử lý ngân hàng yếu kém; Chi tiết 11 ngân hàng được cấp room tín dụng, hạn mức cao nhất thuộc về MSB;...

Chính phủ yêu cầu NHNN giảm lãi suất cho vay

Tin ngân hàng đầu tiên nổi bật tuần qua liên quan đến lãi suất. Theo Nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm lãi suất hợp lý, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát.

Về tín dụng, Chính phủ giao NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với cơ cấu hợp lý, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng áp dụng các biện pháp hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát rủi ro tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Ngoài ra, cần có các giải pháp tín dụng phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và các thị trường khác. Điều hành tỷ giá phù hợp, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Chính phủ cũng giao NHNN tập trung xử lý hiệu quả các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu phát sinh mới; tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trình Chính phủ trong tháng 3 năm 2023.

Đối với chính sách tiền tệ, NHNN cần điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách khác, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thúc đẩy tăng trưởng.

tin-ngan-hang1
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ảnh: NHNN)

Tin ngân hàng giảm lãi suất cho vay

Tuần qua, tin ngân hàng giảm lãi suất cho vay thu hút sự quan tâm của dư luận. Tại thời điểm ngày 10/3 cho thấy đã có nhiều nhà băng giảm lãi suất cơ sở - lãi suất để tính lãi suất cho vay.

Tại Sacombank , lãi suất cơ sở cao nhất đối với các khoản vay trung và dài hạn, của khách hàng cá nhân giảm từ mức 10,4% hồi cuối tháng 2 xuống còn 10%/năm, áp dụng từ ngày 6/3.

Tại SeABank , lãi suất cơ sở đối với các khoản vay giải ngân và ký hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ của khách hàng cá nhân hiện đang là 11%/năm, giảm 1% so với lần cập nhật trước.

Tại Techcombank , từ ngày 09/3/2023, lãi suất cơ sở đối với các gói vay của khách hàng doanh nghiệp có kỳ hạn 1-12 tháng áp dụng ở mức 10,23-11,53%/năm.

VPBank cũng đã cập nhật lãi suất cơ sở đối với các doanh nghiệp lớn. Theo đó, các khoản vay có kỳ hạn dưới 1 năm là 10,2-11%/năm.

Với TPBank, lãi suất cơ sở đối với khách hàng cá nhân là 10,25 -11,75%/năm; với doanh nghiệp là 9,55-10,65%/năm.

Các khoản vay trước 2019 đang được VIB áp dụng mức lãi suất cơ sở 11,5%. Với các dư nợ được giải ngân từ 2019, con số sẽ dao động từ 9,3-11,7%/năm.

SHB cũng đang áp dụng lãi suất cơ sở từ 10,7-11%/năm đối với các khoản tín dụng của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp có kỳ hạn dưới 12 tháng.

Thông thường, các ngân hàng sẽ tính lãi suất cho vay bằng lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ kinh doanh từ 3-4%. Với các đợt điều chỉnh lần này, gánh nặng lãi vay của các khách hàng trong giai đoạn thả nổi được kỳ vọng sẽ nhẹ hơn đáng kể.

Gần đây các ngân hàng đã đồng thuận kéo giảm lãi suất huy động. Tại thời điểm ngày 10/3, chỉ còn vài ba ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi cao nhất trên 9%, thay vì mức 9,5 - 10%, thậm chí 11% như trước.

Theo giới chuyên gia, việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Nhiều vướng mắc quy định tài sản đảm bảo, xử lý nợ xấu

Tại buổi Tọa đàm Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức ngày 8/3, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) đóng vai trò hết sức quan trọng cho hoạt động của hệ thống các TCTD. Việc sửa đổi Luật các TCTD năm 2017 đã bổ sung những quy định xử lý các TCTD được kiểm soát đặc biệt, bổ sung các quy định nhằm nâng cao năng lực quản trị điều hành của TCTD…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đến nay các Luật liên quan đã được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung và cùng với việc phát triển, thay đổi mạnh mẽ của công nghệ, Luật các TCTD đã phát sinh một số hạn chế, cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa phù hợp. Ông Hùng cho biết, hiện quy định hiện hành có nhiều vướng mắc các quy định liên quan đến xử lý nợ xấu và xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu.

ngan-hang-jpeg-2473-1655948684-860x020230309084648-1155272
Ảnh: Internet.

