SO HUU TRI TUE
Thứ hai, 06/05/2024
  • Click để copy

Thế mạnh làm chủ công nghệ

08:29, 15/01/2014
Nếu mua “Hệ thống quản lý vùng trời” với giá chào bán cả trăm triệu USD, cũng chưa chắc được chuyển giao công nghệ kèm theo nhưng khi biết Viettel đã nghiên cứu và làm chủ công nghệ này thì đơn vị nước ngoài liền hạ giá xuống còn 60 triệu USD rồi 20 triệu USD cùng công nghệ chuyển giao… Đây chỉ là câu chuyện điển hình về giá trị của việc làm chủ công nghệ, và còn nhiều câu chuyện khác khi nhìn Viettel dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu, sản xuất thiết bị phục vụ an ninh quốc phòng và cả đời sống xã hội.

Sâu hơn

Bàn tiếp câu chuyện về “Hệ thống quản lý vùng trời”, ông Nguyễn Tuấn Minh, Trưởng phòng KH-CN Viện Nghiên cứu Viettel, cho biết thêm: “Giá trị của việc làm chủ công nghệ đã được khẳng định, trước mắt có thể thấy đã tiết kiệm được rất nhiều ngoại tệ. Đến năm 2015, chúng tôi sẽ hoàn thành toàn diện hệ thống này, trong đó mục tiêu quan trọng là tăng độ chính xác và xác định mục tiêu nguy hiểm”.

Dưới sự đầu tư nhân lực cũng như tài chính từ Viettel, các đơn vị trực thuộc đã nghiên cứu hàng loạt thiết bị giữ vai trò then chốt. Khi đến Công ty Thông tin M1, nơi sản xuất thiết bị quân dụng thông tin quân sự cho lục quân, mới thấy hết những giá trị mang lại với dây chuyền sản xuất có sản lượng 5.000 máy/năm cùng các thiết bị đo lường hiện đại, hệ thống quản lý và kiểm soát tiên tiến. Hiện dây chuyền của nhà máy sản xuất 8 loại máy thông tin quân sự như máy thu phát VTĐ sóng ngắn 5W, máy thu VTĐ sóng cực ngắn hay máy phát VTĐ công suất 150W… đáp ứng yêu cầu kỹ thuật bảo mật cũng như các điều kiện khắc nghiệt của môi trường quân đội.

Theo Chủ nhiệm chính trị của Công ty Thông tin M1, Thượng tá Nguyễn Phi Trường, công ty đã phối hợp với Binh chủng Thông tin liên lạc và các đơn vị trong toàn quân tiến hành thử nghiệm, đánh giá chất lượng các loại máy trên và đều đủ điều kiện để trang bị trong quân đội; 1.000 máy đầu tiên đã được Bộ Quốc phòng trang bị cho các đơn vị trong toàn quân… đến nay Công ty Thông tin M1 đã cung cấp cho Bộ Quốc phòng hơn 3.000 máy thông tin quân sự các loại.

Không chỉ vậy, khi nói về các thiết bị quân sự do Viettel thiết kế và chế tạo có thể thấy ngay những giá trị to lớn. Cụ thể: một bộ radar mua của nước ngoài giá khoảng 9 triệu USD, trong khi một bộ radar do Viettel sản xuất giá chỉ khoảng 2 triệu USD, trong khi nhu cầu trang bị cho quân đội lên đến hàng trăm bộ, như vậy có thể tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm triệu USD; một bộ máy 20W XD-D9B1 mua của nước ngoài giá 100 triệu đồng, nhưng máy do Viettel sản xuất giá chỉ 70 triệu đồng, tiết kiệm cho ngân sách của quân đội 30% kinh phí.

Rộng hơn

Viettel đã đầu tư mạnh mẽ ra nước ngoài. Hai doanh nghiệp của Viettel là Metfone tại Campuchia và Unitel tại Lào đã trở thành doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng lưới và thuê bao lớn nhất tại Lào và Campuchia, được nhận giải thưởng “Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tốt nhất thế giới tại các nước đang phát triển”. Hay đầu tư tại Mozambique, Viettel đã gặt hái nhiều thành công, được nhận giải thưởng “Doanh nghiệp có giải pháp tốt nhất giúp cải thiện viễn thông khu vực nông thôn châu Phi”. Theo ông Fransico Chate, Giám đốc phụ trách viễn thông, Cơ quan Quản lý viễn thông Mozambique: Chỉ sau 1 năm, Viettel đã làm được nhiều hơn những gì họ đã cam kết. Hạ tầng mà Movitel đầu tư đã lập tức đưa Mozambique trở thành quốc gia có hạ tầng viễn thông lớn thứ 3 vùng Cận Sahara, chỉ sau Nam Phi và Kenya…

Song câu chuyện đầu tư nước ngoài của đơn vị này phải nói đến dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử viễn thông sử dụng công nghệ SMT (công nghệ hiện đại nhất trên thế giới hiện nay và mới chỉ xuất hiện ở Việt Nam trong các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài). Không nằm ở giá trị đầu tư 200 tỷ đồng mà là việc xây dựng phương án, triển khai thực hiện hoàn toàn do người của Viettel thực hiện. Dây chuyền SMT Viettel được xây dựng theo tiêu chuẩn của Nhật Bản và được tích hợp các thiết bị tối ưu nhất của các nhà cung cấp nổi tiếng trên thế giới, có thể sản xuất tất cả các loại thiết bị thông minh nhất mà thế giới hiện nay đang có như các loại smartphone, máy tính bảng…

Dây chuyền này có công suất 2,6 triệu USB/năm. Đến nay, dây chuyền đã sản xuất đưa ra thị trường 200.000 máy điện thoại, 100.000 USB 3G với chất lượng tốt, tỷ lệ lỗi hỏng thấp hơn 10% so với sản phẩm cùng loại nhập ngoại; 4.000 bộ giám sát nhà trạm, 20.000 bộ chuyển đổi quang điện sử dụng cho các nhu cầu nội bộ của Viettel. Các thiết bị được sản xuất tại đây không chỉ phục vụ nhu cầu thay thế, lắp đặt toàn mạng trong nước mà còn có giá trị xuất khẩu đáng kể sang các nước đã đầu tư, đặc biệt là thiết bị đầu cuối như điện thoại di động.

Các dây chuyền công nghệ đang có tại Viettel thuộc loại hiện đại, do người Việt Nam làm chủ hoàn toàn từ thiết kế cấu hình, lắp đặt và vận hành khai thác. Viettel đang làm chủ công nghệ với các thiết bị bảo mật, phát triển không phụ thuộc vào nước ngoài và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tin khác

Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - Sáng ngày 4/5/2024, 24 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được luân chuyển, điều động, bổ nhiệm thực hiện nhiệm vụ mới.
Tin tức 12 giờ trước
(SHTT) - Trong khuôn khổ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024 diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới. Trong đó yêu cầu, mỗi bộ, ngành, địa phương phải có 1 đề án chuyển đổi số.
Tin tức 17 giờ trước
(SHTT) - Vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài nguyên môi trường về kết quả kiểm tra việc đấu giá 3 mỏ cát Châu Sơn, Liên Mạc, Tây Đằng - Minh Châu cao bất thường.
Tin tức 18 giờ trước
(SHTT) - Chiều ngày 4/5, Chánh Văn phòng, Người pháp ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh đã thông tin về tiến độ chuẩn bị cải cách tiền lương từ 1/7.
Tin tức 18 giờ trước
(SHTT) - Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tính đến 17h30 ngày 3/5, toàn thành phố có 54.509 thí sinh đã đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông thành công.