Novaland đặt mục tiêu bổ sung thêm 10.000 ha quỹ đất trong 10 năm tới
Sáng ngày 27/04/2021, Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2021 của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland, HoSE: NVL) đã diễn ra tại Novaland Gallery (179 Hai Bà Trưng, Q.3).
Tại Đại hội, Novaland đã trình kế hoạch kinh doanh ấn tượng cho năm 2021: Doanh thu ước tính là hơn 27.000 tỷ đồng, Lợi nhuận là khoảng 4.100 tỷ đồng, đặt mục tiêu bổ sung quỹ đất thêm 10.000ha trong 10 năm tới.
Quý I/2021, Novaland ghi nhận quỹ đất hơn 5.400ha, Tổng giá trị phát triển dự án (Gross Development Value - GDV) của quỹ đất này ước đạt gần 45 tỷ USD. Đại diện Novaland cho biết dựa trên những thành quả đầu tiên sau 3 năm triển khai các “đại dự án” tại Đồng Nai, BR- VT, Bình Thuận; Tập đoàn sẽ xem xét và mở rộng quỹ đất tại một số địa phương như Lâm Đồng, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định...
Mục tiêu đến năm 2030 bổ sung thêm 10.000ha, nâng tổng số quỹ đất lên 15.000ha để chuẩn bị cho các giai đoạn phát triển tiếp theo.
“Đầu tư tại đâu chúng tôi đều cân nhắc các yếu tố về tiềm năng du lịch, khả năng kết nối hạ tầng và sự ủng hộ của chính quyền địa phương với mục tiêu biến nơi đó thành điểm đến du lịch mới, góp phần xây dựng kinh tế vùng, tương tự như cách chúng tôi đang làm tại Bình Thuận với NovaWorld Phan Thiet, Centara Mirage Mui Ne Resort, PGA Golf và BR-VT với NovaWorld HoTram”, đại diện Novaland cho biết.
Theo số liệu BCTC đã được PwC kiểm toán trong năm tài chính 2020, Tập đoàn Novaland ghi nhận nhiều kết quả khả quan với Vốn điều lệ đạt 9.863 tỷ đồng, Vốn chủ sở hữu 31.932 tỷ đồng, Tổng tài sản 144.536 tỷ đồng và Lợi nhuận sau thuế đạt 3.907 tỷ đồng.
Tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/04/2021, Vốn hóa thị trường Novaland đạt 132.073 tỷ đồng, tương đương 5,7 tỷ USD, tăng trưởng hơn 100% so với mức 65.082 tỷ đồng thời điểm 31/12/2020 và duy trì vị thế công ty BĐS nhà ở niêm yết có vốn hóa đứng thứ 2 tại Việt Nam.
Tại Đại hội, Cổ đông cũng đặt câu hỏi về tờ trình cho NovaGroup được mua lại cổ phần Novaland mà không cần chào mua công khai. Trả lời câu hỏi này, đại diện Novaland lý giải đây thực chất là do hoạt động tái cấu trúc, việc chuyển nhượng có ý nghĩa là sự hoán đổi cổ phiếu của Cổ đông từ cổ phiếu Novaland thành cổ phiếu của NovaGroup.
Theo đó, tỷ lệ sở hữu thực tế của các Cổ đông lớn về bản chất là không bị giảm tỷ lệ sở hữu, mà việc này càng chứng minh cho tính cảm kết lâu dài của Cổ đông lớn đối với Novaland.
Novaland cũng giới thiệu việc thời gian tới, Novaland cùng với các thành viên của NovaGroup là Nova Service Group (lĩnh vực Bán lẻ, dịch vụ, cộng đồng), Nova Consumer Group (gồm các mảng kinh doanh Nông nghiệp + Hàng tiêu dùng) cùng với các đối tác chiến lược sẽ tạo nên hệ sinh thái dịch vụ tiện ích đầy đủ cho các dự án của Novaland.
“Đây sẽ là yếu tố bổ trợ mạnh mẽ cho các Dự án Novaland, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm và nâng tầm phong cách sống cho các Khách hàng. Các ngành bổ trợ thuộc NovaGroup là các công ty có đội ngũ riêng, chuyên nghiệp trong từng lĩnh vực cụ thể, tách bạch rõ ràng và minh bạch để nhà đầu tư yên tâm về sự chuyên nghiệp trong đầu tư vốn và vận hành của Novaland”, đại diện Novaland chia sẻ.
Theo phê duyệt của Nghị quyết lần 2 liên quan đến sử dụng nguồn thặng dư dựa trên số liệu của BCTC năm 2020, số tiền thặng dư dùng chia là hơn 3.800 tỷ đồng, quy ra mức tối đa cứ 100 cổ phiếu đang sở hữu thì Cổ đông sẽ được thưởng tối đa khoảng 36 cổ phiếu, tương đương 36%. Trong năm sau, số dư thặng dư có thể dùng để chia cho Cổ đông nắm giữ cổ phiếu hiện hữu theo qui định của pháp luật tối thiểu hơn 4.000 tỷ.
Tại đại hội, đại diện Novaland cũng cho biết ba Dự án trọng điểm NovaWorld Ho Tram (BR- VT), NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận), và Aqua City (Đồng Nai) sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai để được ghi nhận doanh thu, lợi nhuận trong vòng 3 năm tới, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch ban đầu. Dự kiến, tổng lợi nhuận giai đoạn 2021 - 2023 thu được từ 3 “siêu” Dự án này ước đạt 2 tỷ đô-la Mỹ.
Kế hoạch tăng tốc xây dựng các dự án trọng điểm của Novaland được lý giải là đang bám theo tiến độ hoàn thành của loạt hạ tầng giao thông quốc gia.
Cụ thể, sân bay quốc tế Long Thành sẽ hoàn thành trong năm 2025; sân bay quốc tế Phan Thiết giai đoạn 1 (với công suất khai thác 2 triệu lượt khách / năm) và cao tốc TP.HCM - Dầu Giây - Phan Thiết hoàn thành năm 2022; cùng với cao tốc Dầu Giây – Bảo Lộc, Biên Hòa – Vùng Tàu dự kiến sẽ sớm được khởi công.
Đại diện Novaland cho biết: “Việc loạt dự án trọng điểm đi vào vận hành từ 2023 sẽ giúp chúng tôi vừa có thể đảm bảo giá trị đầu tư cho khách hàng của mình, đồng thời góp phần tạo ra ngay các giá trị sử dụng thật cho cả cộng đồng và kinh tế địa phương”.
Trang B
vnfinance.vn