Đồng ý với quan điểm ông Hùng, bà Nguyễn Thị Vân Hoài - Giám đốc cao cấp quản trị quan hệ công Techcombank cho rằng: “Trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD, việc áp dụng các biện pháp bảo đảm giữ vai trò đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm khả năng thu hồi vốn của TCTD. Do vậy cần thiết phải có một hành lang pháp lý rõ ràng và minh bạch để bảo vệ bên cho vay, bên nhận bảo đảm trong các trường hợp bên vay không có khả năng trả nợ hoặc chây ì không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho các TCTD”.

“Hiện quy định hiện hành có nhiều vướng mắc các quy định liên quan đến xử lý nợ xấu và xử lý tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu”.

Theo đó, bà Hoài cho hay, việc sửa đổi với nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên nhận bảo đảm khi xử lý TSBĐ, Luật về xử lý nợ xấu cần quy định rõ: Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng trước khi thanh toán các nghĩa vụ khác của bên bảo đảm (bao gồm cả các nghĩa vụ thuế, án phí, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm).

Cũng tại Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Phương - Giám đốc Ban Pháp chế BIDV - kiến nghị trong thời hạn 5 năm (hoặc một thời điểm cụ thể mà Ngân hàng Nhà nước đánh giá là phù hợp) kể từ ngày TCTD nhận bất động sản để thay thế nghĩa vụ trả nợ của khách hàng, TCTD phải bán, chuyển nhượng; hoặc quyết định làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của TCTD.

Ngành ngân hàng sẽ rất khó khăn trong năm 2023, đỉnh điểm rơi vào quý I

Tại talkshow "Cập nhật vĩ mô tháng 3/2023", ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cho rằng nhiều khả năng ngành ngân hàng sẽ gặp khó khăn vì tín dụng tăng trưởng tương đối thấp.

"Năm 2023, một vài đơn vị dự phóng lợi nhuận ngành ngân hàng có thể tăng trưởng 5-10%. Nhưng, tôi cho rằng những con số dự phóng này vẫn hơi tích cực bởi 2022 là một năm mà lợi nhuận của các ngân hàng nhìn chung khá cao. Do đó, năm 2023, để ngân hàng tăng trưởng khoảng 10% là hơi khó.

Hay nói cách khác, năm 2023 sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận tương đối tiêu cực chứ không tích cực như một số dự phóng cập nhật đến thời điểm hiện tại. Bởi những nhóm ngành dẫn dắt thị trường chính như ngân hàng, bất động sản sẽ rất khó khăn trong 2023, đỉnh điểm sẽ rơi vào quý I và giảm dần vào quý III, quý IV," ông Báu cho hay.

Nhìn vào kết quả kinh doanh năm 2022, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) toàn bộ hệ thống giảm rất nhanh, làm chi phí vốn tăng, NIM của các ngân hàng bị ảnh hưởng. Lãi suất đầu vào cũng tăng, đầu ra gặp khó khăn bởi thị trường bất động sản.

Đồng quan điểm, ông Phan Lê Thành Long, CEO AFA Group cho rằng có khá nhiều chỉ số vĩ mô sẽ tác động trực tiếp vào ngành ngân hàng – ngành chiếm trọng số lớn nhất về lợi nhuận trên thị trường chứng khoán. Kinh tế ảm đạm dẫn đến nhu cầu tín dụng cũng bị ảnh hưởng theo, do đó tăng trưởng tín dụng quý I năm nay chắc chắn là thấp, đương nhiên kết quả lợi nhuận của ngân hàng sẽ yếu đi.

Chi tiết 11 ngân hàng được cấp room tín dụng, hạn mức cao nhất thuộc về MSB

tin-ngan-hang

Theo Chứng khoán VNDirect trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng ngày 9/3, Ngân hàng Nhà nước trong tháng 2 đã cấp hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng và MSB (Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam) đạt được hạn mức tốt nhất trong số các ngân hàng (13,5%).

Room tín dụng của các ngân hàng khác, theo VNDirect, là HDBank (11%), ACB (9,8%), Vietcombank (9,8%), VIB (9,5%), Techcombank (9,5%), TPBank (9,1%), VPBank (9%), MB (9%), BIDV (8,3%), LienVietPostBank (8%).

Các ngân hàng này có danh mục tín dụng đa dạng, tham gia hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém, có chất lượng tài sản lành mạnh và thanh khoản dồi dào như Vietcombank, ACB, HDBank, MSB...

