TP.HCM là mảnh đất 'màu mỡ' cho các doanh nghiệp y dược
Dưới sự ủng hộ của Bộ Y Tế, sự kiện Triển lãm tiêu biểu và toàn diện thường niên ngành Thiết bị Y tế và Dược phẩm do Công ty VINEXAD (trực thuộc Bộ Công Thương) phối hợp với Hội Thiết bị Y tế TP.HCM tổ chức trong suốt gần 2 thập kỷ qua đã xây dựng nên một thương hiệu triển lãm uy tín trong ngành.
Triển lãm năm nay ghi nhận có sự đảo chiều giữa nhóm ngành dược và trang thiết bị y tế. Nếu như năm 2019 số doanh nghiệp trưng bày trang thiết bị y tế (TTBYT) chiếm 70%, thì năm 2022 các nhãn hàng dược - thực phẩm chức năng đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ chiếm tới 55% thị phần trong tổng số 260 doanh nghiệp tham gia lần này.
Cơ hội cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, ông Phạm Đăng Khánh - Giám đốc VINEXAD Sài Gòn cho biết: “Triển lãm Quốc tế chuyên ngành y dược lần thứ 20 - Vietnam Medi-pharm Expo 2022 được tổ chức thường niên tại TP.HCM là sự kiện xúc tiến thương mại đa dạng của ngành y tế Việt Nam.
Với uy tín đã được khẳng định, triển lãm ngày càng phát triển lớn mạnh về quy mô đã đem đến nhiều cơ hội trao đổi thông tin, đàm phán hợp tác và đi đến ký kết các thỏa thuận, hợp tác kinh doanh”.
Năm nay, triển lãm với chủ đề “Chung tay bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cộng đồng” có quy mô 320 gian hàng, trong đó có hơn 260 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ như Ba Lan, Đài Loan, Đức, Hàn Quốc, Malaysia, Nga, Nhật Bản, Pakistan, Pháp, Singapore, Myanmar, Thái Lan và nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trang thiết bị y tế hàng đầu Việt Nam.
Ngành hàng trưng bày tại triển lãm đa dạng và phong phú như: Máy móc thiết bị phân tích, thí nghiệm; trang thiết bị, vật tư y tế dùng trong bệnh viện; thiết bị thẩm mỹ; máy móc chế biến dược phẩm; chuyên ngành nhãn khoa, chuyên ngành nha khoa,…
Tiếp nối những thành công kết quả đạt được từ những lần triễn lãm trước, Triển lãm Quốc tế chuyên ngành y dược lần thứ 20 được tổ chức nhằm giới thiệu sản phẩm, công nghệ tiên tiến y dược của Việt Nam và thế giới đến với doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, triển lãm cũng là dịp để tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác y tế, công tác thương mại trong lĩnh vực dược và y tế.
Hơn hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng về thương mại, trong đó có các lĩnh vực về dược, trang thiết bị và kỹ thuật. Các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước đã gặp những khó khăn về vấn đề phân phối lẫn cung ứng. Chẳng hạn như nghiên cứu sản xuất các sản phẩm dược phẩm, các trang thiết bị để phục vụ cho lĩnh vực y tế, vấn đề chăm sóc và điều trị cho người bệnh.
Phát biểu tại triển lãm, ông Nguyễn Đình Anh - Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua Khen thưởng, Bộ Y tế Việt Nam cho hay: “Trong hơn hai năm qua, tình hình thế giới, đặc biệt là Việt Nam cũng đã tập trung để thực hiện, triển khai công tác phòng chống dịch. Chúng tôi và các bạn căn bản đã làm rất tốt, kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Triển lãm lần này cũng là cầu nối hiệu quả, kênh xúc tiến thương mại quan trọng để giúp các doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế về lĩnh vực y dược được gặp gỡ, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm cũng như tìm kiếm các cơ hội đầu tư, kinh doanh”.
Qua triển lãm, các doanh nghiệp trong nước có các cơ hội đầu tư, hợp tác với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực y dược, đặc biệt là trong vấn đề phát triển các công nghệ mới, phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh.
Thị trường y tế Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư
Tại Hội nghị trong lĩnh vực dược phẩm và y tế được tổ chức tại TP.HCM gần đây, đại diện Sở Y tế TP. HCM, ông Lê Ngọc Danh - Phó trưởng phòng nghiệp vụ dược cho biết thị trường dược phẩm Việt Nam đang được định giá khoảng 6,2 - 6,4 tỷ USD/năm.
Trong đó, thị trường dược phẩm TP.HCM chiếm 30 - 40% của cả nước. TP.HCM cũng là tuyến cuối trong khám, chữa bệnh của khu vực phía Nam. Vì vậy, với tỉ lệ này, thị trường dược phẩm TP.HCM có quy mô khoảng 2 tỷ USD, rất nhiều tiềm năng để hợp tác đầu tư và phát triển.
Trước đó BMI Research cũng dự báo về độ lớn thị trường Dược phẩm của Việt Nam sẽ đạt 16,1 tỷ USD vào năm 2026, với tỉ lệ tăng trưởng kép lên tới 11% tính theo đồng Việt Nam.
Đầu tư của tư nhân vào lĩnh vực y tế được dự báo ngày càng hấp dẫn, bởi nhu cầu người dân về các dịch vụ y tế cao cấp tăng nhanh. Theo các chuyên gia, thị trường y tế và chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam khá lớn với quy mô khoảng 12-15 tỷ USD, số tiền người dân chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe tăng bình quân trên 10% mỗi năm. Có thể thấy, đây là một thị trường khá “màu mỡ”.
Tổ chức UQVIA Institute đã xếp Việt Nam vào nhóm Pharmerging Market - nhóm 17 nước có mức tăng trưởng ngành dược phẩm cao nhất thế giới. Doanh thu từ dược phẩm dự kiến đạt 7,51 tỷ USD vào năm 2025, chiếm 1,78% GDP và 32,2% chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm CAGR trong giai đoạn 2020-2025 là 8%.
Tiềm năng tăng trưởng của ngành dược phẩm được đánh giá cao vì thu nhập người dân tăng cao hơn, dân số đang bước vào giai đoạn già hóa khiến việc nhận thức ngày càng chú trọng vào các vấn đề sức khỏe. Vì vậy, chi tiêu cho các nhu cầu về sức khỏe cũng tăng theo.
Võ Liên
TIN LIÊN QUAN
-
Triển lãm Vietnam Medi-pharm Expo và Vietfood & Beverage – Propack 2022 diễn ra song hành tại TP.HCM
-
Triển lãm công nghiệp quốc tế - Vietnam Manufacturing Expo
-
Vietnam Manufacturing Expo (VME): Hỗ trợ doanh nghiệp, mở rộng thị trường và tiếp cận cơ hội kinh doanh quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu
-
Doanh nghiệp du lịch Việt Nam liên kết để cùng phát triển