SO HUU TRI TUE
Thứ sáu, 26/04/2024
  • Click để copy

Ngành dệt may và bài toán quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh mới

14:57, 17/08/2022
(SHTT) - Mới đây, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội (HPA) đã tổ chức Tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp ngành dệt may trong bối cảnh mới”.

Ngành dệt may Việt Nam trong nhiều năm qua luôn là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Theo báo cáo của Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS), tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may 7 tháng đầu năm 2022 có thể nói khá thuận lợi. Đơn hàng dồi dào, lực lượng lao động dần ổn định sau khi Việt Nam triển khai tiêm vaccine thần tốc và chuyển sang trạng thái bình thường mới, thích ứng linh hoạt với COVID-19. Toàn ngành dệt may đã đạt được kết quả khả quan.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng năm 2022 ước đạt  26,55 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu dệt may 7 tháng ước đạt 15,48 tỷ USD tăng 7,9%. Kim ngạch xuất siêu đạt 11,07 tỷ USD, tăng 31% so với 7 tháng 2021.

Tuy nhiên, ngành dệt may cũng dự báo, những tháng cuối năm 2022, toàn ngành sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức lớn. Hiện ngành dệt may Việt Nam đang chịu tác động trực tiếp bởi những biến động khó đoán định trên thế giới. Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch và ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm.

det may

 

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Giám đốc HPA Lê Tự Lực cho biết: Sau tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp dệt may đang tập trung đầu tư vào việc nghiên cứu phát triển nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất, nâng cao tính chủ động nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Đồng thời, tìm cách thích ứng nhanh với điều kiện kinh doanh mới, như đa dạng hóa dòng hàng, thị trường; ứng dụng cơ chế thanh toán mới khác cách mua bán truyền thống trước đây.

Ông Lê Tự Lực cũng cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, nỗ lực phát huy vai trò là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND Thành phố Hà Nội; có chức năng đề xuất, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, nông nghiệp và dịch vụ đối ngoại của Thành phố; Tổng hợp các kiến nghị và phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành các chính sách thu hút về đầu tư, thương mại, du lịch, nông nghiệp; Hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tìm cơ hội đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác ở Việt Nam và nước ngoài.

Cùng quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Anh Tuấn cũng nêu rõ, thách thức càng lớn thì cơ hội càng cao. Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang mở ra cơ hội rất lớn cho ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên ngành dệt may đang thiếu tính liên kết theo chuỗi giá trị. Điều này dẫn đến Việt Nam đạt thặng dư thương mại đối với sợi và hàng may mặc nhưng lại thâm hụt lớn đối với vải.

“Sợi sản xuất ra không được sử dụng trong nước để dệt vải mà chủ yếu xuất khẩu. Vải sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được gần 50% nhu cầu, khiến mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu hơn 10 tỷ USD vải các loại” - ông Nguyễn Anh Tuấn nêu ví dụ. 

Trong khi đó, các FTA thế hệ mới đặt ra yêu cầu về quy tắc xuất xứ, sợi và vải phải sản xuất tại Việt Nam, sử dụng tại Việt Nam hoặc ở các nước trong khối FTA thì mới được chứng nhận quy tắc xuất xứ và được hưởng thuế ưu đãi. Do đó, các doanh nghiệp dệt may buộc phải tập trung phát triển theo toàn bộ chuỗi, hình thành nên chuỗi giá trị trong nước.

Chia sẻ thêm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Trương Văn Cẩm thông tin, dệt may Việt Nam đang phải cạnh tranh quyết liệt với các nước có kim ngạch xuất khẩu dệt may lớn như Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ… Tại thị trường nội địa cũng phải cạnh tranh quyết liệt với các thương hiệu lớn nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam.

Không những vậy, thị trường các nước nhập khẩu dệt may của Việt Nam phần lớn là thị trường đẳng cấp và khó tính, yêu cầu cao về chất lượng, vệ sinh an toàn sản phẩm, môi trường, hàm lượng tái chế, tiêu chuẩn lao động… Xu hướng thế giới cũng đang thay đổi, chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững (tăng tuổi thọ sản phẩm, tỷ lệ tái chế, phí cacbon…).

Để ngành dệt may có thể vượt qua thách thức, tận dụng tốt những cơ hội “vàng”, các chuyên gia kinh tế tham gia toạ đàm đề xuất, thời gian tới cần thu hút đầu tư vào ngành dệt may, nhất là dự án dệt - nhuộm, sản xuất nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường… Đồng thời, nâng cao năng lực quản trị, phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp dệt may.

Các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương hiệu, sản phẩm mới, đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu và thị trường xuất khẩu, “xanh hoá” công nghiệp dệt may… qua đó thực hiện mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 68 - 70 tỷ USD vào năm 2030.

Hương Mi

Tin khác

Kinh tế 4 giờ trước
(SHTT) - Lãi suất ưu đãi chỉ từ 0,5%/tháng, không phải đến ngân hàng làm thủ tục, phê duyệt online giải ngân nhanh trong ngày là những ưu điểm nổi bật của sản phẩm vay mua ô tô được VPBank triển khai qua ứng dụng Race App của ngân hàng.
Kinh tế 11 giờ trước
(SHTT) - Ford cho biết quý đầu năm 2024, họ bán được 10.000 xe điện, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - UBND TP Hà Nội đã lên kế hoạch tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Trong khuôn khổ diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024 (VOBF 2024) diễn ra tại Hà Nội sáng 25/4, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã công bố Báo cáo chỉ số thương mại điện tử (EBI) 2024, với nhiều thông tin và con số đáng chú ý.
Kinh tế 1 ngày trước
(SHTT) - Hôm nay (ngày 25/4), giá xăng trong nước đã được Bộ Công Thương - Bộ Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 320 đồng, làm giảm giá bán xuống dưới mức 25.000 đồng/lít.