Quảng Ninh: Điểm qua những nhà thầu “quen mặt” tại Sở Giáo dục và Đào tạo
Quảng Ninh: Điểm qua những nhà thầu “quen mặt” tại Sở Giáo dục và Đào tạo(SHTT) Dưới hình thức đấu thầu rộng rãi, thế nhưng gần đây kết quả lựa chọn nhà thầu của nhiều gói thầu tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Quảng Ninh lại lộ rõ sự bất thường khi một số cái tên “quen thuộc” luôn được xướng tên liên tiếp trúng thầu làm dư luận hoài nghi.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài Công ty TNHH NSJ vừa qua đã bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam 15 bị can về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, trong đó có cựu Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Ninh Vũ Liên Oanh và cựu Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH NSJ Hoàng Thị Thúy Nga còn có hàng loạt nhà thầu “quen mặt” khác thường xuyên được Sở GDĐT tỉnh Quảng Ninh lựa chọn các gói thầu có giá trị lớn.
Đơn cử có thể kể đến như Công ty TNHH MTV Tư vấn, xây dựng và đầu tư Phạm Gia, địa chỉ tại Phường Cao Xanh, Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh tính từ năm 2020 đến nay tham gia 11 gói thầu tại Sở GDĐT tỉnh Quảng Ninh và đã trúng cả 11 gói thầu, không trượt gói nào.
Công ty TNHH Thiết bị Giáo dục và Đồ chơi Tràng An, trụ sở tại phố Đào Tấn, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội tham gia 4 gói thầu do Sở GDĐT tỉnh Quảng Ninh mời thầu thì đã trúng thầu 4 gói.
Trong đó, gói thầu có giá trị lớn nhất là gói thầu Cung cấp thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 cho các trường tiểu học công lập với giá trị hơn 42 tỷ đồng. Cụ thể, ngày 13/1/2021, bà Nguyễn Thị Thúy - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Ninh đã ký văn bản số 44/QĐ-SGDĐT phê duyệt kết quả lựa chọn Công ty TNHH Thiết bị giáo dục và Đồ chơi Tràng An (đứng đầu liên danh) trúng gói thầu số 01: cung cấp thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 cho các trường tiểu học công lập với giá 42 tỷ 469 triệu đồng.
Một cái tên khác là Công ty cổ phần Vật tư thiết bị Phương Nam (Lô Dh1 Khu Công Nghiệp Phú Thị, Huyện Gia Lâm, Hà Nội) tham gia 6 gói thầu của Sở GDĐT tỉnh Quảng Ninh, đã trúng thầu 5 gói thầu. Trong đó, gói thầu có giá trị lớn nhất là gói thầu số 04: Mua sắm, lắp đặt thiết bị mầm non thuộc dự án Đầu tư trang bị, thiết bị cho các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm học 2018-2019 với trị giá 35 tỷ 198 triệu đồng.
Công ty cổ phần đầu tư Hoàng Đạo (trụ sở tại Tòa Nhà Zodiac Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội) tham gia 5 gói thầu của Sở GDĐT tỉnh Quảng Ninh và đã trúng cả 5 gói thầu.
Công ty TNHH Thiết bị giáo dục Hồng Anh (trụ sở tại KCN Hiệp Phước, Huyện Nhà Bè, TP HCM) tham gia 8 gói thầu tại Sở GDĐT tỉnh Quảng Ninh thì trúng cả 8 gói thầu. Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Xây dựng Thái Hưng Quảng Ninh (Số 32 Đường Kim Đồng, Phường Hồng Hà, Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) tham gia 5 gói thầu, trúng cả 5 gói thầu.
Ngòa ra còn có những cái tên khác như, Công ty TNHH Công nghệ cao Minh Nghĩa. Công ty cổ phần Văn hóa và Giáo dục Tân Việt, Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học Quảng Ninh, Công ty cổ phần Đầu tư và Xuất bản giáo dục… cũng nhiều lần được Sở GDĐT tỉnh Quảng Ninh “xướng tên” trong nhiều gói thầu “khủng”.
Dư luận không khỏi hồ nghi và đặt dấu hỏi; Những doanh nghiệp này là ai mà có thể dễ dàng “ẵm trọn” những gói thầu béo bở đến vậy? Công tác tổ chức, tư vấn, đánh giá các gói thầu diễn ra như thế nào? Tại sao công tác tổ chức đấu thầu rộng rãi nhưng kết quả trúng thầu lại là những gương mặt quen thuộc? Liệu có hay không việc nhà thầu có mối quan hệ gần gũi với chủ đầu tư và được “xi nhan” từ đơn vị mời thầu, tư vấn thầu cũng như chính quyền địa phương để có sự phối kết hợp nhịp nhàng, dễ bề thao túng? Có hay không sự “móc nối” giữa chủ đầu tư và nhà thầu để cài cắm các tiêu chí, thông thầu trong các gói thầu trên?
Trên đây mới chỉ là một hiện tượng nhỏ trong rất nhiều hiện tượng “lạ“ đã không còn xa lạ tại các gói thầu trong thời gian qua về những dấu hiệu bất thường… nhưng cũng làm dư luận dấy lên những nghi ngại về sự không minh bạch, rõ ràng, có “sân sau”, “chỉ điểm” cho nhà thầu, không quan tâm đến chất lượng thi công công trình, làm tăng nguy cơ lãng phí đầu tư công cho ngân sách Nhà nước.
Vì vậy, các cơ quan chức năng cần xem xét lại quy trình đấu thầu đã được làm đúng, đủ, công khai, minh bạch hay chưa? Cũng như cần chỉ mặt, bêu tên rõ những nhà thầu thường xuyên dự thầu nhưng bị loại bởi tư cách hợp lệ hoặc những lý do khó chấp nhận. Những thông tin về các nhà thầu này cần phải được công khai rộng rãi, phải được lọc ra để cơ quan quản lý dễ dàng nhận diện.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!
Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN
-
Bỏ túi ngay điểm đến sang chảnh hè 2021 mà chẳng phải đi đâu xa
-
Đất Xanh Service (DXS) vỡ kế hoạch lên sàn giá 4x
-
Tín dụng ngân hàng: Sau niềm vui tăng trưởng là nợ xấu và rầm rộ thanh lý tài sản
-
Vinamilk gửi tặng sữa và nhiều phần quà yêu thương đến với các 'chiến binh nhí' tại Bệnh viện Trưng Vương