Tăng cường xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu
Chỉ thị của Bộ trưởng nêu rõ: Thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn và thường xuyên gây nhiều ảnh hưởng đến việc cung ứng xăng dầu trên thị trường trong nước khiến cho có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hoặc bán hàng với số lượng hạn chế, tạo ra ảnh hưởng nhất định đến tâm lý, đời sống sinh hoạt của người dân cũng như nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp.
Để thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 1039/CĐ-TTg ngày 2/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, trong đó có chỉ đạo tại mục 1.c về trách nhiệm của Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài Chính và các cơ quan liên quan. “…Thường xuyên kiểm tra, giám sát kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia…”, Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương thực hiện các chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương trong công tác kiểm tra xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Song song đó phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường việc kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình. Yêu cầu các đơn vị hoạt động theo đúng nội dung giấy xác nhận đủ điều kiện đã được cấp, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên địa bàn.
Mặt khác, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu; hành vi bán xăng dầu có các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can, chai và các dụng cụ chứa đựng khác trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang (quốc phòng, công an), thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật đã được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu với quy mô, trang thiết bị phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở khu vực đó.
Riêng đối với trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động , Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, lý do tạm ngưng, kiên quyết xử lý nghiêm khắc theo quy định. “Kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù là bất kể thương nhân ở loại hình nào”, Chỉ thị nêu rõ.
Thủ trưởng cơ quan Quản lý thị trường chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo, tổ chức công tác giám sát, kiểm tra xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Thực hiện xử lý nghiêm các cán bộ, công chức buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm.
Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị khẩn trương, nghiêm túc thực hiện và báo cáo kịp thời.
Quỳnh Anh