Nhận định về dòng chảy tín dụng năm 2023, VNDirect cho rằng, tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại và đạt khoảng 12%, nguyên nhân do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và lãi suất cao.

Một yếu tố nữa được nêu ra là lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao do mức tăng tiền lương 20,8% có hiệu lực từ tháng 7/2023 và việc tăng giá ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng… Cuối cùng, thanh khoản hạn hẹp, dù đã có phần cải thiện, cũng là một nguyên nhân có thể làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng trong năm nay, theo VNDirect.

VNDirect cho rằng, căng thẳng thanh khoản hệ thống đã diễn ra từ quý III/2022. Năm 2022 cung tiền M2 chỉ tăng 3,6% so với đầu năm (tính đến cuối tháng 11/2022), thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng 14,8%. Điều này cho thấy áp lực về thanh khoản hiện hữu và hệ số dư nợ tín dụng/ vốn huy động (LDR) của các ngân hàng đều tăng đáng kể so với 2021. Tuy nhiên áp lực này đã phần nào dịu bớt kể từ đầu năm 2023.

Lãnh đạo LienVietPostBank không bán hết số cổ phiếu đăng ký trong thời gian giao dịch

Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM ngày 8/3 đã đăng thông tin giao dịch chứng khoán có liên quan đến cổ đông nội bộ tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, mã: LPB).

Cụ thể, ông Vũ Quốc Khánh - Phó Tổng Giám đốc tại ngân hàng Liên Việt đã đăng ký bán ra 100.000 cổ phiếu LPB trong thời gian từ ngày 7/2 đến ngày 6/3/2023. Tuy nhiên sau khi hết thời hạn giao dịch, ông Khánh chỉ bán được 91.000 cổ phiếu.

Trước đó, số lượng cổ phiếu mà Phó Tổng Giám đốc tại ngân hàng này đang nắm giữ là 1,09 triệu cổ phiếu tương đương 0,063% vốn điều lệ của ngân hàng. Sau giao dịch, ông Khánh còn giữ tổng 1,853 triệu cổ phiếu, tương ứng với 0,058% vốn điều lệ của ngân hàng.

Tạm tính theo giá cổ phiếu phiên giao dịch ngày 6/3 là 14.250 đồng/ cổ, ông Khánh đã thu về 1,29 tỷ đồng. Chốt phiên giao dịch ngày 8/3, cổ phiếu LPB tăng nhẹ 2,1%, đóng cửa ở mức 14.650 đồng/ cổ phiếu. Phục hồi hơn 88% so với đáy phiên ngày 16/11/2022 là 7.790 đồng.

tin-ngan-hang3
Diễn biến cổ phiếu LPB

Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm

Theo thông tin tổng hợp mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN),trong tháng 2, mặt bằng lãi suất đã ổn định và thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm.

Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm (so với cuối năm 2022) và đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân, theo báo cáo của các ngân hàng.

Trong thời gian qua, NHNN đã theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT. Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tích cực tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Từ ngày 6/3, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi. Trong đó, 4 ngân hàng quốc doanh (Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV) đã giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.

Các ngân hàng cổ phần khác giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.

Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Hoàng Long (t/h)

Tin khác

Tin Tổng hợp 6 tháng trước
(SHTT) - Nhân viên tại cửa hàng 97 Trần Duy Hưng có 02 loại chính là “Lê sữa” và “Lê nâu” đều có xuất xứ chính hãng từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng có mặt kiểm tra, đại diện cơ sở kinh doanh từ chối trả lời các câu hỏi với lý do “chỉ trông hộ cửa hàng”.
Tin Tổng hợp 9 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 17/7, Bắc Bộ và Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa kéo dài.
Tin Tổng hợp 9 tháng trước
Dự báo thời tiết ngày 11/7, Bắc và Trung Bộ tiếp diễn những ngày nắng nóng gay gắt, từ chiều tối về đêm có mưa rào rải rác.
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Mới đây, Vinhomes đã tung chính sách bán hàng “khủng chưa từng có” với khoản hỗ trợ lãi suất lên tới hơn 3 năm cho khách hàng mua căn hộ
Tin Tổng hợp 1 năm trước
Bùng nổ quyết tâm, khát khao mạnh mẽ và tràn đầy khí thế trong từng khoảnh khắc là hình tượng của các chiến binh sales tham gia lễ kick-off Crystal Holidays Harbour Vân Đồn - dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô bậc nhất tại Quảng Ninh thời điểm hiện tại.